Lo ngại thiếu nguồn cung thuốc từ Hàn Quốc
Hội nghị trực tuyến "Triển khai công tác y tế năm 2020 - Phòng chống dịch bệnh COVID-19" có sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và 4 Thứ trưởng Bộ Y tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định, với các giải pháp hết sức quyết liệt, Việt Nam đã kịp thời, chủ động phát hiện, cách ly khoanh vùng, điều trị và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, người dân tin tưởng.
Tuy nhiên, trên thế giới, dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, khó lường, đặc biệt diễn biến trong những ngày qua tại Hàn Quốc, Iran và Italy… Theo đó, phải đảm bảo an ninh cách ly y tế bắt buộc với những trường hợp mắc và nghi ngờ mắc Covid-19. Giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe của người dân, du học sinh, du khách đến từ các vùng có dịch ở Trung Quốc và Hàn Quốc, đồng thời hạn chế tối đa việc tới vùng dịch. Các trường hợp từ vùng dịch về Việt Nam sẽ bị cách ly 14 ngày theo quy định.
“Chúng ta không chủ quan và phải coi chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm. Phải khống chế dịch căn bản và không để ai nhiễm bệnh mà không được biết tới như kết luận của Thủ tướng. Nếu phát hiện ca bệnh phải nhanh chóng điều trị kể cả là công dân Việt Nam hay người nước ngoài”, ông Tuyên nói.
Về công tác chuẩn bị thuốc và trang thiết bị vật tư phục vụ công tác phòng, chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, hiện nay có tình trạng thu gom thuốc kháng sinh và các thuốc phục vụ phòng dịch Covid-19. Trước tình trạng này, Bộ Y tế sẽ tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch để tăng giá thuốc, xử lý thật nghiêm các cơ sở vi phạm.
Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, thống kê cho thấy, hiện các loại thuốc trúng thầu từ Hàn Quốc là khoảng 750 triệu đô/năm (khoảng 15.000 tỷ), đây là con số không nhỏ. Trong khi đó, dự báo nếu dịch COVID-19 xảy ra phức tạp, Hàn Quốc sẽ hạn chế xuất khẩu, thiếu đi nguồn cung thuốc lớn cho Việt Nam.
Với cơ sở kinh doanh, sản xuất thuốc trong nước cũng phải theo dõi tình hình, kịp thời tìm kiếm các nguồn cung cấp thuốc, nguyên liệu làm thuốc khác nếu hạn chế nguồn từ Hàn Quốc, tránh tình trạng thiếu các thuốc đã trúng thầu, đảm bảo nguồn cung ứng cho các cơ sở khám chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đề nghị các bệnh viện, cơ sở y tế có giường bệnh cập nhật kịp thời hướng dẫn, chẩn đoán điều trị dịch Covid-19 của Bộ Y tế để khẩn trương mua sắm, bổ sung thêm thuốc phục vụ phòng dịch. Các bệnh viện cũng phải chủ động dự trữ cơ số thuốc trong các tình huống cấp độ dịch bệnh, tiến hành rà soát các thuốc trúng thầu tại cơ sở, đặc biệt là các thuốc phục vụ điều trị, hỗ trợ phòng dịch COVID-19.
Hiện nay Bộ Y tế đang tích cực triển khai mua sắm, dự phòng gấp các trang thiết bị phục vụ cho phòng dịch COVID-19 như: Khẩu trang, trang phục phòng chống dịch… đây cũng là những mặt hàng đang khan hiếm. Đặc biệt thuốc khử trùng CloraminB cũng phải khẩn trương mua bổ sung để đáp ứng phòng dịch trong thời gian tới. Đồng thời ngành y tế cũng chủ động mua dự trữ các trang thiết bị thiết yếu như: Máy thở, máy Xquang di động, máy khử trùng không khí… để sẵn sàng cung cấp khi được huy động.
Chuẩn bị sẵn sàng khi công dân từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước
Công tác phun thuốc khử khuẩn tại trường học ở Vĩnh Phúc.
Từ điểm cầu Vĩnh Phúc, địa phương có nhiều người nhiễm Covid-19 nhất cả nước, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết rong những ngày qua, diễn biến dịch Covid-19 tại Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến tích cực. 11 ca nhiễm bệnh tại Vĩnh Phúc tính đến nay đã được điều trị và cho kết quả âm tính. Các trường cách ly tại trường quân sự tỉnh là 96 người, trong đó có 1 trường hợp mới về từ Hàn Quốc. Trong ngày 25/2, Sở Y tế Vĩnh Phúc sẽ khám rà soát các trường hợp này và cho ra khỏi khu cách ly 82 người đã qua 16 ngày cách ly mà không có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tại Hàn Quốc và Nhật Bản, trong khi trên địa bàn Vĩnh Phúc có rất nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản hoạt động do đó, số người Hàn và Nhật cư trú tại Vĩnh Phúc rất đông. Số người Hàn Quốc là 1005 và Nhật Bản là 29 người tạm trú trên địa bàn tỉnh. Công dân Vĩnh Phúc học tập và lao động tại Hàn Quốc là 433 người, tại Nhật Bản là 3.356 người.
Trong tình hình dịch bệnh, sẽ có xu thế công dân Vĩnh Phúc từ Hàn Quốc, Nhật Bản trở về nước. Sáng 25/2, Ban thường vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã họp về phương án tiếp theo và diễn biến phòng dịch Covid-19, cụ thể là phương án cách ly những người từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Đồng thời có chủ trương đầu tư trang thiết bị vật tư y tế cần thiết để tiếp tục phòng chống dịch bệnh.
Cập nhật tình hình phòng chống dịch Covid-19 tại Hà Nội, ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch Thành phố cho biết, Hà Nội hiện đang có 331 trường hợp phải tiếp tục theo dõi, 69 trường hợp tiếp tục cách ly tập trung.
Chiều nay 25/2 sẽ tổ chức tập huấn trên 5000 cán bộ giáo viên thành phố về vệ sinh khử khuẩn và phòng dịch. Cuối tuần tiếp tục phun khử trùng khử khuẩn tại trường học lần 5.
Trước diễn biến phức tạp, thành phố tiếp tục triển khai 5 giải pháp tâp trung: tuyên truyền, cách ly, chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường khử khuẩn, tăng cường công tác kiểm tra.
Phó Chủ tịch Hà Nội cũng chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng, chống dịch như việc vật tư phòng chống dịch là quần áo bảo hộ, vật tư khử khuẩn rất khó mua, nếu dịch bùng phát sẽ càng khó hơn. Hiện Hà Nội có 1 cơ sở cách ly 88 người nhưng hiện đang quá tải.
Giải pháp được Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Hà Nội đưa ra là bổ sung kinh phí mua trang thiết bị, cho phép đưa người cách ly tập trung về cơ sở Bộ Quốc phòng, bộ Tư lệnh Thủ đô đồng thời đề xuất giải pháp hạn chế xuất nhập cảnh với người đi đến từ vùng dịch.