Thứ năm, 28/03/2024 | 16:45
RSS

Bệnh bạch hầu bùng phát tại Quảng Nam, một học sinh tiểu học tử vong

Thứ tư, 11/10/2017, 21:13 (GMT+7)

Theo ghi nhận, một ổ bệnh bạch hầu bùng phát tại Quảng Nam khiến 1 học sinh Trường tiểu học xã Trà Vân (H.Nam Trà My) tử vong.

Dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại Quảng Nam

Học sinh huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) được tiêm phòng dịch bạch hầu Ảnh Dân trí.

Sở Y tế Quảng Nam cho biết dịch bệnh bạch hầu bùng phát tại Quảng Nam từ cuối tháng 9. Sở Y tế tỉnh, UBND huyện Nam Trà My và Trung tâm y tế (TTYT) dự phòng tỉnh đã nhận được thông tin từ TTYT huyện Nam Trà My về một số trường hợp mắc bệnh tại Trường tiểu học Trà Vân, huyện Nam Trà My.

Qua điều tra dịch tễ và khám đã ghi nhận có ổ dịch nghi bạch hầu tại Trường Tiểu học xã Trà Vân với 7 trường hợp mắc bệnh với các dấu hiệu sưng hạch cổ và có giả mạc hầu họng.

Kết quả xét nghiệm sơ bộ của Viện Pasteur Nha Trang cho thấy tất cả ca nghi ngờ đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu. Trong đó, 2 ca mắc ngày 27/9 (phát hiện ngày 29/9), 5 ca ngày 30/9 (phát hiện 2 ca ngày 2/10 và 3 ca ngày 3/10).

Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu với các triệu chứng sốt, sưng hạch cổ, ăn uống khó khăn. Kết quả xét nghiệm sơ bộ ngày 5/10 cho thấy, 7/7 ca nghi ngờ đều dương tính với vi khuẩn bạch hầu.

Trong đó có 2 ca mắc ngày 27/9 (phát hiện ngày 29/9); 5 ca mắc ngày 30/9 (phát hiện 2 ca/ngày 2/10 và 3 ca/ngày 3/10), gồm 3 nam và 4 nữ ở độ tuổi từ 8-12, đang học các lớp 3A, 3B, 4A, 5A và 5B Trường tiểu học Trà Vân. Các em học sinh này trú ở thôn 1, 2 và thôn 3 xã Trà Vân.

Theo Sở Y tế Quảng Nam, hiện có 6 ca đang điều trị tại bệnh viện huyện Nam Trà My, hiện nay đáp ứng với điều trị, tiến triển tốt. Riêng ca bệnh Hồ Bảo Ph. (SN 2009, phát bệnh ngày 27/9, vào TTYT huyện Nam Trà My sáng ngày 29/9), được điều trị tích cực nhưng đến ngày 1/10 bệnh trở nặng và được chuyển đến Bệnh viện Nhi tỉnh, sau đó chuyển ra Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng trong ngày. Đến 12h ngày 3/10, bệnh nhi tử vong do biến chứng viêm cơ tim.

Nói về việc tổ chức tiêm phòng nhưng vẫn xảy ra tình trạng mắc bệnh ở các huyện miền núi, ông Nguyễn Văn Văn, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam trả lời trên Thanh niên: "Bệnh bạch hầu xảy ra tại Nam Trà My ở lứa tuổi từ 8 đến 12; trong khi ở huyện Tây Giang (phát hiện ổ dịch trong tháng 1 và 5.2017) ở độ tuổi từ 15 đến 20 tuổi. 

Theo y văn thế giới miễn dịch bạch hầu sau khi tiêm vắc xin là miễn dịch không bền vững, nó giảm theo thời gian. Cứ khoảng 10 năm sau khi tiêm vắc xin, hiệu giá kháng thể sẽ giảm đi 40%".

Cũng theo ông Văn, tại đồng bằng, việc tiêm chủng bạch hầu rất tốt, trong khi đó tại miền núi, môi trường ẩm, lạnh khiến vi khuẩn tồn tại, cộng với tiêm chủng không đầy đủ nên vi khuẩn có điều kiện xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. 

Ông Văn khẳng định, ngành y tế Quảng Nam không hề giấu dịch mà sẽ thận trọng công khai khi đã có kết quả cuối cùng từ Viện Pasteurs Nha Trang.

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN