Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:07
RSS

Cộng đồng LGBT nói gì khi "đồng tính, song tính, chuyển giới không còn bị coi là một bệnh"?

Thứ ba, 09/08/2022, 10:32 (GMT+7)

Việc Bộ Y tế ban hành văn bản nêu rõ, đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là một bệnh khiến cộng đồng LGBT rất cảm kích. Họ vui mừng, nhưng cũng cho biết, thực tế khi tiếp cận dịch vụ y tế vẫn bị kỳ thị và đâu đó vẫn còn rất nhiều người coi "đồng tính" là một bệnh.

Người đồng tính, song tính, chuyển giới vẫn bị kỳ thị khi khám chữa bệnh

Venn TNP (20 tuổi) một cô gái đồng tính đến từ miền Nam tỏ ra vui mừng khi Bộ Y tế có văn bản xác nhận về việc "Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh" và không có chuyện chữa trị bệnh, song tính, đồng tính, chuyển giới.

Venn cho biết, bản thân cô cũng làm truyền thông, cô cũng nghe thông tin về chữa bệnh cho người song tính, đồng tính, chuyển giới trên mạng xã hội

"Tôi được biết có một số trang faccebook reo rắc quan điểm phòng chống người đồng tính, song tính, chuyển giới. Ví dụ như trang: 'Liên minh chống cấp tiến bệnh hoạn' dù không nói kỳ thị nhưng các thành viên trong đó đều không muốn LGBT tuyên truyền về quan điểm tích cực. Đây cũng là cách kỳ thị ngầm”, Venn nói.

Cách đây cả chục năm Venn cũng từng được bạn chia sẻ câu chuyện, bị cha mẹ đưa tới bác sĩ tâm lý để chữa bệnh đồng tính. Họ xem đồng tính như là sự bệnh hoạn. Sau đó, họ tuyên bố là người bạn đó đã hết bệnh vì được đưa đi điều trị,  bất chấp việc từ năm 1994 WHO đã công bố đồng tính, song bệnh là không phải một căn bệnh.


Đồng tính, chuyển giới, song giới, không phải là một bệnh. Ảnh: Câu chuyện "Yêu một người chuyển giới" của V

"Thậm chí, chính tôi còn tận mắt chứng kiến hình ảnh người ta lan truyền các tài liệu để liên hệ chữa bệnh đồng tính", Venn nói.

Thực tế, quá trình tiếp cận y tế của người song tính, đồng tính, chuyển giới cũng gặp nhiều khó khăn do bị kỳ thị. "Có người cho rằng việc một số người trong cộng đồng LGBT quan hệ bừa bãi nên mới lây nhiễm HIV hoặc gần đây là bệnh đậu mùa khỉ. Điều này làm dấy lên việc kỳ thị cộng đồng LGBT", Venn nói.

Còn đối với L.V một cô nàng song tính thì mong muốn, báo chí và truyền thông có thể tuyên truyền về việc "Đồng tính hay song tính, chuyển giới không phải là bệnh" nhiều hơn nữa. Chỉ có vậy mới cuộc sống mới "dễ thở" hơn cho cộng đồng LGBT. V Cho rằng thực tế không phải ai cũng sẽ thấy được những bài báo tích cực này và chưa chắc mọi người trong xã hội đã đồng ý đọc.

"Ngay cả các bác sĩ, nhân viên y tế (Dù chỉ là một bộ phận) tỏ ra kỳ thị khi em nói em đi khám phụ khoa vì em có quan hệ với một người đồng giới. Chưa kể tới việc đối với người chuyển giới (chỉ tiêm thuốc, cắt ngực, không phẫu thuật bộ phận sinh dục) thì chuyện đi khám phụ khoa (do bác sĩ nam đảm trách) là điều khá nhạy cảm".

Theo V, nhiều bác sĩ thuộc khoa thần kinh, khi hỗ trợ bệnh nhân trầm cảm, căng thẳng, còn rất hay quy chụp vào những lý do như (căng thẳng do học hành thôi, do áp lực công việc thôi) chứ chưa thật sự lắng nghe và đưa ra phán đoán hay giải pháp phù hợp thăm khám sức khỏe cho những người thuộc cộng đồng LGBT do áp lực gia đình về bản dạng giới của họ.

"Chính bởi lý do đó, em ít khi đến cơ sở y tế để thăm khám hay điều trị vì em nghĩ nó chưa thật khách quan, hiệu quả" V nói.

Cô gái song tính tên V còn cho biết để thay đổi được quan điểm của mọi người về việc người song tính, đồng tính hay chuyển giới cũng là người bình thường thì sẽ còn là 1 hành trình dài. Tuy vậy, cô vẫn cho rằng cô và cộng đồng LGBT sẽ cùng cố gắng để giúp mọi người có cái nhìn tích cực hơn về cộng đồng của cô.


Rất nhiều hội thảo, nghiên cứu tìm sự công bằng trong tiếp cận quyền tình dục, quyền chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng LGBT. Ảnh: SCDI

Cố chữa bệnh đồng tính sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm lý của con

Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Dung, cán bộ quản lý SCDI cho biết thời gian qua nhận được rất nhiều phản ánh của các thành viên cộng đồng LGBT (gồm đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới), đặc biệt là giới trẻ, được bố mẹ đưa đến bệnh viện để điều trị "bệnh đồng tính". Nhiều phụ huynh xin tư vấn "có nên đưa con đi bệnh viện không". Một số cơ sở y tế, bác sĩ nắm bắt tâm lý hoang mang lo lắng này của phụ huynh, tự quảng bá là "chữa được đồng tính" dẫn đến việc nhầm tưởng và gây tốn kém cho gia đình.

Chính bởi vậy, theo bà Dung: "Khuyến cáo từ Bộ Y tế giúp giảm được sự phân biệt đối xử, kỳ thị với cộng đồng LGBT".

Thậm chí mới đây, nhiều gia đình còn tìm thầy cúng, hay đưa con tới bệnh viện lớn để "khám bệnh đồng tính". Các bác sĩ cho rằng đồng tính, song tính, chuyển giới không phải là bệnh nên không thể can thiệp điều trị. Nếu gia đình cứ định kiến, tìm đủ cách chữa trị thì vô tình sẽ làm tổn thương con trẻ, gây tâm lý hoang mang.

Trước đó, ngày 8/8, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bộ và y tế các bộ, ngành về việc chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Bộ Y tế cho biết nhận được thông tin phản ánh về việc hiện nay một số cơ sở khám, chữa bệnh và một số bác sĩ tự nhận là chữa khỏi bệnh đồng tính. Trong khi đó, Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định đồng tính hoàn toàn không phải là bệnh, vậy nên đồng tính không thể 'chữa', không cần 'chữa' và cũng không thể làm cách nào thay đổi được.

Do vậy, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của mình quán triệt các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn quốc tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân đến cơ sở khám, chữa bệnh hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Khi tổ chức khám, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng về giới tính, không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các đối tượng này; không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh; không can thiệp, ép buộc điều trị đối với các đối tượng này, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.

 

Thúy Ngọc
Theo Dân Việt