Thứ sáu, 29/03/2024 | 18:04
RSS

‘Con tin’ của Covid-19

Thứ tư, 24/03/2021, 08:45 (GMT+7)

Bộ Y tế cho biết, tháng 5 này sẽ chuyển sang thử nghiệm giai đoạn 3 (tiêm trên quy mô lớn) bằng vaccine Nanocovax nội địa. Sau giai đoạn 2 tiến hành hoàn tất.

Sự kiện:
Covid-19

Nhưng lại có một tia sáng mới lóe lên khi châu Âu đang bỏ ngỏ khả năng triển khai sử dụng vaccine Sputnik V của Nga - một loại vaccine không được phương Tây và Mỹ đánh giá cao trước đây bởi nhiều lý do.


Châu Âu vẫn căng thẳng

Tại hội nghị trực tuyến giữa chính quyền liên bang và các bang được tổ chức ngày 22/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ hiến các bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa và giữ nguyên quy định về quy mô được gặp gỡ trong dịp lễ Phục sinh từ ngày 2/4 tới - chỉ cho phép 2 gia đình gặp gỡ với tối đa 5 người lớn.

Trước tình hình dịch covid-19 diễn biến phức tạp, Áo cũng đã buộc phải trì hoãn việc mở cửa trở lại các quán ăn, nhà hàng và quán bar theo kế hoạch vào ngày 27/3 tới do số ca nhiễm mới ngày một gia tăng.

Chính phủ Áo đã họp với các thống đốc của các địa phương trong ngày 22/3 để xem xét kế hoạch cho phép nới lỏng một số các hạn chế. Tuy nhiên, Thủ tướng Sebastian Kurz cho biết, các chuyên gia dịch tễ cho rằng, không nên nới lỏng các hạn chế trong tình hình hiện tại. Thủ tướng Áo cũng cho biết, 3 tỉnh phía Đông nước này ghi nhận mức độ lây nhiễm cao của các biến thể Covid-19.

Cùng với đó, Nội các của Thủ tướng Séc Andrej Babis ngày 22/3 đã phê duyệt đề xuất gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày và sẽ yêu cầu Hạ viện xem xét tại phiên họp thứ Tư tới. Ngoài ra, Chính phủ Séc cũng phê duyệt quy định xét nghiệm bắt buộc đối với các công ty có dưới 10 nhân viên và những người kinh doanh phải gặp gỡ bên thứ ba tại nơi làm việc.

Trước đó, tối 18/3, Pháp công bố lệnh phong tỏa mới đối với 16 khu vực, bao gồm thủ đô Paris và Nice, mặc dù Tổng thống Emmanuel Macron từ chối tái áp đặt phong tỏa toàn quốc.

Đầu tuần trước, nhiều vùng của Italy, bao gồm các thành phố Rome và Milan, một lần nữa phong tỏa nghiêm ngặt, trong khi ở Tây Ban Nha, tất cả khu vực ngoại trừ Madrid quyết định hạn chế đi lại trong dịp Lễ Phục sinh sắp tới. Thủ đô Berlin của Đức cũng dừng kế hoạch nới lỏng hạn chế do ca Covid-19 tăng mạnh.

“Làn sóng thứ hai vốn không kết thúc hẳn vì họ đã mở cửa quá sớm để mọi người đi mua sắm cho dịp Giáng sinh” - nhà dịch tễ học người Pháp Catherine Hill nhận định và chỉ ra rằng, mức độ lây nhiễm khi đó vẫn ở mức cao.


Người dân đeo khẩu trang khi mua thực phẩm tại chợ ở Nice, Pháp.

WHO lo ngại

Ngày 22/3, một chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, số ca tử vong do Covid-19 hàng tuần trên toàn cầu đã tăng trở lại, một dấu hiệu đáng lo ngại sau 6 tuần con số này giảm bớt.

Thông tin trên được đưa ra giữa bối cảnh Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ trích khoảng cách “không công bằng” về số lượng vaccine Covid-19 giữa các nước giàu và nước nghèo, đồng thời gọi sự bất bình đẳng này là “sự vi phạm đạo đức toàn cầu”.

