Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:56
RSS

Đau đầu gối khi ngồi xổm cảnh báo bệnh gì? Có nguy hiểm không?

Thứ năm, 26/10/2023, 07:08 (GMT+7)

Hiện tượng đau đầu gối khi ngồi xổm hoặc đứng dậy sau khi ngồi xổm thì cảm thấy đau nhói gối đều có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng sụn khớp bị tổn thương hoặc các bệnh mạn tính liên quan đến xương khớp. Vậy nguyên nhân nào dẫn tới hiện tượng này & làm sao để khắc phục. Cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.

I - Nguyên nhân gây đau đầu gối khi ngồi xổm

1. Hội chứng đau xương bánh chè

Xương bánh chè là một khớp xương nhỏ hình tam giác nằm ở phía trước đầu gối, chúng có tác dụng bảo vệ khớp gối và kết hợp cùng cơ tứ đầu giúp co duỗi chân dễ dàng. Khi bạn thực hiện các động tác co duỗi chân thì xương bánh chè sẽ trượt trong rãnh của xương đùi. Ở phía dưới xương bánh chè sẽ có một lớp sụn đóng vai trò như lớp bôi trơn và đệm giúp xương bánh chè trượt trơn tru, không bị ma sát.

hội chứng xương bánh chè gây đau gối khi ngồi xổm

Ở những người bị hội chứng đau xương bánh chè, cơn đau sẽ xuất hiện ở phía trước đầu gối hoặc xung quanh xương bánh chè khi thực hiện các động tác uốn cong đầu gối, nhất là khi ngồi xổm. Bởi ở tư thế ngồi xổm, áp lực đè lên khớp gối là rất lớn, do vậy dễ dàng kích thích cơn đau quá mức.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới hội chứng đau xương bánh chè, ví dụ hoạt động gối quá mức (chạy, nhảy, vận động mạnh), trật khớp xương, dị dạng xương, chấn thương... Vận động viên là đối tượng mắc hội chứng này phổ biến nhất, tuy nhiên những người làm việc văn phòng (ngồi lâu trên ghế) hay công việc yêu cầu uốn cong gối nhiều cũng có tỷ lệ mắc nhất định.

2. Chứng viêm xương khớp

Hầu hết các dạng viêm xương khớp gối như viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vẩy nến, Viêm khớp nhiễm khuẩn, thoái hóa khớp... đều gây ra các tổn thương nhất định như giảm chất bôi trơn, cứng khớp, tổn thương sụn, yếu cơ, giảm tuần hoàn máu và kích thích dây thần kinh. Tất cả các vấn đề này sẽ góp phần tạo ra cơn đau gối khi ngồi xổm, cơn đau sẽ xuất hiện mỗi khi ngồi xổm xuống hoặc đứng dậy từ tư thế ngồi xổm.

3. Hội chứng dải chậu chày

Dải chậu chày là một dải mô nối từ xương hông cho tới xương khớp gối, chạy dọc theo đùi. Ở người mắc hội chứng dải chậu chày, mỗi khi hoạt động thể chất hoặc ngồi xổm sẽ khiến dây chậu chày bị căng ra và khiến chúng bị ma sát vào xương và trở nên kích ứng, do đó người bệnh sẽ cảm thấy đau ở mặt bên của đầu gối, có thể kèm theo cả đau dọc đùi và hông.

đau khớp gối cảnh báo hội chứng dải chậu chày

4. Viêm bao hoạt dịch đầu gối

Ở phía trước xương bánh chè có một lớp bao hoạt dịch mỏng, khi túi hoạt dịch này bị viêm sẽ trở nên sưng to lên và gây ra cảm giác đau gối mỗi khi ngồi xổm hoặc cử động chân. Nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch đầu gối thường do quỳ nhiều, gặp chấn thương hoặc bị nhiễm trùng từ vết rách da đầu gối.

viêm bao hoạt dịch gây đau gối khi ngồi xổm

5. U nang Baker

U nang Baker thường xuất hiện ở phía sau gối, khi u xuất hiện sẽ tạo ra áp lực lên dây thần kinh, mạch máu và cơ gân nên sẽ khiến người bệnh bị đau sau gối mỗi khi hoạt động, thậm chí khi ngồi xổm sẽ rất đau và dễ gây vỡ u.

6. Bệnh Gout

Gout là tình trạng xuất hiện khi cơ thể bị rối loạn trao đổi chất, lượng axit uric quá cao, tích tụ lâu ngày dưới dạng tinh thể, điều này khiến dẫn tới tình trạng viêm khớp và nó có thể xuất hiện ở một vài khớp phổ biến như đầu gối, khớp bàn chân, ngón chân, tay và bàn tay.

