Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:03
RSS

Suýt mất mạng vì thói quen dùng kim lấy gai nhiều người mắc phải

Thứ hai, 18/02/2019, 07:06 (GMT+7)

Sau khi dùng kim khâu lấy gai, bàn tay của bà Năm sưng tấy, đau nhức. Khoảng 5 ngày sau, vết thương trở nặng, sưng tấy bàn và cẳng tay sau đó tím đen. Bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê.

Suýt mất mạng vì thói quen dùng kim lấy gai nhiều người mắc phải
Bà Hồ Thị Năm qua cơn nguy kịch sau phẫu thuật

Ngày 18/2, Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark (Đồng Nai) cho biết vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhân nhiễm khuẩn ở vết thương bàn tay khi dùng kim lấy gai.

Bệnh nhân là bà Hồ Thị Năm (64 tuổi, ngụ xã Tam An, huyện Long Thành, Đồng Nai). Trước đó, vào ngày 31/12 bà Hồ Thị Năm nhập viện trong tình trạng hôn mê, sốc nhiễm khuẩn, huyết áp tụt, căn bệnh đái tháo đường không ổn định, cẳng tay phải viêm tấy đỏ, sưng to, chuyển màu đen, có hiện tượng mủ tụ dưới da, da bị hoại tử.

Gia đình bệnh nhân cho biết trước đó thấy đau nhức ở lòng bàn tay phải. Bà nghĩ vết thương do gai đâm nên đã dùng kim khâu để khều ra. Tuy nhiên bà không tìm thấy gai mà vết thương bị hở miệng và bắt đầu sưng tấy, đau nhức. Khoảng 5 ngày sau, vết thương trở nặng, sưng tấy bàn và cẳng tay sau đó tím đen. Bà Năm sau đó rơi vào trạng thái hôn mê, tụt huyết áp phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Các bác sĩ chẩn đoán vết thương của bà Năm bị nhiễm trùng nặng nên tổ chức phẫu thuật, cắt bỏ phần da, thịt bị hoại tử ở vết thương. Sau phẫu thuật, vết thương ở bàn tay của bệnh nhân dần hồi phục.

Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Đại học Y dược Shingmark, cho hay khi các bác sĩ tiến hành cắt lọc phần da bị hoại tử, thấy có rất nhiều mủ tụ ở dưới da. Do bệnh nhân đã cứng tuổi lại có thêm bệnh lý đái tháo đường suốt năm năm nên bệnh nhân dễ bị phản ứng khi gặp tổn thương dù là những tổn thương nhỏ. 

“Nếu bệnh nhân nhập viện chậm hơn sẽ bị tử vong do bị sốc nhiễm trùng” - bác sĩ Đạo cho biết.

Suýt mất mạng vì thói quen dùng kim lấy gai nhiều người mắc phải
Vết thương của bà Năm sau khi phẫu thuật

Đến ngày 17/2, tình trạng của bà Hồ Thị Năm (63 tuổi, trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) bị sốc nhiễm trùng, hoại tử da do khều gai ở tay, đã qua cơn nguy kịch. sức khỏe của bệnh nhân ổn định, liền da, không còn mưng mủ và đã được xuất viện.

Bác sĩ Đạo cũng khuyến cáo người dân, đặc biệt là người cao tuổi, không nên tự chích, khều gai, dị vật ẩn sâu trong thịt khi không đảm bảo điều kiện vô trùng. Những người bị đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, người già cần cẩn trọng hơn người bình thường.

Khi tay, chân sưng, nhức và màu da khác thường, người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ khám, tư vấn. Khi có dấu hiệu hoại tử ở vết thương thì người bệnh tuyệt đối không nên tự mua thuốc uống, tránh dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, bệnh nặng hơn.

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN