Tuổi trẻ dẫn nguồn từ Đài NHK và TBS của Nhật Bản ngày 10/2 đưa tin đã có thêm 60 người nhiễm virus corona chủng mới (2019-nCoV) trên du thuyền Diamond Princess đang neo đậu ở Yokohama, phía nam thủ đô Tokyo, Nhật bản. Như vậy, số người trên du thuyền này nhiễm nCoV đã lên tới 130 người.
Du thuyền Diamond Princess được đặt vào tình trạng cách ly trong hai tuần khi đến Yokohama hôm 3/2, sau khi một người đàn ông (đã xuống tàu ở Hong Kong) được giới chức Hong Kong xác định dương tính với nCoV. Có khoảng 3.700 người trên du thuyền này, trong đó gồm 1.100 thành viên thủy thủ đoàn và 2.670 hành khách.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato ngày 10/2 cho biết chính phủ nước này đang xem xét kiểm tra tất cả thành viên thủy thủ đoàn và hành khách để xem họ có bị nhiễm nCoV hay không. "Chúng tôi phải phản ứng với nỗi lo của công chúng" - ông nói.
Nhân viên y tế chuyển các bệnh nhân nhiễm virus nCoV từ tàu du lịch Diamond Princess lên xe cứu thương tại cảng Yokohama, Nhật Bản ngày 5/2/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hôm 9/2, có 5 thành viên thủy thủ đoàn và 1 hành khách - gồm 4 người Philippines, 1 người Mỹ và 1 người Ukraine trong độ tuổi từ 20-70 được xác định nhiễm nCoV, dù họ không cho thấy bất kỳ triệu chứng thể hiện dấu hiệu bệnh nào.
Khi du thuyền Diamond Princess đến Nhật Bản, nhà chức trách nước này ban đầu kiểm tra gần 300 người trong số khoảng 3.700 người trên tàu, và dần dần đưa hàng chục người dương tính với nCoV tới các trung tâm y tế địa phương.
Những ngày gần đây, việc kiểm tra đã được áp dụng thêm với những người tiếp xúc gần gũi với những hành khách khác bị nhiễm bệnh.
Hiện những người còn ở trên tàu được yêu cầu ở lại bên trong phòng họ và chỉ được ra khỏi phòng trong một lúc ngắn. Họ được yêu cầu mang khẩu trang và giữ khoảng cách với nhau khi ra khỏi phòng.
Con tàu dự kiến được cách ly tới ngày 19/2.
Chia sẻ trên tài khoản Twitter ngày 9/2, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Ghebreyesus cho biết đã có một số trường hợp đáng lo ngại về sự lây lan của virus 2019-nCoV từ những người không có lịch sử đi lại tới Trung Quốc
"Việc phát hiện ra một số lượng nhỏ các trường hợp này đã cho thấy dịch virus corona đang lan rộng ở các nước khác và tóm lại, chúng ta có lẽ chỉ thấy phần nổi của tảng băng trôi", ông Tedros khẳng định.
Tổng giám đốc WHO kêu gọi mọi quốc gia tăng cường các nỗ lực để ứng phóng với tình huống virus này có thể lan tới lãnh thổ nước mình. Đồng thời, ông hối thúc các nước chia sẻ thông tin về chủng virus này với WHO trong thời gian thực và tiếp tục giữ bình tĩnh trong cuộc chiến đối phó với dịch bệnh.
Trước đó, người đứng đầu WHO cho biết tổ chức này đã nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc vào ngày 8/2 về đề nghị cử đoàn chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu tới hỗ trợ trước tình hình dịch bệnh do virus 2019-nCoV đang lây lan.
Chia sẻ trên SCMP, ông cho biết trưởng đoàn sẽ khởi hành vào ngày 10 hoặc 11/2 và các thành viên khác cũng đi ngay sau đó. Ông cũng chia sẻ rằng hy vọng phái đoàn sẽ có sự tham gia của các thành viên thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Danh sách trưởng đoàn và các thành viên sẽ chỉ được WHO công bố khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng.
Cũng trong ngày 9/2, trả lời báo giới tại Geneva, Thụy Sĩ, cố vấn cấp cao của bộ phận quản lý nguy cơ truyền nhiễm của WHO, bà Nahoko Shindo cho rằng, virus 2019-nCoV được cho là đã xuất hiện vào khoảng tháng 11/2019, nhưng nguồn gốc của nó vẫn chưa rõ ràng.
Theo bà Shindo, việc tạo ra một loại vaccine có thể ngăn ngừa hoàn toàn một bệnh truyền nhiễm đường hô hấp là vô cùng khó khăn, cần phải hợp sức của các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới.
Bà Shindo cũng không loại trừ khả năng virus sẽ lây lan sang các khu vực bên ngoài Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc và vài tuần tới sẽ là giai đoạn quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh. Bà cũng lưu ý đến trường hợp lây nhiễm virus trong nhân viên y tế và những người khác tại bệnh viện.
Tính đến sáng nay (10/2), số người nhiễm virus 2019-nCoV trên toàn cầu hiện tại là 40.553 người. Có 3.322 người đã hồi phục, nhưng vẫn còn 6.494 người đang trong tình trạng nguy kịch, 910 người đã tử vong.