Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:26
RSS

Đập hoa, chặt quất vì giá rẻ: Vì đâu?

Thứ sáu, 16/02/2018, 13:34 (GMT+7)

Các tiểu thương đập bỏ hàng trăm chậu hoa ế, cắt trụi, chặt cành hàng loạt cây quất, cây mai... vào ngày 30 Tết chứ không hạ giá.

Tại chợ hoa công viên 23/9 (quận 1, TP.HCM) vào trưa 30 Tết, rất đông người dân đổ về đây với hy vọng mua được hoa giá rẻ. Tuy nhiên điều bất ngờ là những người bán hoa ở đây quyết không hạ giá, dù có phải đập bỏ.

Thực tế, những vựa hoa cúc, mào gà, hoa hướng dương... đều bị người bán hoa đập bỏ, cắt gốc để đưa lên xe gác. Nhiều người lao vào xin hoặc trả giá rẻ nhưng người bán hoa từ chối.

“Lúc bán thì không mua, chờ đến sát giờ để mua giá rẻ. Năm nào cũng vậy, người trồng hoa chúng tôi đã khổ đủ điều, nay gặp người mua hoa như vậy nên thà bỏ chứ không bán rẻ”, một người bán hoa ở Công viên 23/9 chia sẻ.

đập hoa, vì giá rẻ
Tiểu thương cắt trụi cành, lá của hàng loạt cây mai chứ không bán rẻ

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Đà Nẵng. Tại chợ hoa Xuân Mậu Tuất 2018 ở Quảng trường 29/3, nhiều chủ nhà vườn ở Bình Định, Phú Yên đã cắt trụi cả trăm cây mai, chở gốc về quê cách xa 500 – 700 cây số chứ nhất quyết không bán rẻ.

Họ cho biết, người chơi mai Tết ở Đà Nẵng khá kỹ tính trong việc chọn mai. Để thuyết phục được họ chọn mua một chậu mai nhiều khi phải nói “khô cả cổ”. Nhưng điều đó không khiến các nhà vườn “phiền lòng” bằng việc có nhiều người chơi mai ở Đà Nẵng dù đã rất thích song vẫn đợi đến chiều, tối 30 Tết cho mai “đại hạ giá” rồi mới mua.

“Khách Đà Nẵng kỹ tính đến mấy bọn tôi cũng chìu, nhưng không thể chìu theo mấy người cứ chờ đến phút tận cùng rồi trả giá mai rẻ mạt!”, anh Nghiêm, chủ lô mai ở góc đường 30/4 – Núi Thành nói. Anh cho biết, trong số gần 300 cây mai anh chở từ Tuy Phước (Bình Định) ra chợ hoa xuân Đà Nẵng năm nay vẫn còn gần 100 cây chưa bán được.

Mặc dù vậy, anh vẫn nhất quyết giữ nguyên giá từ 1,5 – 3 triệu đồng/cây mai chứ không bán rẻ. Mọi năm, đến tối 30 Tết, anh vẫn cắt hết cành lá, chỉ giữ lại than, gốc mai chở về quê tiếp tục trồng cho mùa Tết năm sau. Nhưng lần này thì dù chỉ mới 3 – 4g chiều 30 Tết, trước sự sững sờ của nhiều người, anh vẫn tự tay cắt trụi hàng loạt cây mai, rồi sai thợ vườn của mình đổ chậu, chở gốc mai về quê.

Tại Hòa Bình, một chủ bán quất cũng chặt hàng loạt cây quất để tránh bị ép giá rẻ.

Còn ở Hà Nội tại quảng trường trước sân vận động Mỹ Đình, anh Quân (Sóc Sơn, Hà Nội) quyết định đập bỏ hàng chục cành đào rừng Sa Pa. Anh cho biết mình đập để nói cho những người cứ 30 Tết ra chờ hoa bỏ đi để nhặt, xin về chơi lấy lộc là đừng nên như vậy.

Nhiều người chỉ trả 100.000-200.000 đồng cho một cành đào, không đủ giá nhập. Trong khi đó, giá nhập đào ở Sa Pa rất đắt. Anh tốn thêm 26 triệu đồng tiền thuê mặt bằng. Anh thuê 8 người bán hàng, trông nom với giá 300.000 đồng/người/ngày.

“Lỗ thì đã lỗ nhiều rồi, tôi đập bỏ để cho mọi người đừng nghĩ rằng 100.000- 200.000 đồng của họ là to”.

Cũng tại đây, một người bán quất đã cưa nát thân cây và đập vỡ bầu đất của các cây quất còn chưa bán được.

Hiện tượng tiểu thương đập nát hoa, chặt cây cảnh để tránh bị ép giá không phải năm nay mới diễn ra mà đã có từ nhiều năm trước. Nhìn nhận hiện tượng này, GS.TS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam từng chia sẻ quan điểm của ông trên Đất Việt.

Theo đó, trường hợp những nhà buôn không bán được hoa đem đi đốt, chặt phá, dập vùi cái đẹp bằng sự tức giận, theo ông là hành vi thiếu văn hóa, thể hiện sự ích kỷ. Thường thì hoa các ngày giáp Tết là rất dễ bị ép giá rẻ, nên họ không muốn bán, nhưng cũng phải nhìn lại ban đầu cũng do họ thấy người dân mến mộ hoa nên nâng giá vượt lên tất cả sự thật, thực chất của hoa, nên không ai mua, dẫn đến hoa vẫn ế.

Tuy nhiên, dù trong hoàn cảnh nào, hoa vẫn là một biểu trưng của cái đẹp, cái đẹp của cuộc sống, con người, nên phải ứng xử với hoa ra sao để có văn hóa.

Theo ông Chương, truyền thống của người Việt Nam ngày xưa là ứng xử mềm mỏng, nhẹ nhàng và tình cảm, ứng xử với nhau rất đẹp, ngay cả cảnh đi mua hoa Tết cũng rất đẹp, không có chuyện đạp hoa, vứt hoa, thà vứt đi, đập phá không cho ai. Đó không phải truyền thống văn hóa Việt Nam.

Minh Thái
Theo Baodatviet.vn