Thứ sáu, 22/11/2024 | 20:58
RSS

Cục Nghệ thuật biểu diễn không muốn dùng từ 'cấm sóng, phong sát' với nghệ sĩ

Thứ năm, 20/04/2023, 12:02 (GMT+7)

Trong buổi tọa đàm "Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ", ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, không nên dùng từ "phong sát", "cấm sóng" đối với nghệ sĩ Việt.

Báo Vietnamnet thông tin, chiều 19/4, Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm Thực trạng văn hoá ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday.

 Cục Nghệ thuật biểu diễn không muốn dùng từ 'cấm sóng, phong sát'

Các đại biểu trong buổi tọa đàm. Ảnh: BTC.

Sự kiện mong muốn lan tỏa thông điệp về việc chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, thanh lịch trên không gian mạng xã hội tại Việt Nam

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Hướng Dương - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn khẳng định: Các nghệ sĩ vi phạm pháp luật ứng xử thiếu văn hóa trên môi trường mạng phải được xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Ông cho rằng không nên dùng từ "phong sát", "cấm sóng" đối với nghệ sĩ Việt: "Quan điểm của tôi là không dùng từ phong sát, cấm sóng với những người làm nghệ thuật, bởi việc này không phù hợp văn hóa, điều kiện đất nước. Chúng tôi có nghiên cứu, tham khảo cách làm việc của nước ngoài nhưng áp dụng tùy thuộc vào điều kiện thực tiễn.

 Cục Nghệ thuật biểu diễn không muốn dùng từ 'cấm sóng, phong sát' với nghệ sĩ

Hiện nay, xử lý các vi phạm này đã có Luật An ninh mạng, Luật Khoa học và công nghệ Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Bộ VHTT&DL cũng đã ban hành Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, trong đó có các nghệ sĩ nhưng có lẽ đến nay chưa nhiều người nắm rõ bộ quy tắc này.

Các nghệ sĩ nên thực hiện đúng Bộ quy tắc ứng xử nói trên. Các hành vi lăng mạ, hạ bệ nhau, quảng cáo sai sự thật… trên không gian mạng cần phải được xử lý", ông Trần Hướng Dương bày tỏ quan điểm tại buổi tọa đàm. 

Nói về vấn đề này, báo Dân Việt dẫn lại phát biểu của người mẫu Hạ Vy tại tọa đàm, cô cũng cho rằng cần có biện pháp xử lý mạnh mẽ với những nghệ sĩ có lối ứng xử không phù hợp thuần phong mỹ tục trên không gian mạng: "Chúng ta hoàn toàn có thể bỏ luôn tài khoản mạng xã hội đó. Đương nhiên, sau khi xóa tài khoản này họ có thể lập tài khoản khác, nhưng việc bị khóa nhiều lần sẽ khiến nghệ sĩ biết tiết chế hơn, sau đó họ phải thay đổi hành vi ứng xử". 

 Cục Nghệ thuật biểu diễn không muốn dùng từ 'cấm sóng, phong sát' với nghệ sĩ

Ông Chu Anh Hùng – Phó giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, tọa đàm là hoạt động mở đầu cho việc đánh giá thực trạng, tìm ra những giải pháp, sáng kiến nội dung phù hợp để tổ chức truyền thông gắn với các sự kiện, thông qua các buổi biểu diễn nghệ thuật, tuyên truyền tại các trường học, nơi công cộng, các tỉnh, thành... 

Trước đó Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông qua Quyết định 512. Theo đó, từ tháng 10/2023, nghệ sĩ và người có tầm ảnh hưởng (KOLs) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội sẽ bị hạn chế các hoạt động: phát sóng, biểu diễn, quảng cáo. 

Quyết định này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía công chúng bởi thời gian gần đây ngày càng có nhiều nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng KOLS có hành vi vi phạm trong hoạt động biểu diễn, phát ngôn trên mạng xã hội.

Thúy Vũ (Tổng hợp)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại