Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:43
RSS

Đã có phương pháp khiến tế bào ung thư tự hủy, bệnh có thể tự khỏi

Thứ ba, 06/11/2018, 07:37 (GMT+7)

Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra cách khiến tế bào ung thư tự hủy mà không cần đến biện pháp hóa trị nhiều tác dụng phụ.


Tế bào ung thư (Ảnh: Northwestern Medicine)

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Northwestern (Illinois- Mỹ) đã phát hiện rằng mỗi tế bào trong cơ thể người đều chứa một cơ chế phòng vệ tự nhiên. Nếu kích hoạt đúng cách cơ chế này, bệnh ung thư có thể được chữa khỏi.

Báo Người lao động dẫn thông tin từ EurekArlert cho hay, cơ chế đó được gọi là "mã kill". Theo đúng nghĩa đen, đó là một lệnh chết chóc (kill) ở cấp độ tế bào. Khi một tế bào đó đang dần chuyển thành ung thư, mã này sẽ gửi thông báo đến, buộc tế bào tự hủy để tránh việc biến thành một thứ độc hại cho cơ thể.

Mã này được cài đặt sẵn trong các RNA (axit ribonucleic, một vật chất di truyền quan trọng bên cạnh DNA) và các RNA siêu nhỏ (microRNA). Theo nghiên cứu, mã này xuất hiện do quá trình tiến hóa của con người từ hơn 800 triệu năm trước, như một cơ chế tự nhiên để bảo vệ khỏi bệnh ung thư.

Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng một số dạng hóa trị đã vô tình kích hoạt mã kill trong các microRNA, từ đó khiến chúng đóng vai trò nhất định trong việc điều trị ung thư.

Tuy nhiên, hóa trị cùng các phương pháp trị ung thư khác thường cũng mang lại khá nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Vì vậy các nhà khoa học hy vọng rằng nghiên cứu này có thể tìm ra cách kích hoạt mã kill này mà không cần dùng hóa trị, không độc hại cho cơ thể nạn nhân.

Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục mở rộng nghiên cứu để biến các phát hiện này thành một liệu pháp trị ung thư hoàn chỉnh.


Các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra cách khiến tế bào ung thư tự hủy mà không cần đến biện pháp hóa trị nhiều tác dụng phụ (Ảnh: Shutterstock)

Trước đó, các nhà khoa học từ Đại học Y Harvard (Mỹ) đã công bố thử nghiệm việc tái lập trình các tế bào ung thư nhằm "đánh lừa" chúng quay sang tấn công nhau và giết chết chính tế bào anh em của mình. Kết quả được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine.

Cụ thể, nhóm nghiên cứu sử dụng CRISPR để đưa S-TRAIL vào tế bào ung thư, đây là một loại protein có khả năng tiêu diệt các tế bào ung thư mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh.

Thí nghiệm được tiến hành trên các mẫu chuột bị u não nguyên phát, u não tái phát và ung thư vú đã di căn lên não. Đúng như dự định, cả hai phương pháp sử dụng các "tế bào sát thủ" không những thu nhỏ kích thước khối u một cách đáng kể mà còn làm tăng khả năng sống của chuột.

Hiện tại vẫn chưa thể đảm bảo rằng phương pháp này sẽ có tác dụng ở người tương tự như ở chuột, tuy nhiên đây vẫn là một tín hiệu đáng mừng, hứa hẹn mang lại một phương pháp nhanh chóng, chính xác và hiệu quả trong việc điều trị ung thư.


Xem thêm video: Trẻ 10 tháng tuổi bị tím đùi, xước mặt sau khi từ trường mầm non về

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN