Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:19
RSS

Để hạn chế lây bệnh chân tay miệng, cha mẹ không được quên việc này

Thứ tư, 03/10/2018, 06:41 (GMT+7)

Tay chân miệng là một trong những dịch bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong cao. Có những việc làm tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại góp phần lớn ngăn chặn dịch lây lan ra cộng đồng.

Rửa tay bằng xà phòng

Cần làm gì để hạn chế lây lan chân tay miệng
Dịch chân tay miệng đang vào mùa, vậy làm sao để ngăn chặn dịch lây lan?

Theo các nhà khoa học, mỗi cm2 bề mặt da của cơ thể chứa tới hàng chục nghìn vi khuẩn có khả năng gây bệnh, tập trung nhiều ở da bàn tay với khoảng 200 triệu mầm bệnh, hỗn tạp nhiều loại vi khuẩn vì đôi tay thường xuyên tiếp xúc với đủ mọi vật trong cuộc sống.

Bàn tay thường là trung gian đem mầm bệnh vào cơ thể con người, trong đó có rất nhiều vi khuẩn gây ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như chân tay miệng, tiêu chảy cấp, cúm, tả, lỵ, thương hàn… 

Có rất nhiều cách để phòng tránh sự lan truyền của vi khuẩn gây bệnh, nhưng đơn giản, hiệu quả nhất chính là vệ sinh tay đúng cách. Theo Tổ chức Y tế thế giới chỉ một động tác rửa tay với xà phòng đã làm giảm tới 35% nguy cơ lây truyền các bệnh tiêu chảy.

Việc rửa tay cũng có thể làm giảm rủi ro nhiễm khuẩn tiêu chảy tới 47%, giảm đáng kể tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp từ 19 - 45% và phòng ngừa rất hiệu quả căn bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa ý thức được vai trò phòng bệnh của việc rửa tay.

Cần làm gì để hạn chế lây lan chân tay miệng 2
Một em bé bị tay chân miệng đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Theo Bs Đỗ Thiện Hải – Phó Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát thành dịch. Tuy nhiên tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng người nhà vào thăm bệnh nhân rất đông nhưng rất ít người rửa tay trước khi ra khỏi phòng bệnh.Chính họ lại có thể trở thành nguyên nhân reo rắc bệnh từ bệnh viện ra cộng đồng".

BS Lương Văn Chương – Phó khoa Cấp cứu – Bệnh viện Xanh Pôn đã chia sẻ một ví dụ bà đi chăm cháu bị tay chân miệng. Người bà này đã đi ra cổng viện mua ngô, tay bà vừa bế cháu mà bà bới cả nồi ngô, chính bà đã để lại một lượng virus khá lớn, các bà nội trợ khác mua về cho vợ chồng con cái ăn và nghiễm nhiên được hưởng. Vài ngày sau lại có thêm bệnh nhân mới. Nói thế để thấy ý thức vệ sinh của mình kém thế nào. Để cắt nguồn lây chỉ còn cách rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn".

Cần giữ vệ sinh thế nào để chặn đứng tay chân miệng lây lan?

Theo các bác sĩ, việc vệ sinh tay vô cùng quan trọng, được xem như vắc xin phòng bệnh. Đối với trẻ nhỏ càng cần chú trọng đến vệ sinh tay, bởi hệ miễn dịch yếu nên dễ bị vi khuẩn tấn công. Tuy nhiên việc rửa tay và giữ vệ sinh như thế nào là đúng cách để phòng tránh dịch bệnh tay chân miệng lây lan.

Cần làm gì để hạn chế lây lan chân tay miệng 3
Rửa tay, việc làm đơn giản nhưng có vai trò lớn trong việc ngăn chặn lây lan chân tay miệng.

Dưới đây là khuyến cáo của các chuyên gia y tế:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt vào 5 thời điểm quan trọng sau: trước khi chế biến thức ăn; trước khi ăn/cho trẻ ăn; trước khi bế ẵm trẻ; sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ; sau khi ho, hắt hơi hoặc sổ mũi làm dính các chất dịch tiết trên đôi bàn tay.

- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

- Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Đỡi với trẻ đã mắc bệnh chân tay miệng hoặc các bệnh truyền nhiễm khác phải điều trị tại bệnh viện, cha mẹ và gia đình nên lưu ý:

- Khi chăm sóc trẻ, người chăm sóc có thể nhiễm virus gây bệnh. Vì vậy những người này không nên đi lại tự do giữa các phòng bệnh hoặc đi ra ngoài bệnh viện.

- Hạn chế tối đa người nhà vào phòng bệnh. Khi vào thăm bệnh nhi đang điều trị và tiếp xúc với các vật dụng đang sử dụng trong bệnh viện, người tới thăm có thể mang mầm bệnh ra cộng đồng.

- Không nên mang các vật dụng, đồ chơi từ bệnh viện về nhà, nếu mang về thì cần tiệt trùng sạch sẽ.


Xem thêm Clip: Những dấu hiệu để cha mẹ ngay lập tức nhận ra căn bệnh chân tay miệng vô cùng nguy hiểm ở trẻ

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN