Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:23
RSS

'Cô gái tỷ đô' Trần Uyên Phương: Tôi không nghĩ một ngày trở thành tỷ phú

Thứ ba, 09/10/2018, 11:06 (GMT+7)

Những khủng hoảng mà Tân Hiệp Phát, gia đình cô đã trải qua đã giúp “cô gái tỷ đô” Trần Uyên Phương rắn rỏi hơn, vững vàng hơn.


Gặp lại “cô gái tỷ đô” Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, vào một ngày thu Hà Nội, sau chuyến đi đến trụ sở của Tạp chí Forbes dự buổi lễ ra mắt sách “Competing with Giants” (Vượt lên người khổng lồ) với vai trò tác giả. Có phải vì tiết trời mùa thu Hà Nội se lạnh mà câu chuyện cứ cuốn lấy chúng tôi. Uyên Phương say sưa kể về cuốn sách, những câu chuyện mà cô được gặp, trò chuyện và chứng kiến trong chuyến đi đó.

Cảm nhận của tôi về Uyên Phương cũng khác nhiều so với lần gặp trước. Vẫn là cô gái nhỏ nhắn với nụ cười thường trực trên khuôn mặt nhưng đôi mắt cô ẩn chứa nhiều hơn niềm hy vọng, sự trải nghiệm. Những khủng hoảng mà Tân Hiệp Phát, gia đình cô đã trải qua đã giúp “cô gái tỷ đô” Trần Uyên Phương rắn rỏi hơn, vững vàng hơn, tin tưởng hơn những quyết định của mình, tương lai của Tân Hiệp Phát.

"Chúng tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi về thông tin"

Chào Uyên Phương, chúc mừng em và hai đồng tác giả cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” đã ra mắt thành công tại trụ sở của Tạp chí Forbes. Phương có thể nói đôi chút về nội dung cuốn sách này không?

Cám ơn chị! Nội dung nổi bật nhất cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ” là những câu chuyện, bài học về kinh doanh thực tiễn chia sẻ với các doanh nghiệp khác và các bạn khởi nghiệp. Đó là những bài học kinh nghiệm để các doanh nghiệp tham chiếu và hiểu được làm sao có thể xây dựng doanh nghiệp thành công.

Ngoài ra, cuốn sách còn mang những giá trị của cuộc sống, có những giá trị tạo sự tự tin. Nếu chúng ta làm việc với tinh thần không gì là không thể thì một công ty từ con số không mới có thể trở thành công ty tỷ USD trong tương lai.

Trong cuốn sách đó, Uyên Phương đã đưa Tân Hiệp Phát ra làm ví dụ. Vì sao Uyên Phương quyết định chia sẻ vấn đề của Tân Hiệp Phát ở cuốn sách này và nó được ra mắt ở thị trường có quá nhiều tỷ phú?

Trong suy nghĩ của Phương, Tân Hiệp Phát là một ví dụ rất điển hình cho hình ảnh doanh nghiệp đã “Vượt lên trên người khổng lồ”. Vào thời điểm 2012, Phương có tham gia 1 lớp dành cho các chủ doanh nghiệp có doanh thu khoảng 10 triệu USD trở lên và tồn tại khoảng 10 năm trong ngành. Phương nhận ra rằng, rất nhiều ông chủ doanh nghiệp muốn tìm nơi để học hỏi, trao đổi để làm sao đưa doanh nghiệp của mình có vị thế nhất định trên thị trường và đặc biệt có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp đa quốc gia.

Hơn 100 bạn bè trong lớp lúc bấy giờ chưa từng trải nghiệm và cũng chưa có ai đủ sức cạnh tranh, chiến thắng được những người khổng lồ trong ngành của mình để xây dựng thương hiệu uy tín.

Viết cuốn sách này, Phương đã rất nhiều lần cảm ơn sự rộng lượng của chủ doanh nghiệp, đó là người sáng lập của Tân Hiệp Phát, ông Trần Quí Thanh. Quyết định đồng ý cho xuất bản cuốn sách và chia sẻ bài học giá trị từ Tân Hiệp Phát của ông, đó là sự rộng lượng trong việc chia sẻ kiến thức và những bài học thực tế mà mình đã phải trả giá cho các doanh nghiệp.


Đó là đang đứng vai của người viết sách, còn với vai trò là lãnh đạo và là người chịu trách nhiệm về Tân Hiệp Phát, Uyên Phương nghĩ gì mà quyết định chia sẻ những thông tin này? Uyên Phương sẽ phải làm gì với Tân Hiệp Phát trong thời gian tới?

Thực tế, việc đó cũng không hề dễ dàng gì, nếu đứng trên vai trò là người lãnh đạo và chịu trách nhiệm về Tân Hiệp Phát. Việc đưa doanh nghiệp ra làm ví dụ và viết sách không phải là phổ biến của các tập đoàn đa quốc gia.

