Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:42
RSS

Đã quyết định ngày tiếp tục xử cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng

Thứ hai, 11/01/2021, 06:34 (GMT+7)

Cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng sẽ tiếp tục bị đưa ra xét xử, liên quan đến vụ án xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ.

3 Kiểm sát viên biệt phái tham gia phiên xử

Tòa án nhân dân TP.Hà Nội vừa quyết định đưa vụ án "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ ra xét xử vào ngày 22/1/2021 tới.

Phiên tòa này có 12 bị cáo, trong đó có cựu Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng; cựu Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) Trịnh Xuân Thanh và nhiều bị cáo khác.

Phiên tòa sơ thẩm này sẽ diễn ra trong vòng 10 ngày, với Hội đồng xét xử gồm 5 người, trong đó có 2 thẩm phán. 3 kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (được biệt phái về Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội) và một kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Đã quyết định ngày tiếp tục xử cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng
Ngày 22/12/2020, ông Đinh La Thăng vừa bị Tòa án nhân dân TP.HCM tuyên án 10 năm tù trong vụ án liên quan đến cao tốc TP HCM-Trung Lương, và ngày 22/1/2021 tới đây, ông này tiếp tục bị Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm trong vụ án liên quan đến Dự án Ehtanol Phú Thọ. (Ảnh: Zing.vn)

Ở vụ án này, ông Đinh La Thăng và 9 bị cáo khác bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, Điều 224, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về các tội "Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 224, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015; tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bị cáo Đỗ Văn Hồng – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và xây lắp Dầu khí Kinh Bắc (PVC Kinh Bắc) bị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại Điều 356, khoản 3 - Bộ luật Hình sự năm 2015.

Đã quyết định ngày tiếp tục xử cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng
Cùng hầu tòa với cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng là bị cáo Trịnh Xuân Thanh.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao thể hiện, tháng 7/2007, HĐQT PVN có nghị quyết giao Tổng giám đốc PVN xây dựng đề án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu ở phía Bắc.

2 tháng sau, Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng đã ký nghị quyết "chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy sản xuất ethanol khu vực phía Bắc", với phương thức thực hiện thành lập công ty cổ phần làm chủ đầu tư dự án.

Ông Đinh La Thăng bút phê những gì?

Khoảng tháng 9/2008, PVB có quyết định phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu TK05, xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu để sơ tuyển lựa chọn nhà thầu.

Thời điểm này, Trịnh Xuân Thanh ký văn bản gửi PVB đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà thầu nhưng không được chấp thuận.

PVC đã thành lập liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để nộp hồ sơ dự tuyển gói thầu này.

Đã quyết định ngày tiếp tục xử cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng
Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty PVC Kinh Bắc Đỗ Văn Hồng.

Theo cáo trạng, tại thời điểm đóng sơ tuyển, có 6 bộ hồ sơ của các nhà thầu tham gia ứng tuyển, nhưng kết quả chấm sơ tuyển thì cả 6 nhà thầu đều chưa đạt đủ các tiêu chí.

Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T chưa đạt các tiêu chí về năng lực kỹ thuật, năng lực tư vấn…

Theo VKSND Tối cao, mặc dù biết PVC chưa từng thực hiện dự án nào về lĩnh vực Ethanol, nhưng từ trước khi PVB triển khai lựa chọn nhà thầu, ông Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh.

Đáng chú ý, cáo trạng nêu rõ, tại các cuộc họp năm 2008 và 2009, Chủ tịch HĐQT PVN Đinh La Thăng chủ trì kết luận, "từ nay đến năm 2010, đối với các công trình chuyên ngành đặc thù và các công trình có yêu cầu đặc biệt trong ngành dầu khí được ưu tiên giao thầu cho PVC".

Và Trịnh Xuân Thanh đã ký công văn gửi PVB xin được chỉ định thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ trên cơ sở chỉ đạo của bị can Đinh La Thăng.

Tuy nhiên, do chưa có ý kiến chỉ đạo của PVN nên PVB không đồng ý chỉ định thầu, vẫn tổ chức đấu thầu quốc tế rộng rãi.

Trịnh Xuân Thanh lúc này vẫn quyết liệt tiếp tục chỉ đạo thuộc cấp gửi văn bản đề nghị PVN, PVB xin chỉ định thực hiện dự án.

Ông Đinh La Thăng đã có bút phê chỉ đạo cấp dưới giải quyết theo chủ trương chung của Tập đoàn khi nhận được công văn.

Phiên xử ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường trong tuần đầu: Những phát ngôn đáng chú ý

Sau khi PVC có công văn gửi PVB xin chỉ định thầu, lãnh đạo của hai đơn vị này đều được tham gia các cuộc họp định kỳ hàng tháng (từ tháng 5 đến tháng 9/2009) của PVN.

Đặc biệt, tại các cuộc họp này, ông Thăng và bà Bình đều kết luận, chỉ đạo PVB, PVC hoàn tất thủ tục chỉ định thầu, ký hợp đồng với liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T.

PVB sau đó đã không tổ chức đấu thầu theo kế hoạch, lập hồ sơ để chỉ định thầu cho PVC/Alfa Laval/Delta-T.

Theo thẩm tra của PVB, liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đạt nhiều tiêu chí, nhưng ông Đinh La Thăng vẫn tiếp tục chỉ đạo việc đồng ý chủ trương giao cho Liên danh của PVC thi công gói thầu.

Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực nên dự án nhà máy Ethanol Phú Thọ liên tục bị chậm tiến độ. Sau đó, PVC cũng có báo cáo thừa nhận liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T không đủ năng lực để thực hiện dự án. Tháng 3/2013, PVC đã đơn phương dừng thi công dự án và chưa có hạng mục nào hoàn thành.

Nguyễn Hoà
Theo Dân Việt