Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:55
RSS

Cuối năm, tiền giả như thật nhan nhản thị trường: Đề phòng sập bẫy!

Thứ tư, 18/01/2017, 16:42 (GMT+7)

Với lời chào mời hấp dẫn, chỉ cần bỏ 1 triệu đồng tiền thật để mua 8 triệu đồng tiền giả, nhiều người hám lợi nên chuyển khoản tiền đặt cọc và không nhận được hàng như thỏa thuận ban đầu.

Nhiều đối tượng rao bán tiền giả trên các trang mạng với lời chào mời hấp dẫn: 1 triệu đồng tiền thật mua được 8 triệu đồng tiền giả. Hay 2 triệu đồng mua được 20 triệu, mệnh giá từ 50.000 - 500.000 đồng.

Có một điểm chung trong cách mua bán của các trang này là người mua phải đặt cọc trước khoảng 20% số tiền mua bằng cách mua thẻ cào điện thoại, để lại địa chỉ và hàng sẽ được giao tận nơi. Khi nhận hàng, người mua sẽ thanh toán số tiền còn lại cũng bằng thẻ cào.

Cách đây không lâu, anh Nguyễn Quang Trung (Hà Nội) chia sẻ, anh bất ngờ khi thấy hàng loạt các trang cá nhân công khai rao bán tiền giả. Sau khi nhấp chuột vào trang có tên “buôn bán tiền giả”, anh Trung ngạc nhiên bởi mức chênh lệch cao cùng khẳng định chắc nịch về uy tín của trang giao bán này.

Tin mua bán tiền giả được đăng công khai trên mạng xã hội (Ảnh internet)

Anh Trung liên lạc giao dịch mua 10 triệu đồng tiền giả với giá 3 triệu đồng tiền thật. Bên bán không đồng ý gặp mặt, ra điều kiện anh phải chuyển trước 30% bằng các thẻ cào để đặt cọc với lý do đảm bảo đơn hàng là thật.

Sau khi thỏa thuận xong, anh Trung chuyển tiền và không thấy được giao hàng. Thời gian sau đó, anh không thể liên lạc được với người này nữa và mới ngậm ngùi nhận ra mình đã bị lừa.

Tri thức trẻ đã có mặt tại địa điểm giao tiền và nhận được cuộc gọi từ người tự xưng là nhân viên giao hàng. Người này cho biết đã có mặt tại đây nhưng chưa thể ra mặt, với lý do muốn đảm bảo là hàng được mua nên PV đọc trước mã và số seri của các thẻ cào để thanh toán phần tiền còn lại.

Không đồng ý với cách giải thích của nhân viên giao hàng, PV gọi cho người đã thỏa thuận ban đầu khi đặt hàng và nhận được lời trấn an rằng đây là nguyên tắc làm việc của công ty, kèm theo những lời hứa sẽ khuyến mãi thêm số tiền đổi được.

Không ít người đành "ngậm đắng nuốt cay" vì một phút tham mua tiền giả (Ảnh internet)

Sau khi thử đưa số mã và seri thẻ cào thanh toán phần còn lại, PV đã gọi trực tiếp cho người bán hàng nhưng số điện thoại của người này và của người xưng là nhân viên giao hàng luôn trong trạng thái không thể liên lạc được – Thông tin từ Tri thức trẻ cho hay.

Theo Vnexpress, những lời quảng cáo "có cánh" về mua bán tiền giả chỉ là chiêu trò lừa đảo đánh vào lòng tham của nạn nhân. Trong khi đó, người bị lừa không dám trình báo công an, đành "ngậm đắng nuốt cay"  và cũng vì sợ bị liên đới.

 

An Bình (t/h)
Theo Đời sống Plus