Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:02
RSS

Càng gần Tết, giao thông càng căng thẳng

Chủ nhật, 10/01/2021, 10:36 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều con đường, tuyến phố của Thủ đô Hà Nội đã là “nỗi khổ không của riêng ai”. Đáng nói hơn là càng gần Tết thì ùn tắc lại càng nghiêm trọng, diễn ra vào mọi khung giờ trong ngày, kể cả trong những thời gian được coi là “thấp điểm” như buổi trưa hay buổi tối. Phải c

Càng gần Tết, giao thông càng căng thẳng

Cảnh thường thấy trong giờ cao điểm ở Hà Nội.

Dù đã áp dụng rất nhiều giải pháp, nhiều tuyến đường đắt đỏ mới mở ra để giải bài toán ùn tắc, nhưng giao thông Hà Nội không có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí nó trở nên hỗn loạn, tê liệt khi những ngày Tết nguyên đán cận kề.

“Thấp điểm” thì cũng ùn ứ

Tình trạng ùn tắc giao thông trên nhiều con đường, tuyến phố của Thủ đô Hà Nội đang trở thành “nỗi khổ không của riêng ai”. Nhiều tuyến đường được mở rộng và xây mới, lượng xe buýt đã được tăng cường, nhiều cây cầu nhẹ nhanh chóng dựng lên ở các ngã tư… tuy nhiên ùn tắc giao thông vẫn là vấn nạn chưa có lời giải.

Đặc biệt, càng gần đến Tết Nguyên đán, tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội diễn ra càng nhiều vào mọi khung giờ trong ngày, kể cả trong những thời gian được coi là “thấp điểm” như buổi trưa hay buổi tối. Mặc dù lực lượng chức năng tăng cường quân số ứng trực, điều hành giao thông, tuy nhiên do nhu cầu đi lại, giao thương, mua sắm của người dân tăng đột biến, dẫn đến tình trạng quá tải.

Cụ thể, tại các trục giao thông chính trong nội đô như: Nguyễn Trãi, Ngã Tư Sở, Láng, Lê Văn Lương, Tây Sơn, Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Thái Học hay Phạm Văn Ðồng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Giải Phóng..., lượng phương tiện luôn dày đặc. Các tuyến đường cửa ngõ: Pháp Vân - Cầu Giẽ, Ngọc Hồi, Hà Nội - Bắc Giang... ôtô xếp hàng dài, nhích từng tí một.

Dù trời lạnh nhưng không khí vẫn rất ngột ngạt do hàng triệu phương tiện bị ùn ứ, xả khí thải. Anh Nguyễn Tuấn Anh, ở quận Hà Ðông cho biết, từ chục ngày nay, sáng nào anh cũng mất cả giờ đồng hồ để đến được cơ quan ở phố Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng. Trong khi đó, lực lượng chức năng phải căng mình điều tiết, phân luồng từ sáng sớm đến tối muộn.

Phát triển giao thông công cộng

Trước thực trạng này tại lễ ra quân thực hiện Năm an toàn giao thông 2021 diễn ra giữa tuần qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã đề nghị các sở, ngành và các quận, huyện huy động tối đa lực lượng để phân luồng, không để xảy ra ùn tắc ở các tuyến cửa ngõ, đường vành đai ra, vào nội đô và các trạm thu phí BOT trước, sau các kì nghỉ lễ, Tết sắp tới.

Ông Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu xử lý nghiêm các vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, không đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe máy. Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lực lượng chức năng xử lý nghiêm ô tô, xe máy đi lên vỉa hè, đẩy mạnh xử phạt nguội qua hệ thống camera giao thông, tuy nhiên, vấn nạn ùn tắc giao thông vẫn nóng.

Để giải bài toán giao thông cần rất nhiều giải pháp đã và đang thực hiện. Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, Hà Nội cũng đã triển khai để đưa vào khai thác các dự án trọng điểm như: Tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và mới đây đường Vành đai 3 trên cao, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; 2 cây cầu vượt dưới thấp qua hồ Linh Đàm và đường Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng hoàn thành đã góp phần giảm tải áp lực giao thông.

Đồng thời tập trung phát triển vận tải hành khách công cộng, hiện nay mạng lưới xe buýt trên địa bàn thành phố có 123 tuyến, hiện đã bao phủ khắp 30 quận huyện, thị xã tương ứng với 438/584 xã, phường, thị trấn; 190/283 các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; 27/27 các khu công nghiệp; 30/30 các khu đô thị với chất lượng ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt đảm bảo nhu cầu đi lại của nhân dân.

Hà Nội cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông như xử phạt qua hệ thống camera giám sát an toàn giao thông; ứng dụng phần mềm GovOne trong công tác quản lý, duy tu, duy trì kết cấu hạ tầng giao thông. Thành phố cũng triển khai ứng dụng dịch vụ Iparking tại các điểm trông giữ phương tiện công cộng trên địa bàn... để giải bài toán ùn tắc.

Giật gấu vá vai thì sao hết ùn tắc?

