Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:16
RSS

Covid-19: Lợi dụng thị thực, nhiều người nhập cảnh có biểu hiện tâm thần, HIV

Chủ nhật, 10/01/2021, 21:40 (GMT+7)

Trả lời báo chí về công tác phối hợp giữa Công an TP.HCM và ngành du lịch, Công an TP.HCM cho biết, có nhiều người nước ngoài lợi dụng thị thực du lịch đã trốn ở lại để kiếm việc làm, tránh dịch Covid-19, thậm chí đánh bạc, lừa đảo.

Sự kiện:
Covid-19


Một đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép bị bắt giữ.

Đại tá Phạm Ngọc Tiến, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08, Công an TP.HCM) cho biết, từ năm 2016 đến nay, Phòng PA08 đã tiếp nhận cấp đổi, gia hạn thị thực du lịch cho 34.903 trường hợp, tình hình nhập cảnh vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, trong đó tập trung là người Trung Quốc

Tính đến tháng 9/2020, trên địa bàn TP.HCM có 836 doanh nghiệp lữ hành quốc tế 148 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 71 chi nhánh - VPĐD tỉnh khác, 76 đại lý lữ hành, 14 công ty liên doanh và 20 văn phòng đại diện du lịch nước ngoài.

Thượng tá Nguyễn Thanh Tú, Phó Trưởng phòng An ninh Đối ngoại Công an TP.HCM cho biết, hiện nay vẫn xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp lữ hành chưa được cấp phép công khai, kinh doanh quảng cáo, chào bán sản phẩm du lịch giá rẻ, kém chất lượng, với hình thức trả tiền qua mạng không bảo đảm quyền lợi của du khách. Không ít doanh nghiệp lữ hành quốc tế không tổ chức hoạt động tham quan, du lịch cho người nước ngoài mà chỉ tập trung vào việc bảo lãnh cho du khách nhập cảnh. Qua kiểm tra thực tế, đã có rất nhiều trường hợp sử dụng thị thực du lịch sai mục đích, thậm chí lao động chui, tổ chức đánh bạc trực tuyến hoạt động lừa đảo...

Cụ thể, Công an TP đã phối hợp, phát hiện và xử lý sai phạm đối với một số doanh nghiệp lữ hành nước ngoài có hành vi phát tán các ấn phẩm nội dung thể hiện "đường lưỡi bò", xử lý 12 người nước ngoài lợi dụng du lịch nhập cảnh hoạt động tôn giáo trái phép; phối hợp, xử lý nhiều cá nhân, tổ chức lữ hành lợi dụng chính sách thị thực Quan Hồng của Đài Loan (Trung Quốc) cho người Việt xuất cảnh Đài Loan, sau đó trốn ở lại bất hợp pháp...

Lợi dụng vị trí địa lý giáp Việt Nam và chính sách thông thoáng trong xét duyệt thị thực nhập cảnh, nhiều người Trung Quốc chuyển đổi mục đích, thành lập doanh nghiệp hay kết hôn với phụ nữ Việt Nam để được cấp giấy tờ cư trú lâu dài ở Việt Nam; số người người gốc Châu Phi và một số quốc tịch khác như Bangladesh, Pakistan… nhập cảnh với mục đích du lịch nhưng tìm cách ở lại kiếm việc làm, gây khó khăn cho công tác quản lý.

"Công tác xử lý vi phạm đối với số này gặp một số khó khăn: Nhiều trường hợp không có giấy tờ tùy thân hoặc cố tình giấu giấy tờ để kéo dài thời gian ở lại Việt Nam; không khả năng tài chính để quay về nước, khi bị phát hiện vi phạm mong muốn cơ quan chức năng Việt Nam bắt giữ nhằm được đưa về nước mà không phải tốn chi phí, trong khi đó, các cơ quan ngoại giao của các nước có công dân vi phạm không quan tâm hỗ trợ, bảo hộ công dân", đại tá Tiến nói.

Năm 2020, mặc dù người nước ngoài nhập cảnh giảm trên 90% do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng số người nước ngoài vi phạm pháp luật tăng, chủ yếu tập trung số người Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cư trú quá hạn, nhập cảnh trái phép vào thành phố với nhiều mục đích khác nhau như: Du lịch, trốn dịch, kiếm việc làm…

"Trong số người nước ngoài nhập cảnh du lịch vi phạm có nhiều trường hợp có biểu hiện tâm thần, gây rối trật tự công cộng, mất khả năng nhận thức nên khó làm rõ nhân thân, lai lịch, đa phần nhập cảnh diện miễn thị thực, không cơ quan, tổ chức bảo lãnh, không có cơ quan đại diện ngoại giao tại Việt Nam hoặc có nhưng đóng tại các tỉnh, thành phố khác, không hợp tác trong công tác xử lý làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác xử lý vi phạm; thậm chí có người nhiễm HIV phải đưa đi chữa trị tốn kinh phí nhà nước, nguy hiểm cho công tác tiếp xúc, xử lý", đại tá Phạm Ngọc Tiến thông tin.

Bạch Dương
Theo Dân Việt