Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:41
RSS

Con gái Dr Thanh: 'Tôi chưa bao giờ hỏi tại sao mình không được cái này hay cái khác'

Thứ năm, 11/10/2018, 10:34 (GMT+7)

Một năm sau khi xuất bản cuốn "Chuyện nhà Dr.Thanh", Trần Uyên Phương tiếp tục giới thiệu cuốn "Competing With Giants" (tạm dịch Vượt lên người khổng lồ).

Một năm sau khi xuất bản cuốn "Chuyện nhà Dr.Thanh", Trần Uyên Phương tiếp tục giới thiệu cuốn "Competing With Giants" (tạm dịch Vượt lên người khổng lồ). Dù là sách phân tích kinh tế do ForbesBooks xuất bản, câu chuyện về người bố (Dr Thanh) vẫn in dấu đậm nét trong "cuộc chiến với những người khổng lồ".

Vì sao sách phân tích kinh tế lại có dấu ấn của Dr Thanh?

Sau cuốn "Chuyện nhà Dr Thanh”, Phương xuất bản tiếp cuốn “Vượt lên người khổng lồ”. Phương và gia đình có mục tiêu gì khi ra tiếp một cuốn sách mới? 

Trước đây, cuốn “Chuyện nhà Dr Thanh” tôi làm để tặng ba mình, còn cuốn “Competing with giants – tạm dịch Vượt lên người khổng lồ” thì khác. Trước đây, khi tham một khóa học ở trường Havard dành cho lãnh đạo cấp cao của những doanh nghiệp có hơn 10 năm kinh nghiệm và doanh thu trên 10 triệu USD, tôi có chia sẻ câu chuyện của gia đình mình. 

Khoảng 150 thành viên của lớp học rất thích thú trước câu chuyện một doanh nghiệp địa phương có thể xây dựng được thương hiệu, rồi sau đó có vị thế, thậm chí qua mặt được công ty đa quốc gia như Coca Cola. Sau đó, trường Havard có đề nghị tôi viết cho họ về case study của Tân Hiệp Phát. 

Tôi thấy rằng nếu có nhiều người thích như thế thì nên viết thành một cuốn sách để câu chuyện có thể tới được với nhiều người hơn chứ không chỉ giới hạn trong số những học viên ở trường Havard. 

Kể từ 2012 tôi bắt đầu thu thập tài liệu và tìm thêm 2 cộng sự khác cùng viết. Đó là một anh người Mỹ (John Kador) chuyên viết sách kinh tế và một chị người Anh (Jackie Horne) chuyên về báo tài chính. Tuy nhiên, cuốn sách cần chỉnh sửa nhiều theo yêu cầu của nhà xuất bản (ForbesBooks) và phù hợp với thị trường Mỹ nên cần khá nhiều thời gian để hoàn thành.

Có nhiều thông tin giống nhau trong cuốn sách “Competing with giants” và “Chuyện nhà Dr Thanh”. Có mối liên quan gì giữa 2 cuốn sách ấy? 

Thực ra, ban đầu 2 cuốn sách rất khác nhau, bởi cuốn thứ 2 là về phân tích kinh doanh. Tuy nhiên, khi viết “Competing with giants” thì chị Jackie Horne (người Anh) – đồng tác giả và chuyên về báo tài chính, phản biện rằng nếu viết như vậy thì sẽ không thú vị và người đọc cũng khó hiểu về xuất phát điểm của người sáng lập Tân Hiệp Phát, cũng như bối cảnh dẫn đến các quyết định chiến lược. 

Mỗi con người có một đặc điểm khác nhau, hình thành nên tính cách khác nhau nên chị ấy thuyết phục được tôi đưa vào cuốn sách quá trình trưởng thành của công ty liên quan đến người sáng lập Tân Hiệp Phát. Đó là lý do khi đọc, mọi người sẽ nhận thấy điểm tương đồng ở 2 cuốn sách với chi tiết về bố tôi.

Cuộc tranh luận lớn nhất với 2 đồng tác giả

Việc có thêm 2 đồng tác giả tác động như thế nào tới cuốn sách? 