7. Viêm gân

Ở khu vực đầu gối có nhiều loại gân khác nhau, ví dụ gân khoeo, gân bánh chè, gân cơ tứ đầu... Bất kỳ gân nào bị viêm đều sẽ gây cảm giác đau mỗi khi cử động chân, nhất là với động tác ngồi xổm. Bởi khi ngồi xổm, áp lực kéo căng đè lên gân là rất lớn nên sẽ kích thích phản ứng viêm & gây đau.

Trên đây là những nguyên nhân gây đau đầu gối khi ngồi xổm phổ biến nhất, ngoài ra cũng có một số vấn đề khác có thể góp phần ảnh hưởng và tạo ra cơn đau, bao gồm:

  • Ngồi xổm trong thời gian dài: Khi bạn ngồi xổm thì phần đầu gối sẽ bị đè nén và kéo căng, do đó nếu ngồi trong thời gian dài sẽ dẫn tới cơn đau nhức khó chịu. Ngoài ra tư thế ngồi xổm cũng không phân bố đều trọng lượng cơ thể, vì vậy các nhóm như cơ đùi, cơ bắp chân, cổ chân không hỗ trợ nhau tốt trong tư thế này và góp phần tạo ra cơn đau.
  • Thoái hóa khớp gối: Người già hoặc người phải sử dụng khớp gối thường xuyên (vận động viên) thường đối mặt với nguy cơ bị thoái hóa khớp gối. Khi đó sụn và chất bôi trơn ở khớp gối trở nên kém linh hoạt, kém đàn hồi, hoạt động không hiệu quả sẽ khiến khớp gối bị ma sát hoặc kích ứng gây ra cơn đau nhức.
  • Thừa cân, béo phì: Một trong những nguyên nhân quen thuộc dẫn tới đau xương khớp là vấn đề thừa cân, béo phì. Trong đó, đầu gối là nơi hầu như chịu áp lực toàn cơ thể, vậy nên khi thừa cân quá nhiều sẽ khiếp khớp gối không chịu được áp lực của toàn cơ thể, lâu ngày dẫn tới đầu gối chịu trọng lượng quá lớn và dần dần cơn đau xuất hiện và trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Lười vận động: Việc ít vận động, không vận động là vấn đề mà hiện nay nhiều đối tượng gặp phải trong xã hội hiện đại, đặc biệt là đối tượng trẻ. Một người ít vận động sẽ khiến máu ở khu vực khớp gối kém lưu thông, các cơ và mô xung quanh cũng yếu và kém linh hoạt hơn từ đó sẽ dễ bị đau nhức khi ở tư thế ngồi xổm.
  • Thiếu dinh dưỡng: Chế độ ăn uống không khoa học sẽ dẫn tới cơ thể thiếu chất, từ đó không đủ dinh dưỡng để nuôi dưỡng toàn cơ thể. Người bệnh nên chú ý lựa chọn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin D, canxi, magie… và tránh ăn những món chiên xào, nhiều dầu mỡ, sử dụng chất kích thích làm cho xương khớp ngày một yếu dần.
  • Căng thẳng, Stress: Tâm lý căng thẳng, áp lực kéo dài sẽ làm ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, làm hệ miễn dịch suy yếu dần dần, điều này khiến các yếu tố gây bệnh sẽ dễ dàng thuận lợi tác động và tấn công mạnh hơn. Lâu ngày khiến cơ thể của người bệnh trở nên nhạy cảm các khớp dễ nhiễm khuẩn hơn trước.

II - Đau đầu gối khi ngồi xổm điều trị như thế nào?

Để có thể điều trị được cơn đau đầu gối khi ngồi xổm, bạn cần xác định được lý do gây ra cơn đau, bởi với mỗi nguyên nhân sẽ có phương pháp và phác đồ điều trị khác nhau. Do đó bạn cần tới gặp bác sĩ chuyên khoa để tiến hành chụp chiếu và chuẩn đoán. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến nhất:

1. Nghỉ ngơi & hạn chế ngồi xổm

Nếu ngồi xổm gây ra cơn đau đầu gối thì phương án giải quyết đơn giản nhất cần thực hiện là tránh ngồi xổm, thay vào đó bạn hãy ngồi ở các tư thế khác thoải mái hơn, ví dụ ngồi duỗi chân. Mấu chốt chính là giúp các cấu trúc ở khu vực đầu gối không bị áp lực đè nén. Nhất là ở những người bị Hội chứng đau xương bánh chè, với hội chứng này đa phần nghỉ ngơi và hạn chế động tác làm căng thẳng đầu gối đã giúp khắc phục được bệnh khá hiệu quả.