Sự gia tăng số ca mắc một phần là do sự lan rộng của biến thể SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Anh, sau đó lan rộng ra nhiều nơi khác, bao gồm cả khu vực Đông Âu.

Tổng Giám đốc WHO Tedros hôm 22/3 cũng nhận định rằng, ông cảm thấy sốc khi hầu như rất ít kết quả đạt được trong việc ngăn chặn “thảm họa đạo đức kinh hoàng” có thể đoán trước được nhằm đảm bảo sự phân phối vaccine bình đẳng trên toàn thế giới, đồng thời nói với báo giới rằng khoảng cách này “đang ngày càng lớn và ngày càng bất bình đẳng mỗi ngày”.

Ông Tedros cho rằng các nước giàu đang nhận thức sai lầm về an ninh, đồng thời nhận định virus càng lây lan nhiều, sẽ có ngày càng nhiều biến thể xuất hiện và khi chúng lây lan, chúng sẽ ngày càng có khả năng thoát khỏi các kháng thể từ vaccine. “Trừ khi chúng ta chấm dứt đại dịch sớm nhất có thể, nếu không thì chúng ta sẽ là con tin của nó trong nhiều năm nữa” - ông Tedros cảnh báo.

Hướng đi mới

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp tại châu Âu, ngày 22/3, Điện Kremlin ra thông cáo cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thảo luận khả năng sử dụng vaccine Sputnik V trên lãnh thổ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) trong một cuộc điện đàm.

Tổng thống Putin khẳng định Nga sẵn sàng khôi phục hợp tác với EU, nhưng cho rằng quan hệ song phương đang trong tình trạng “không vừa ý” do những chính sách đối đầu và thiếu tính xây dựng của khối. Tuy nhiên, Điện Kremlin không cho biết liệu lãnh đạo Nga và EU có đạt được thỏa thuận về chuyển giao vaccine Sputnik V hay không.

Các nước thành viên EU ngày càng đối mặt với nhiều áp lực khi hàng loạt nhà sản xuất vaccine Covid-19, trong đó có AstraZeneca, cho biết họ không thể đáp ứng kế hoạch chuyển giao vaccine như đã thỏa thuận. Sputnik V chưa được phê duyệt sử dụng tại EU, nhưng Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu quá trình đánh giá vaccine này từ đầu tháng 3.

Một số thành viên EU dường như không còn đủ kiên nhẫn với tốc độ triển khai vaccine chậm chạp của liên minh. Hungary tháng trước trở thành nước EU đầu tiên cấp phép sử dụng Sputnik V. Slovakia cũng tuyên bố đạt thỏa thuận mua 2 triệu liều Sputnik V. Chính phủ Pháp, một trong những thành viên trụ cột của EU, đã trao đổi thường xuyên với phía Nga về Sputnik V dù chưa có địa điểm sản xuất đáp ứng những yêu cầu cần thiết.

Hơn thế nữa, sau hoài nghi ban đầu về vaccine Covid-19 của Nga, ông Antony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thừa nhận, Sputnik V “khá hiệu quả” trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm 22/3.

Một minh chứng cho điều này, phát biểu trong một cuộc họp chính phủ ngày 22/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết: “Tất nhiên tiêm chủng là một quyết định tự nguyện với mọi người. Đó là quyết định riêng của mỗi người. Nhân tiện, tôi dự định tiêm vaccine Covid-19 vào ngày mai”. Tuy nhiên, ông Putin không tiết lộ loại vaccine mà ông sẽ tiêm.

Ông Putin cho rằng, việc tăng cường sản xuất vaccine sử dụng nội địa là rất cần thiết. Đến nay, khoảng 4,3 triệu người Nga đã được tiêm mỗi người hai liều vaccine Covid-19.            

Theo Reuters, Bộ trưởng Y tế Ukraine Maksym Stepanov ngày 23/3 cho biết, nước này vừa ghi nhận số ca tử vong liên quan đến Covid-19 trong vòng 24 giờ cao kỷ lục, với 333 trường hợp. Số ca tử vong cao nhất trước đó ở quốc gia Đông Âu này là 289 người được ghi nhận vào ngày 17/3.

 

HÀ ANH
Theo Đại Đoàn Kết