Jackie Horne và John Kador là những người phản biện, góp ý thông tin nào nên đưa vào thông tin nào không để hữu ích cho người đọc và phù hợp với thị trường Mỹ. Có những vấn đề như “thuyền nhân” chẳng hạn, tôi không nghĩ có giá trị gì cho việc phân tích nhưng ở góc nhìn của người phản biện, họ cho tôi thấy những tác động của “thuyền nhân” tới sự phát triển của nền kinh tế. 

Như nước Úc chẳng hạn, những thuyền nhân được trân trọng bởi họ có đóng góp cho sự phát triển của nước Úc. Tôi rất ngạc nhiên khi đến Úc và chia sẻ thì nhận được sự tiếp đón rất nồng hậu. Họ thấy người Việt là một phần của họ. Họ rất tự hào khi nói là: “Tôi thích ăn phở!”, nói một cách thật tình chứ không phải để lấy lòng đâu. Đó là những điều mà trong quá trình viết và thảo luận tôi mới hiểu ra.

Còn như xu hướng nữ giới đảm nhiệm vị trí lãnh đạo, đó không phải là cái gì quá khác biệt ở Việt Nam. Nhưng ở Mỹ, họ rất trân trọng những phụ nữ ở vị trí lãnh đạo mà còn có khả năng đóng góp cho xã hội như viết sách chia sẻ kinh nghiệm, trở thành hình mẫu cho các phụ nữ khác, để vượt lên những rào cản. Đó chính là điểm cả John và Jackie nói mà tôi không cảm nhận được cho đến khi cuốn sách được xuất bản. 

Trên thế giới tỷ lệ nữ lãnh đạo chỉ 12-15% và họ muốn khuyến khích con số này tăng thêm và rất ngạc nhiên khi tỷ lệ này ở Việt Nam cao hơn nhiều, năm ngoái còn cao nhất trong khu vực.

Hai đồng tác giả tranh luận nhiều nhất với chị về điều gì? 

Tranh luận nhiều nhất là chuyện về cá nhân sẽ được đưa vào bao nhiêu phần trăm. Điều này rất quan trọng khi mình chia sẻ những case study vì người đọc muốn trường hợp đó phải cụ thể và từ trải nghiệm thật. 

Ở Mỹ, có cả triệu cuốn sách xuất bản mỗi năm. Rất nhiều người đã đề cập về chủ đề phân tích kinh tế, phân tích về khả năng lãnh đạo… vì thế câu chuyện mình nói phải rất là khác biệt mới thu hút được bạn đọc. 

“Làm sao doanh nghiệp địa phương có thể thắng các tập đoàn đa quốc gia?”, “Competing with giants” là cuốn sách đầu tiên ở Mỹ có nội dung đó. Thế nhưng, họ vẫn muốn cái đó phải đến từ những bài học thật. Nhiều khi tranh luận về những vấn đề đó mất cả tuần lễ bởi vì có một số chuyện tôi thấy rất cá nhân và không cần phải đưa vào. Thế nhưng, với Jackie và John thì rất cần bởi nếu không có, cuốn sách sẽ không đủ hấp dẫn.

Băn khoăn lớn nhất khi viết "Vượt lên người khổng lồ"

Khi viết một cuốn sách không còn trong khuôn khổ chuyện gia đình nhà Dr Thanh nữa, và lại dành cho thị trường Mỹ, chị gặp khó khăn gì? 

Tôi có rất nhiều cảm xúc về chuyện này. Đầu tiên là đắn đo trong việc phải cung cấp nhiều thông tin của Tân Hiệp Phát ra bên ngoài. Đó là một tảng đá chắn ngang khiến tôi phải suy nghĩ kỹ. Nếu tôi làm, đối thủ sẽ tìm thấy những thông tin mà lẽ ra họ không dễ dàng có được. 

Nhưng sau đó, tôi thấy rằng, họ là đối thủ và nếu muốn tìm hiểu thông tin về mình thì không cần nói họ cũng tìm hiểu và còn có những thông tin tốt hơn. Họ cũng không chờ mình nói vì các công ty luôn nghiên cứu để đánh sập nhau chứ đừng nói là chỉ dựa trên những thông tin được chia sẻ. 

Cũng vì thế, tôi cảm thấy thông tin bây giờ nó không còn giống như thời 1.0 ngày xưa nữa. Thông tin là để chia sẻ, học hỏi. Một trong những điều làm tôi càng cảm thấy tự tin hơn là việc tìm được sự kết nối, chia sẻ với rất nhiều người sau khi xuất bản cuốn sách thứ nhất (Chuyện nhà Dr Thanh –PV). Khi họ hiểu về giá trị và về cái mình đang thực hiện thì mình vô tình có thêm rất là nhiều cộng sự, nhiều bạn.

Kể cả nhân viên Tân Hiệp Phát cũng vậy, họ hiểu về công ty hơn, hiểu thêm về những khái niệm, triết lý, kế hoạch, dự án mà mình đã làm và sẽ làm. Cuối cùng, tôi nhìn thấy chia sẻ là một hình thức học hỏi, chứ không phải mất đi. 

Khi giới thiệu cuốn sách ở các nước, chị nhận được phản hồi ra sao? 

Khi chia sẻ, giới thiệu về sách thì tôi cũng gặp nhiều người thấy thú vị và muốn làm đối tác của Tân Hiệp Phát. Tôi cũng thấy rằng, tham vọng, hoài bão đưa thương hiệu Việt ra thế giới không thể nào chỉ giới hạn những nguồn lực, tài năng ở trong nước. 

Để hiện thực hóa điều đó cần sự tiếp cận của nước ngoài, người Việt ở nước ngoài, hay kể những đối tác khác. Với công nghệ 4.0, nếu như hiểu được mình yếu ở chỗ nào thì sẽ kéo cơ hội cho những người khác đóng góp, và đó cũng là điều Tân Hiệp Phát rất mong muốn. Câu chuyện càng mở thì lại càng là cơ hội để mình học hỏi.

Điều may mắn nhất của con gái Dr Thanh

Bố chị (ông Trần Quí Thanh) từng nói vui rằng: “Con gái tôi bây giờ chuyển sang nghề bán sách rồi, không bán nước giải khát nữa”. Việc quảng bá sách đã tác động như thế nào đến công việc và cuộc sống riêng của chị? 

Tôi thấy cách tổ chức, sắp xếp công việc của mình đã khác đi rất nhiều. Tôi ủy quyền nhiều hơn khi không có mặt ở tổ chức. Mọi người cũng muốn được đóng góp một phần cho chuyện tôi đang làm. Họ rất hào hứng làm tốt công việc của mình và tôi cũng nhìn thấy sự thay đổi rất lớn trong nhân viên. 

Khi mình tìm được những người có cùng hệ giá trị với nhau, họ sẽ làm việc bởi cảm thấy đam mê, không phải là một công việc làm 8 tiếng và sau 8 tiếng đó thì không nên gọi cho tôi nữa. Tôi thấy sự gắn kết và năng lực của mọi người thay đổi rõ rệt.

Có điều gì mà chị thấy chưa hài lòng khi đi quảng bá, giới thiệu cuốn sách này? 

Sách là một cách tiếp cận khá tốt và có thể tạo sự kết nối với những người mà mình chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ có sự kết nối với họ. Vì thế, một trong những thứ mà tôi chưa hài lòng là mình không có nhiều thời gian hơn để gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người hơn. 

Mọi thứ đều có giới hạn. mọi nguồn lực cũng có hạn nên tôi cũng chỉ có thể đầu tư thời gian ở một mức độ nhất định. Tôi vẫn phải quay trở về để xử lý điều hành và chuẩn bị cho đế hoạch tiếp theo vào năm 2019 của công ty. 

Sinh ra trong một gia đình giàu có và là con gái của một doanh nhân nổi tiếng nhưng chị chia sẻ là chưa từng được cưng chiều. Chị nghĩ gì về điều đó? 

Có lẽ một trong những điều may mắn nhất của tôi là tư duy từ bé đã được bố định hình. Bố rất hay nói là: “Con không phải cái rốn của vũ trụ”. Cái gì mà mình muốn thì phải tự làm thôi. Chắc có lẽ từ tư duy, cách giáo dục đó trong gia đình nên tôi cũng chưa bao giờ hỏi tại sao mình không có được cái này, không có được cái khác.

 

 

 

Khánh Linh - An Bình
Theo Trí Thức Trẻ