Theo các chuyên gia giao thông, muốn giảm ách tắc giao thông nội đô cần phải thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều nhóm giải pháp thì tình trạng ùn tắc giao thông mới được hóa giải. Thực tế, do lưu lượng phương tiện giao thông tăng nhanh, cộng với một số công trình trọng điểm sử dụng một phần lòng đường khi thi công đã làm phát sinh điểm ùn tắc mới. Cùng với đó, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông hiện mới đạt 9,75%, trong khi theo yêu cầu phải đạt tỉ lệ từ 20 - 26%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng ôtô lên tới 10,2%/năm và xe máy 6,7%/năm cũng là nguyên nhân khiến tình trạng ùn tắc giao thông trở nên phức tạp hơn.

Theo thống kê hiện lưu lượng xe lưu thông qua cầu Thanh Trì trên 122.606 xe/ngày đêm, gấp 8,1 lần lưu lượng thiết kế; cầu Vĩnh Tuy 75.596 xe/ngày đêm, gấp 6,3 lần... Do đó phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp, như: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân và giảm ô nhiễm môi trường; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông đô thị…

Theo TS Nguyễn Ngọc Long (Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam), bản chất của vấn đề là phải giải quyết giao thông công cộng, còn tất cả các giải pháp chỉ là xử lý tạm thời. Đồng thời phải xiết cấp phép quy hoạch các tòa nhà cao tầng ở khu vực nội đô, nếu không phương tiện cá nhân sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân, bài toán ùn tắc giao thông càng khó giải.

Ông Long nói, hiện chúng ta đang mạnh ai nấy làm, cụ thể cứ xây dựng các khu đô thị xong tắc nghẽn chỗ nào thì xây dựng cầu vượt, đường trên cao do đó sẽ tạo ra ùn ứ tại các nút cổ chai khi không được đầu tư đồng bộ. Đây là hình thức “giật gấu vá vai” xử lý giải pháp tình thế. Cụ thể, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố như: Lê Văn Lương, Giải Phóng, Cầu Giấy… thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc vào các khung giờ cao điểm. Để giải quyết vấn đề này cần phải có hạ tầng, phải phát triển giao thông công cộng để người dân không cần sử dụng phương tiện cá nhân khi tham gia giao thông mới góp phần giải quyết ùn tắc.

Ông Bùi Danh Liên - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, vấn nạn ùn tắc giao thông sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp trong những tháng cuối năm, thậm chí có thể kéo dài đến hết thập kỷ mà vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

“Tầm nhìn trong quy hoạch giao thông của thành phố Hà Nội đã được thực hiện rất sớm và đầy đủ. Tuy nhiên trong khâu triển khai lại chưa đạt được những quy định đề ra nên đã tạo ra những nút thắt trong nội thành Hà Nội. Đơn cử như đường Vành đai 3 trên cao (đoạn qua Khuất Duy Tiến) được quy hoạch cách đây nhiều năm nằm ngoại thành Hà Nội, nhưng hiện tại lại trở thành nằm giữa trung tâm Hà Nội. Đường trên cao chỉ cần tắc nghẽn sẽ dẫn đến một loạt các đường cắt ngang bị ảnh hưởng dẫn đến tình trạng ách tắc nhiều điểm” - ông Liên giải thích đồng thời kiến nghị thành phố Hà Nội và các đơn vị có trách nhiệm cần thống nhất đưa ra Nghị quyết để giải quyết vấn đề ùn tắc tại Thủ đô. Bên cạnh đó, cần có những giải pháp ngắn và dài hạn để tổ chức giao thông thông minh.

KTS Ngô Viết Nam Sơn - chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng không phát huy hiệu quả. Chẳng hạn giải pháp đổi giờ học giờ làm, đây chỉ giải pháp cho phần ngọn chứ không phải phần gốc. Cái gốc vẫn là quy hoạch làm sao để những người đi làm, đi học không phải di chuyển xa, thậm chí làm sao có thể đi bộ để đến chỗ làm, chỗ học.

Ông Sơn dẫn chứng, tại một số nước, người dân sống ở khu vực nào thì con em họ học hành ở đó. Khu vực nào cũng có trường cấp 1, 2, 3, thậm chí mẫu giáo cũng không đi xa. Chuyện đi học của các em học sinh chủ yếu đi bộ, xe của trường đưa đón, nhưng cũng gần. Tương tự, đối với nhóm đối tượng là cán bộ - công chức cũng vậy, việc bố trí cơ quan làm việc hợp lý cũng không khiến họ di chuyển xa.

Hay việc chuyển các bộ ngành, trường học, cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô cũng là giải pháp tốt, nhưng quan trọng là chỗ ở của người dân có di chuyển theo chỗ làm không. Nếu trụ sở ra ngoại thành mà người dân vẫn sống trong nội thành thì cơ sở nào giúp giảm lưu lượng người tham gia giao thông?

Theo TS Nguyễn Ngọc Long (Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam), bản chất của vấn đề là phải giải quyết giao thông công cộng, còn tất cả các giải pháp chỉ là xử lý tạm thời khi các phương tiện giao thông cá nhân ngày càng phát triển như hiện nay thì rất khó. Đồng thời phải xiết cấp phép quy hoạch các tòa nhà cao tầng ở khu vực nội đô, nếu không phương tiện cá nhân sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân, bài toán ùn tắc giao thông càng khó giải.

 

NGUYÊN KHÁNH
Theo Đại Đoàn Kết