Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:34
RSS

“Nóng” các dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa mưa lũ

Thứ ba, 25/07/2017, 19:25 (GMT+7)

Chiều ngày 24/7, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch mùa mưa lũ và sốt xuất huyết.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), có một số dịch bệnh lưu hành trong 7 tháng đầu năm như sau:

Bệnh cúm: Tuy không ghi nhận ở người cúm A (H7N9), cúm A (H5N6), cúm A (H5N1) nhưng liên tục ghi nhận các ổ dịch trên gia cầm cúm A (H5N1).

Bệnh do virus Zika: Phát hiện 27 trường hợp nhiễm tại 7 tỉnh / thành phố, trong đó TP.HCM chiếm cao nhất (18 trường hợp).

Bệnh tay chân miệng: Phát hiện 34.046 ca mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 16.951 trường hợp nhập viện, không có trường hợp nào tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người nhập viện giảm 11,7%. Số mắc tích lũy tăng cao tập trung tại một số tỉnh, thành phố tại miền Nam như Đồng Nai, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp....

Dich benh

Bệnh nhân đang phải điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh minh họa

Bệnh lỵ trực trùng: Có 7.606 trường hợp mắc, tập trung tại một số tỉnh như Lai Châu, Cao Bằng... liên quan đến vấnđề mất vệ sinh, phóng uế bừa bãi.

Bệnh liên cầu lợn: 75 trường hợp mắc, 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc tăng 31 trường hợp.

Bệnh viêm não virus: 416 trường hợp mắc, có 13 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc giảm 16,9%, số tử vong tăng 2 trường hợp.

Bệnh viêm não Nhật Bản: 91 trường hợp được xác định phòng xét nghiệm trong tổng số 109 trường hợp nghi mắc, có 3 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 8 trường hợp, tử vong tăng 3 trường hợp.

Bệnh bạch hầu: 7 trường hợp đã được chẩn đoán xác định trong tổng số 15 trường hợp nghi mắc, 4 trường hợp tử vong.

Bệnh ho gà: 288 trường hợp chẩn đoán xác định trong tổng số 459 trường hợp nghi mắc, 5 trường hợp tử vong. Các trường hợp nghi mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc (375 trường hợp). So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 167,2%, tử vong tăng 4 trường hợp.

Dịch bệnh truyền nhiễm

Sau sốt xuất huyết ngành y tế lo ngại y dịch tay chân miệng có thể xảy ra. Ảnh minh họa.

Dịch bệnh sốt xuất huyết được đưa ra bàn thảo nhiều nhất do đang là mùa mưa - mùa của bệnh sốt xuất huyết và sốt xuất huyết ở miền Bắc có xu hướng gia tăng. Tích lũy 7 tháng đầu năm ghi nhận 58.888 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 17 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số nhập viện tăng 12,6%, số tử vong tăng 3 trường hợp.

Các chuyên gia cảnh báo, năm nay nhuận hai tháng 6 (âm lịch), mùa hè kéo dài, xen kẽ mùa khô lại là mùa mưa nên cần phải cẩn thận các dịch bệnh truyền nhiễm (mùa đông ít xảy ra dịch bệnh hơn). Không chỉ là các bệnh như sốt xuất huyết, viêm não..., cần đề phòng cả những bệnh đường tiêu hóa, bệnh mắt.

Để phòng dịch bệnh, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Kim Tiến, người dân cần ăn chín, uống chín, tiêm phòng đầy đủ, chú ý vấn đề vệ sinh cá nhân, đặc biệt là thường xuyên rửa tay sạch sẽ để phòng bệnh.

Trẻ em cần được chú ý uống thuốc tẩy giun định kỳ, uống vitamin A đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Khi có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe cần đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán, tránh ở nhà “ôm bệnh”, vừa nguy hiểm cho bản thân, vừa có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Phương pháp đơn giản "cứu" bé khỏi nạn dịch tiêu chảy vào mùa hè

Hoài Hương
Theo Đời sống Plus/GĐVN