Thứ sáu, 29/03/2024 | 02:30
RSS

Đề xuất sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin cho giáo viên và học sinh

Thứ tư, 10/11/2021, 10:25 (GMT+7)

Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT cần tích cực tham mưu, đề xuất để sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học và học sinh.

Đề xuất sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin cho giáo viên và học sinh

Ảnh minh họa

Ngày 9/11, Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị Giao ban trực tuyến với các Giám đốc Sở GD&ĐT. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các Vụ/Cục chuyên môn của Bộ GDĐT; lãnh đạo và cán bộ, chuyên viên Sở GDĐT của 63 tỉnh/thành.

Theo Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT, sơ bộ tình hình thực hiện các nhiệm vụ nửa đầu học kỳ I năm học 2020-2021, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, cơ bản các tỉnh thành đã chủ động, linh hoạt và nỗ lực triển khai trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch covid-19  

Bên cạnh một số tỉnh thành tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, còn rất nhiều địa phương phải dạy học trực tuyến, qua truyền hình. Việc chuyển trạng thái được linh hoạt triển khai, song song với tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao các địa phương đã chủ động, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ năm học nhằm thích ứng tình hình mới và thực hiện các mục tiêu: đảm bảo an toàn về dịch, hoàn thành chương trình và kiên trì chất lượng.

Thời gian tới, khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, Thứ trưởng đề nghị các tỉnh/thành tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên. Bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện, Sở GD&ĐT cần tích cực tham mưu, đề xuất để sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học và học sinh.

Theo đó, trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, các địa phương linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, cố gắng hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Tuy nhiên, dù thực hiện hình thức nào thì “kiên trì mục tiêu chất lượng” vẫn phải được cơ sở giáo dục đặt lên hàng đầu; trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng dạy học của các lớp triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: “Việc hoàn thành chương trình là quan trọng nhưng duy trì và giữ ổn định chất lượng giáo dục còn quan trọng hơn”.

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương củng cố đội ngũ, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng; nhất là giáo viên các môn học bắt buộc mới ở lớp 3 là Tin học, Ngoại ngữ; giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật (2 môn mới) lớp 10.

Trong tháng 12, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của các lớp/bậc học; các địa phương cần chuẩn bị đầu tư để đảm bảo việc dạy học, trong đó lưu ý “không để thiết bị đến trường mà không ra lớp”.

Về việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành đề nghị Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường THCS linh hoạt trong phân công giáo viên, sắp xếp thời khóa biểu dạy môn tích hợp Khoa học Tự nhiên để đảm bảo tính logic, khoa học của chương trình môn học và giúp học sinh tiếp thu thuận lợi kiến thức. 

Khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, các trường cần phân loại học sinh và dành thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức cho các em trước khi tiến hành kiểm tra, đánh giá. Với những địa phương chưa thể dạy học trực tiếp trở lại, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể linh hoạt áp dụng các hình thức được quy định trong Thông tư về đánh giá học sinh Tiểu học, THCS, THPT và Thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến..

Trao đổi tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cho biết: “Phần lớn học sinh lớp 1, 2 trên cả nước đang học trực tuyến. Những lớp học này, chỉ có 2 bài kiểm tra định kỳ vào cuối kỳ 1 và cuối kỳ 2 và quan điểm của ngành Giáo dục là coi trọng đánh giá thường xuyên ở cấp học này hơn. Vì thế, chúng ta tuyệt đối không để học sinh lớp 1 nào học xong chương trình vẫn không biết đọc, biết viết. Nhưng cũng không quá nặng nề kiểm tra đánh giá mà gây áp lực cho các em”.

Ngoài ra, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Thái Văn Tài cũng đề nghị các địa phương dành quan tâm đến lớp đầu cấp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới này.

H.N
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại