Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:05
RSS

Tìm hiểu sự tích và ý nghĩa của tục treo cây nêu trong dịp Tết

Thứ sáu, 16/02/2018, 10:22 (GMT+7)

Vào dịp năm mới hàng năm người Việt Nam thường có phong tục treo cây nêu trong nhà. Song sự tích và ý nghĩa của phong tục này không phải ai cũng biết.

Hàng năm cứ vào dịp Tết đến xuân sang nhà nhà lại trồng cây nêu trước sân hoặc trong nhà, phía trên có treo một số vật dụng mang tính chất biểu tượng, tùy theo vùng miền. Vậy cây nêu thực sự là cây gì và sự tích của nó ra sao?

Ý nghĩa của cây nêu

Cây nêu là một loại thân cây, có thể là tre, cây họ tre hoặc thậm chí là cây mía, được người dân Việt Nam trồng trước sân hoặc trong nhà mỗi dịp Tết đến xuân về.

Người Kinh, cây nêu thường là cây họ tre, cao khoảng 4-5m, được tỉa sạch các nhánh và lá tre. Trong khi đó, cây nêu của các dân tộc thiểu số là cây gỗ chắc, thẳng tắp được vẽ trang trí đẹp mắt. Tuy nhiên, “phiên bản gốc” của cây nêu là cây tre.

Trên cây nêu được buộc nhiều thứ như vàng mã, các lá bùa hình bát quái, nhánh xương rồng, cá chép bằng giấy...

Tục treo cây nêu trong dịp Tết là một phong tục có từ lâu

Treo cây nêu trong dịp Tết là một phong tục có từ lâu đời của người dân Việt Nam. Ảnh minh họa

Cây nêu thường được dựng vào ngày 23 tháng chạp ngày ông Táo về trời, và ngày mồng 7 tháng Giêng gọi là ngày hạ nêu.

Mỗi vật được treo trên cây nêu thường có những tác dụng nhất định như bùa chú, khánh đất nung có tác dụng trừ tà, xua đuổi ma quỷ và những điều bất hạnh của năm cũ, cầu mong một năm mới tốt lành, cá chép để ông Táo về trời…

Sự tích về phong tục dựng cây nêu ngày Tết

Theo Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, sự tích cây nêu được tóm tắt như sau:

Tục xưa truyền rằng, ngày xưa, quỷ dữ chiếm toàn bộ đất, con người phải thuê đất và nộp phần lớn lúa thu hoạch cho quỷ. Tuy nhiên, quỷ ngày càng quá tay, tự cho mình hưởng quyền “ăn ngọn cho gốc”. Do đó, quỷ lấy hết thóc, người chỉ còn rơm rạ.

Thương người, Phật mách cho trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, người được hưởng trọn phần củ, còn quỷ chỉ được hưởng lá và dây khoai, toàn những thứ không thể nhai nổi.

Sang mùa khác, quỷ thay đổi thệ lệ “ăn gốc cho ngọn”. Phật lại mách người quay lại trồng lúa khiến quỷ phải chịu một “vố” đau đớn.

Uất ức vì cả 2 vụ đều không thu được gì, quỷ tham lam đòi “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Lần này, Phật bảo người trồng ngô. Bắp ngô ra giữa thân cây nên cuối vụ, người thu hoạch ngô về chất đầy bồ và quỷ lại chẳng thu được gì.

Liên tiếp không thu được nông sản, quỷ đòi lại đất. Phật bảo người đến xin quỷ một mảnh đất nhỏ bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn tre. Thấy không thiệt hại gì nên quỷ đồng ý. Tuy nhiên, khi người trồng cây tre xuống, Phật hóa phép cho cây tre cao lên tận trời, chiếc áo cà sa mở rộng che khắp mặt đất, khiến quỷ mất hết đất đai và phải lùi ra tận biển.

Uất hận, quỷ mang quân tới đánh chiếm lại ruộng đất. Phật mách nước cho người dùng máu chó, tỏi, lá dứa đánh đuổi quỷ, khiến quỷ 3 lần liên tiếp thua trận, chạy tan tác.

Bại trận, quỷ khóc than với Phật mỗi năm cho chúng vài ngày được về đất liền thăm phần mộ tổ tiên. Thương tình, Phật gật đầu đồng ý. Từ đó trở đi, mỗi dịp Tết Nguyên đán, quỷ lại được về thăm đất liền. Vì vậy, vào dịp Tết, người dân lại dựng cây nêu trước nhà để quỷ không dám bén mảng vào chỗ người đang ở.

N.P (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN