Thứ hai, 25/11/2024 | 10:17
RSS

Tại sao giá bánh chưng Việt Nam ở Nhật lên đến 500 nghìn đồng/cái?

Thứ tư, 14/02/2018, 21:00 (GMT+7)

Để gói và luộc được chiếc bánh chưng ở Nhật cực kỳ gian khổ, chi phí vận chuyển rất cao nên bánh chưng có giá rất cao.

Giá bánh chưng Việt Nam ở Nhật lên đến 500 nghìn đồng
Một buổi gói bánh chưng của người Việt tại Nhật - Ảnh: Nguyễn Đình Chung

Những ngày này, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật vô cùng bận rộn chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền. Dù xa nhà nhưng không có nghĩa người ta quên đi hoặc xao nhãng những phong tục truyền thống mà thậm chí còn cố gắng tụ họp nhau được đông đủ hơn.

Ngày Tết cũng mang đến cơ hội kinh doanh các loại đặc sản Tết và đặc biệt là bánh chưng, món đồ ăn không thể thiếu của người Việt trong dịp năm mới. 

Thế nhưng có được chiếc bánh chưng ở Nhật cũng không phải đơn giản. Hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi mà nhiều người được biết để có được chiếc bánh chưng ngày Tết, nhiều người Việt Nam phải trả đến 500 nghìn/chiếc bánh. Vậy tại sao một chiếc bánh chưng khi đến tay người tiêu dùng lại có giá cao đến như vậy?

Giá một chiếc bánh chưng khoảng 1,1kg ở Nhật gói bằng lá dong hiện đang được các cửa hàng bán đồ Việt Nam ở Nhật bán với giá khoảng 1.100 – 1.200 yên/chiếc, tính theo tỷ giá của ngân hàng Vietcombank ở thời điểm cập nhật rơi vào khoảng 230 nghìn đến 250 nghìn/chiếc bánh chưng tại cửa hàng. 

Người Việt ở Nhật đang gói bánh chưng như thế nào mà giá cao đến vậy? Ở Nhật, để tìm được nguyên liệu gói bánh chưng không phải điều dễ dàng. 

Lá dong rất khó khăn để qua được đường hàng không vào Nhật nên chỉ có cách mua bằng hàng vận chuyển bằng container từ Việt Nam sang, đậu xanh, gạo nếp cũng phải là đồ xách từ Việt Nam sang mới có thể bán bánh có lãi bởi tại Nhật Bản 2 mặt hàng này có giá khá cao (20 nghìn đồng/lạng đỗ xanh hay hơn 100 nghìn/kg gạo nếp).

Chưa kể đến việc, để mua được thịt ba chỉ gói bánh chưng cũng không hề đơn giản. Thịt trong siêu thị Nhật đa phần có giá rất cao, hơn nữa không phải loại thịt phù hợp để gói bánh chưng thế nên để có được thịt gói bánh chưng ở Nhật thường phải đến các cửa hàng hoặc siêu thị/chợ chuyên bán đồ châu Á, trong khi chi phí đi lại ở Nhật lại đắt đỏ.

Đến khâu luộc bánh, luộc bánh chưng đòi hỏi phải có nồi to và nấu lâu trong nhiều giờ nhưng nhà ở Nhật nhỏ, tiền điện, ga đều đắt.

Chính vì vậy, để tiết kiệm chi phí bằng mọi cách, nhiều người Việt Nam đã chọn cách mang nồi to từ Việt Nam sang dùng trong nhiều năm, mỗi lần từ Việt Nam sang tranh thủ xách theo dần đỗ xanh chuẩn bị cho ngày Tết. 

Để tiết kiệm chi phí, người Việt sẽ phải bắc nồi đun bánh chưng giống như ở Việt Nam, thế nhưng điều này không đơn giản bởi kiếm được diện tích rộng đã khó, phải đi mua củi, kiếm gạch kê bếp, rồi phải đi xin phép hàng xóm bởi nếu chỉ cần một người cảm thấy phiền hà và phàn nàn lên chính quyền, coi như bạn khỏi luộc bánh chưng.

Việc gói đã vất vả nhưng chi phí vận chuyển ở Nhật cũng không hề đơn giản. Trong nhiều trường hợp, tiền gửi bánh đến tay người nhận thậm chí còn cao hơn cả tiền chiếc bánh. 

Lấy đơn cử một ví dụ nếu bạn gói bánh vùng Kanto (khu vực miền Trung nước Nhật trong đó có thủ đô Tokyo), với đặc thù bánh chưng chỉ có thể duy trì được tốt nhất trong 1 đến 2 ngày, khách đặt mua trong vùng Kanto sẽ mất phí gửi khoảng 140 nghìn/1 chiếc bánh chưng theo size 60 của khung giá gửi chuẩn của Nhật. Như vậy, một chiếc bánh chưng đến tay người Việt ở ngay trong khoảng cách khoảng 200 cây số có giá cũng 350 - 400 nghìn. 

Tuy nhiên nếu bánh chưng được gửi lên Hokkaido ở cực Bắc của nước Nhật, nếu tính theo khoảng cách địa lý khoảng 1.280km, nếu gửi thường đến sau 2 ngày cước phí sẽ là 200 nghìn/chiếc bánh chưng, nếu gửi lạnh đến sau 2 ngày cước phí sẽ là 260 nghìn/chiếc bánh chưng với trường hợp mua 1 cái. 

Giá bánh chưng Việt Nam ở Nhật lên đến 500 nghìn đồng2Cước phí gửi nội địa Nhật tham khảo 
Ngoài ra, phải tính đến chi phí chuyển khoản hoặc thanh toán tiền mặt đều rơi vào khoảng từ 60 nghìn đến 80 nghìn/lần. Đi cùng với đó là phí mua hộp để đựng bánh cũng rơi vào khoảng 20 nghìn – 40 nghìn cho một chiếc hộp (gửi đồ ở Nhật bắt buộc phải cho vào hộp).

Như vậy khách mua ở khoảng cách địa lý trên 1000 cây số nếu mua một chiếc bánh chưng có thể phải trả đến 500 nghìn/chiếc bánh. Nếu mua 2 đến tối đa 6 cái, cước phí gửi cũng vẫn như trên (cước phí gửi ở Nhật tính theo cỡ 60,80,100…).

Thế nhưng, theo chia sẻ của một số bên kinh doanh bánh chưng tại Nhật, do khoảng cách ở xa nhau nên thường khách không mấy khi mua nhiều mà đa số chỉ mua 1,2 chiếc, quá lắm cũng chỉ 4,5 cái rồi cùng chia nhau. 

Nếu mua theo cách này, giá mỗi chiếc bánh chưng dù rẻ đi cũng không thể dưới 350 nghìn/chiếc bánh chưng. 

Có thể thấy, người Việt ở Nhật cũng khá khó khăn khi muốn có được bánh chưng để ăn ngày Tết. Thế nhưng cũng bởi tâm lý ngày Tết và bởi mặt bằng thu nhập ở Nhật cao hơn nên cũng không ai muốn tiết kiệm quá trong ngày Tết. 

Vậy nên bánh chưng ở Nhật bán vẫn rất chạy, các cửa hàng, công ty thường xuyên khan hàng trong dịp Tết, chỉ đến ngày ông Công ông Táo hàng năm là các bên bán bánh chưng đa phần đã ngừng nhận đặt hàng vì không thể làm kịp. 
 

Trung Mến
Theo Bbizlive