Sử dụng thuốc điều trị cảm cúm cho trẻ sao cho hiệu quả và an toàn là điều nhiều cha mẹ băn khoăn
Bệnh cảm cúm là do vi rút gây ra và lây qua đường hô hấp. Triệu chứng thường xuất hiện sau 1-2 ngày tiếp xúc với nguồn lây:
- Sung huyết mũi: Ơ trẻ con, triệu chứng sung huyết mũi thường nổi bật (nghẹt mũi), có thể có sổ mũi trong, vàng hay xanh.
- Sốt : thường trên 38độ C trong 3 ngày đầu.
- Các triệu chứng khác: đau họng, ho, quấy, khó ngủ, chán ăn, niêm mạc mũi sưng đỏ, hạch cổ có thể to nhẹ
Tại Việt Nam nhiều người có thói quen đi ra các hiệu thuốc, đọc triệu chứng để người bán kê thuốc mà không hề sợ các tác dụng phụ của thuốc. Nhiều cha mẹ muốn con lập tức khỏi ngay, có thói quen mua kháng sinh. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai, thuốc kháng sinh chỉ dùng để tiêu diệt vi khuẩn, còn vi rút không thể tiêu diệt được.
“Trong những trường hợp cảm cúm thông thường, kháng sinh uống chỉ có hại chứ không có lợi gì cả. Trong trường hợp cảm bị bội nhiễm vi trùng như viêm tai, viêm phổi, viêm xoang có thể dùng kháng sinh. Tuy nhiên, sử dụng kháng sinh cần theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không dùng bừa bãi tránh tác dụng phụ, làm tăng nguy cơ kháng thuốc" - bác sĩ Dũng lưu ý.
Chọn thuốc cảm cúm thế nào cho an toàn?
Các thuốc cảm cúm cho trẻ hiện nay rất phổ biến trên thị trường nhưng chúng chỉ có tác dụng giảm các triệu chứng cho trẻ như ho, sốt, sổ mũi… mà không có tác dụng loại trừ nguyên nhân hay rút ngắn thời gian bệnh. Vì vậy người bệnh cần lưu ý cách chọn thuốc an toàn.
Thuốc hạ sốt: Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt như Paracetamol hoặc Ibuprofen theo liều lượng phù hợp với cân nặng.
Thuốc điều trị triệu chứng ho: Nếu trẻ ho có thể dùng các loại thuốc dân gian như hoa hồng hấp đường, húng chanh, gừng, quất hấp mật ong… tự chế biến ở nhà. Hoặc có thể mua các loại thuốc có thành phần thảo dược và sử dụng theo hướng dẫn phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Thuốc điều trị triệu chứng ngạt mũi: Đối với những trẻ bị cúm có hiện tượng sung huyết dẫn đến ngạt mũi, khó thở cha mẹ có thể áp dụng phương pháp nhỏ mũi, hút mũi cho trẻ bằng các dung dịch nước muối, nước biển. Các dung dịch này có tác dụng làm sạch mũi khiến trẻ dễ chịu và tốt cho trẻ bởi rất ít tác dụng phụ.
Theo PGS Nguyễn Tiến Dũng, trước đây các loại thuốc co mạch mũi nhanh thường được sử dụng để điều trị nghẹt mũi cho trẻ. Tuy nhiên các nghiên cứu gần đây cho thấy khi uống thuốc này có tác dụng phụ là các mạch máu khác trên cơ thể cũng co lại, gây hiện tượng tím tái, cao huyết áp… Vì vậy các loại thuốc co mạch nhanh bây giờ thường bị cấm.
Đối với những thuốc co mạch ít hơn như Otrivil lại có nhược điểm chỉ co được vài tiếng đồng hồ, sau đó lại sưng và có thể sưng to hơn lần trước nên các bác sĩ cũng không khuyến cáo dùng nhiều.
Các bác sĩ cũng lưu ý, khi trẻ có các dấu hiệu sau thì cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám:
- Bỏ ăn, uống kéo dài.
- Thay đổi hành vi thái độ ( li bì, kích thích)
- Khó thở, thở mệt, thở nhanh.
Cần đi khám bệnh nếu trẻ có các triệu chứng sau:
- Sốt trên 38,4 độ C kéo dài hơn 3 ngày.
- Nghẹt mũi không giảm hay nặng hơn kéo dài trên 14 ngày
- Đỏ mắt, mắt có ghèn vàng
- Triệu chứng ở tai: đau tai, chảy mủ tai.