Từ đầu năm 2019, có hàng trăm trẻ nhập viện vì biến chứng của cúm mùa
Thời điểm mùa Đông Xuân như hiện nay rất thuận lợi cho virus phát triển, đặc biệt là virus cúm. Trong 2 tuần qua, đã có hàng trăm bệnh nhi được chẩn đoán mắc cúm tại các bệnh viện ở Hà Nội phải nhập viện điều trị.
Tại BV Nhi TƯ, từ đầu năm 2019 đến nay đã ghi nhận 3 ca biến chứng viêm não sau mắc cúm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong. Chính điều này đã khiến các bậc phụ huynh lo lắng, sợ hãi.
Cúm mùa có thực sự đáng lo?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) mọi người cần bình tĩnh, không nên quá lo sợ bởi cúm mùa là loại cúm đã rất thông thường, năm nào cũng bị và rất nhiều người bị.
Cúm là bệnh viêm đường hô hấp do virus cúm gây nên và lây lan rất mạnh qua đường hô hấp. Khi trẻ bị cúm, có biểu hiện sốt cao, ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản.
Cúm có thể gây biến chứng nặng đối với các đối tượng như người già, trẻ em (sinh non, suy dinh dưỡng, còi xương), phụ nữ có thai, người đang bị bệnh mãn tính.
Còn với những người có sức khỏe bình thường, không thuộc những đối tượng nêu trên thì cúm không có ảnh hưởng gì quá nghiêm trọng, thông thường sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần.
PGS.TS. BS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai
Cha mẹ cần làm gì nếu trẻ bị cúm?
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trẻ bị cúm hoàn toàn có thể được chữa khỏi ở nhà. Nếu trẻ ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn cha mẹ cần lưu ý cho trẻ nghỉ học, theo dõi chặt chẽ và cho uống thuốc điều trị triệu chứng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ví dụ như nếu trẻ sốt cao thì uống thuốc hạ sốt, nếu ho thì uống thuốc trị ho, chảy nước mũi thì dùng thuốc chảy nước mũi. Tuyệt đối không được tự mua thuốc cho trẻ, đặc biệt là sử dụng kháng sinh bừa bãi có thể làm cho bệnh của trẻ nặng hơn.
"Cha mẹ không nên quá lo cho các cháu bé vào viện nhiều mà tốn kém, lại có nguy cơ lây nhiễm chéo. Chỉ khi gặp các trường hợp nặng nghi nhiễm cúm thì bố mẹ hãy làm thủ tục xét nghiệm cúm cho trẻ. Còn nếu chỉ có các biểu hiện như sốt nhẹ, ho mà đi làm xét nghiệm thì vừa tốn kém lại gây quá tải bệnh viện" - bác sĩ Dũng tư vấn.
Tuy nhiên, Nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng khuyến cáo cha mẹ không nên vì thế mà coi thường bệnh cúm. Nhiều bậc phụ huynh nghĩ con bị cúm thông thường nên chỉ cho bé uống thuốc hạ sốt rồi tiếp tục cho bé đi học thì rất nguy hiểm bởi nguy cơ lây nhiễm chéo và nguy cơ biến chứng có thể xảy ra mà không có người theo dõi, xử lý.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng lưu ý: "Khi trẻ có triệu chứng như khó thở, sốt cao không hạ, nằm li bì, tức ngực, nôn nhiều... cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, xử trí kịp thời.
Ngoài ra cha mẹ cần chú ý cho con ăn uống đủ dinh dưỡng, tiêm chủng đầy đủ, để bé được vui chơi, vận động thoải mái là những biện pháp đơn giản nhưng rất hữu hiệu để trẻ tăng sức đề kháng.
Bên cạnh đó, cần thường xuyên rửa sạch tay cho trẻ bằng xà phòng và nước sạch; Tránh tiếp xúc với người nghi ngờ nhiễm khuẩn hô hấp cấp; Mang khẩu trang y tế khi đến chỗ đông người; Che miệng khi ho; Giữ vệ sinh thân thể và môi trường sạch sẽ.