2. Chườm nóng, lạnh

Sử dụng nhiệt nóng, lạnh để kích thích mạch máu cũng là phương pháp giúp giảm đau gối khi ngồi xổm hiệu quả. Tuy nhiên cần nhớ rằng nên dùng nhiệt lạnh khi mới bị chấn thương hoặc viêm. Còn cơn đau đã ở dạng mãn tính, hoặc khớp bị cứng thì nên dùng nhiệt nóng.

chườm đá giảm đau gối khi ngồi xổm

3. Massage, xoa bóp đầu gối

Dùng tay để xoa bóp nhẹ nhàng khu vực bị tổn thương là một trong nhiều cách giúp người bệnh làm dịu cơn đau. Thực hiện động tác này sẽ giúp cơ xương khớp được thư giãn và thoải mái hơn. Nhưng nên lưu ý, trước khi thực hiện tốt nhất bạn nên tới các cơ sở chuyên khoa để có thể được bác sĩ hướng dẫn chi tiết.

4. Sử dụng các phụ kiện hỗ trợ

Đối với một số chấn thương, nếu có nguy cơ làm trẹo, trật khớp thì hầu như bác sĩ chuyên khoa sẽ định hướng người bệnh cần cố định đầu gối bằng nẹp hoặc băng gối bằng thun. Bác sĩ sẽ đưa ra lựa chọn phù hợp nhất đối với tình trạng của mỗi người bệnh.

dùng đai quấn giảm đau khớp gối khi ngồi xổm

5. Sử dụng thuốc hỗ trợ điều trị

Thông thường, người bệnh thường sử dụng thuốc giảm đau để có thể cải thiện cơn đau nhanh chóng, từ đó giúp phần nào dịu đi cơn đau. Tuy nhiên, việc dùng thuốc giảm đau cần lưu ý để tránh gây ra những tác dụng không mong muốn. Khi lạm dụng trong thời gian dài, sẽ vừa khiến thuốc mất tác dụng vừa dễ gây hại tới dạ dày.

Một cách khác, để tránh tác dụng phụ người bệnh có thể tham khảo sản phẩm được bào chế theo Đông y thế hệ 2, được chiết xuất từ những thảo dược lành tính, giúp làm giảm các cơn đau xương khớp hiệu quả. Không những vậy còn có thể hạn chế xuất hiện tác dụng phụ, không gây tích nước, không làm hại đến chức năng gan, thận, dạ dày…

6. Phẫu thuật

Trong một số trường hợp khi các phương pháp không xâm lấn không đem lại hiệu quả & cơn đau gối ngày một tăng thì có thể bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành phẫu thuật. Thông thường những trường hợp này không dừng lại ở cơn đau gối khi ngồi xổm nữa, mà thậm chí đứng hay ngồi bình thường cũng rất đau.

III - Những lưu ý để tránh bị đau đầu gối khi ngồi xổm

Để hạn chế tình trạng ngồi xổm bị đau đầu gối, cách tốt nhất là bạn cần thay đổi lối sống sinh hoạt và tránh các hoạt động gây căng thẳng hoặc dễ chấn thương cho đầu gối. Dưới đây là một số vấn đề bạn nên quan tâm:

  • Kiểm soát trọng lượng cơ thể: Nếu bạn trở nên béo phì thì đầu gối sẽ phải chịu nhiều trọng lực mỗi khi ngồi xổm, áp lực đè lên khớp gối nhiều sẽ dễ gây ra các tổn thương khớp.
  • Luyện tập thể chất mỗi ngày: Nên tăng cường các hoạt động thể thao thể dục hàng ngày. Đặc biệt nên chú trọng hơn vào các nhóm cơ đùi, cơ bắp chân, bởi khi các nhóm cơ này khỏe sẽ hỗ trợ khớp gối rất tốt.
  • Cân bằng dinh dưỡng: Nên bổ sung thêm các thực phẩm giàu canxi, các loại vitamin, omega 3... Hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ và loại bỏ hoàn toàn rượu bia, thuốc lá là tốt nhất.
  • Hạn chế ngồi xổm: Dẫu sao ngồi xổm vẫn là tư thế gây căng thẳng cho hầu hết các khớp và cơ gân ở chân, do vậy nếu không cần thiết bạn nên lựa chọn các tư thế ngồi khác thoải mái hơn.

Bài viết trên chúng tôi đã chia sẻ tới bạn những thông tin cần biết về chứng đau đầu gối khi ngồi xổm. Tóm lại nếu tình trạng nhẹ, bạn có thể nghỉ ngơi và tự điều trị tại nhà, tuy nhiên nếu khi thấy có những dấu hiệu bất thường thì cần tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám.

DS. Hồng Vân
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại