Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:54
RSS

Bác sĩ đông y chỉ mẹo nhỏ giúp phòng bệnh cúm hiệu quả

Thứ tư, 27/02/2019, 07:10 (GMT+7)

Dưới đây là vài mẹo nhỏ giúp bạn bồi dưỡng sức khỏe, năng lượng để phòng bệnh cúm hiệu quả.

Bác sĩ đông y chỉ mẹo nhỏ giúp phòng bệnh cúm hiệu quả
Vào thời điểm giao mùa, hãy chăm chỉ làm theo các cách của bác sĩ Đông y chỉ dẫn dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa hiệu quả bệnh cảm cúm.

Thời điểm giao mùa, nóng lạnh thất thường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh dịch truyền nhiễm lây lan trong đó có bệnh cúm. Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của cúm là sốt cao, toàn thân đau nhức, mệt mỏi, chảy nước mũi hoặc tắc nghẽn mũi gây khó thở.

Để phòng ngừa cảm cúm, theo bác sĩ Đông y Hoàng Xuân Đại mọi người có thể tham khảo các cách đơn giản sau đây. 

Dưỡng sinh đơn giản

Xoa xát eo lưng: Đặt 2 ngón tay vào vùng thắt lưng rồi xoa xát tới nóng lên để thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, khỏe lưng, bảo vệ thận hiệu quả.

Luôn mát xa bàn chân bằng cách dùng lòng bàn tay chà xát nhanh cho đến khi cảm thấy nóng là được. Mỗi buổi tối 100 lần, nhằm kích thích một số huyệt vị giảm bớt lạnh chân.

Ngâm chân nước ấm

Ngoài ra, trước khi đi ngủ cũng có thể ngâm chân 15 phút trong nước ấm giúp cải thiện tuần hoàn máu, phòng trừ hơi lạnh xâm nhập cơ thể, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, nâng cao sức khỏe giúp phòng chống được cảm cúm. Lưu ý, khi ngâm chân không được để nước ngập mu bàn chân, ngâm cho đến khi da bàn chân đỏ lên mới có tác dụng đẩy hơi lạnh ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa cảm cúm.

Súc miệng nước muối

Ngày hai lần sáng tối và sau mỗi bữa ăn nên chăm chỉ súc miệng với nước muối loãng để nhằm diệt trừ vi khuẩn trong khoang miệng, tránh nhiễm một số virus gây ra viêm đường hô hấp trên.

Ăn uống phòng cảm cúm

Trong vấn đề ăn uống, mọi người cần chú ý ăn uống điều độ, cân bằng, đủ chất và đảm bảo vệ sinh, không ăn nhiều đồ sống lạnh, không để lâm vào tình trạng quá đói hoặc rối loạn tiêu hoá. 

Tuỳ theo điều kiện thời tiết và thể chất mà trọng dụng các loại rau quả, thực phẩm có tác dụng phòng ngừa cảm mạo như tía tô, kinh giới, hương nhu, gừng tươi, hành, tỏi, bạc hà, rau thơm, rau húng... 

Ngoài ra cần nghỉ ngơi khoa học, duy trì thói quen ngủ sớm, dậy sớm để bảo vệ sức khỏe (tránh thức khuya khiến cơ thể mệt mỏi, lao lực, thận tinh bị ảnh hưởng…). Tránh táo bón, nhịn tiểu để bảo vệ thận. Tránh làm việc lao lực, điều tiết chuyện phòng the để hạn chế tổn thương khí huyết và tinh lực. 

Các bác sĩ cũng lưu ý nếu bị bệnh cần đi khám để được bác sĩ kê thuốc hợp lý. Không nên tự ý dùng thuốc kể cả thuốc Tây hay Đông y.

Khánh Chi
Theo Đời sống Plus/GĐVN