Số lượng bệnh nhân mắc cúm A gia tăng khiến thuốc Tamiflu được săn lùng và tăng giá "chóng mặt".
Hiện nay số lượng bệnh nhân mắc cúm A đang gia tăng. Không chỉ thuốc tại bệnh viện đang hết dần mà thuốc Tamiflu trên thị trường cũng bị đẩy giá lên cao, gấp 4-5 lần bình thường.
Chị Trần Thu Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) có con gái 4 tuổi sốt cao liên tục. Khi đi khám tại bệnh viện Nhi Trung ương bé được chẩn đoán mắc cúm A. Bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú và đơn thuốc kê có thuốc Tamiflu.
Tuy nhiên đi nhiều hiệu thuốc chị vẫn không thể mua thuốc cho con. Chị được người quen mách ra chợ thuốc gần khu Đê La Thành và phải mua với giá 150.000/viên trong khi giá kê khai của loại thuốc này tại Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế là 45.000/viên.
Kém may mắn hơn chị Phương, anh Trần Hoàng Hải (ở Đống Đa, Hà Nội) cũng tìm mua Tamiflu cho cậu con trai 8 tuổi nhưng không mua được nên đã phải đặt thuốc trên mạng với 190.000/ viên, giá bán 1 vỉ 10 viên là 1.900.000đ.
Theo khảo sát của PV tại một số hiệu thuốc lớn trên địa bàn quận Thanh Xuân, quận Đống Đa và khu chợ thuốc Hapulico, hầu hết các hiệu thuốc đều trả lời hết hàng thậm chí đã hết cách đây 1 tháng.
Theo chia sẻ của chủ hiệu thuốc MT (ở quận Thanh Xuân), giá thuốc tăng theo từng giờ nhưng vẫn thiếu hàng để bán. "Thuốc Tamiflu giá giờ là 200.000đ/ viên, tuy nhiên giá này có thể vẫn còn tăng vì đang khan hàng trong khi đang mùa cúm. Nếu muốn mua cũng phải đặt trước vì thuốc không có sẵn", chủ quầy thuốc cho hay.
Một bệnh nhi bị cúm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tình trạng khan hiếm Tamiflu còn xảy ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện Bệnh viện đã có văn bản gửi Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) để thông báo tình trạng kho thuốc đang cạn dần Tamiflu để Cục có giải pháp kịp thời.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc BV Nhi TƯ, hiện bệnh viện đang điều trị cho khoảng 150 bệnh nhi mắc cúm A ở các mức độ khác nhau. Trung bình mỗi ngày tại đây tiếp nhận 100- 130 bệnh nhi đến khám với các biểu hiện nghi sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi...nghi ngờ mắc cúm. Thuốc Tamiflu của viện cũng chỉ đủ cho các bệnh nhân điều trị nội trú.
Mặc dù số lượng bệnh nhân mắc cúm đang tăng và xảy ra tình trang khan hiếm thuốc tuy nhiên PGS Điển khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc Tamiflu về để dự phòng hoặc tự uống để chữa cúm.
Thuốc Tamiflu chứa hoạt chất oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, không được sử dụng tùy tiện. Thuốc được chỉ định với nhóm có nguy cơ như người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, biến chứng viêm phổi... Vì thế, khi có chỉ định của bác sĩ, người bệnh mới dùng thuốc này.
Trước thông tin khan hiếm thuốc Tamiflu, Cục Quản lý Dược cho biết thuốc Tamiflu không thuộc diện kiểm soát đặc biệt, nhập khẩu theo nhu cầu thị trường. Hiện đơn vị cung ứng vẫn còn một lượng nhỏ đảm bảo cung cấp theo hợp đồng đã trúng thầu vào các bệnh viện, cho các bệnh nhân nội trú.
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Bệnh lây qua đường hô hấp với biểu hiện trẻ sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh hiện nay ở nước ta chủ yếu do các chủng virus cúm A và cúm B. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho, khạc. Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch …, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm phổi, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong. |