Nhưng Phương nghĩ, chúng ta đang trong thời đại của Internet, cách mạng công nghiệp 4.0… việc chia sẻ thông tin cũng là cách để cùng nhau học hỏi, cùng nhau trải nghiệm và chia sẻ.

Phương nghĩ đây là món quà giá trị và cũng là cách để Phương có thể học hỏi và tiếp cận tới những doanh nghiệp khác.

Tân Hiệp Phát đã phải vượt qua nỗi sợ hãi là chia sẻ thông tin, vượt qua sự sợ hãi rằng mọi thông tin của doanh nghiệp được công bố. Và sau rất nhiều thách thức, rào cản, cuối cùng Tân Hiệp Phát cũng đã quyết định cho ra mặt cuốn sách tại thị trường Mỹ. Uyên Phương hy vọng cuốn sách sẽ là phương tiện dễ dàng để mọi người không chỉ hiểu về Tân Hiệp Phát mà còn hiểu hơn về nền kinh tế Việt Nam.

"Chúng tôi luôn hành động để vượt lên người khổng lồ"

Lấy tựa đề cho cuốn sách “Vượt lên người khổng lồ”, trong khi đó thế giới có câu “ Đứng trên vai người khổng lồ”, Uyên Phương có sư liên tưởng nào ở đây không?

Phương luôn tâm niệm: Không có công thức thành công mà chỉ có sự sáng tạo, giống như kiến thức về Marketing 4P. Đây cũng là điều mà Phương đã viết trong cuốn sách này. Nhưng quan trọng hơn, đó là việc sử dụng Marketing 4P như thế nào để tạo hiệu quả thì còn tùy vào năng lực, tổ chức của từng doanh nghiệp.

“Vượt lên người khổng lồ” và “Đứng trên vai người khổng lồ” là hai khái niệm hoàn toàn khác biệt. “Vượt lên người khổng lồ” là thể hiện bằng hành động. Vượt lên có nghĩa là tôi đang phải nỗ lực rất nhiều khi cạnh tranh với ai đó và có lúc hơn, có lúc thiệt chứ không thể nói lúc nào tôi cũng đứng đầu.

Còn “Đứng trên vai người khổng lồ” gần như là vị thế góc nhìn, bởi vì mình đã trở thành người khổng lồ. Nhưng điều này là không thể, luôn có người khác lớn hơn và không ai lớn nhất đâu. Bởi lớn nhất rồi thì sẽ không còn mục tiêu để mình tiến tiếp.

Thực tế, trong cuộc chạy đua không phải lúc nào tôi cũng đi trước, đó là điều phi thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh không chỉ trên “sân nhà” mà cả trên thế giới đang rất khốc liệt, bản thân Tân Hiệp Phát cũng đã phải tự nỗ lực cải tiến để để giữ vững vị trí của mình. Mặc dù liên tiếp khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, nhưng doanh nghiệp vẫn lèo lái để vượt qua và trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là ý nghĩa của tiêu đề “Vượt trên người khổng lồ”, cuốn sách Phương vừa ra mắt vào cuối tháng 8 vừa qua tại trụ sở của Forbes.

Quay lại với câu chuyện Tân Hiệp Phát từ chối khoản đầu tư hơn 2,5 tỷ USD của Coca-Cola cách đây 7 năm được Uyên Phương đề cập trong cuốn “Vượt lên người khổng lồ". Quyết định từ chối thương vụ lớn như vậy có khó khăn với gia đình Phương khi đó?

Được sự tiếp cận của các công ty đa quốc gia là mơ ước của nhiều doanh nghiệp và Tân Hiệp Phát cũng từng mong muốn và hào hứng. Nhưng đến khi có sự mời chào chính thức của đối tác thì Tân Hiệp Phát thấy có một khoảng cách rất xa, đặc biệt là tài chính, tham vọng. Tân Hiệp Phát muốn đưa thương hiệu Việt ra thế giới, nhưng khi Coca Cola đưa ra điều kiện không được ra sản phẩm mới, chỉ quản lý ở các khu vực là Việt Nam, Lào và Campchia thì ba tôi (ông Trần Quí Thanh) thấy không thể thực hiện được.

Giữa 2,5 tỷ USD và đưa thương hiệu Tân Hiệp Phát ra thế giới, sau khi cân nhắc đắn đo giữa việc mong muốn được phục vụ, được tiếp tục thực hiện ước mơ, “sếp” Thanh bàn với gia đình có muốn tiếp tục cuộc chơi mà chúng ta đã đồng thuận với nhau hay không?

“Sếp” Thanh nhận thấy rằng, được phục vụ, được thực hiện ước mơ là cái mang lại giá trị nhiều hơn, tạo ra sân chơi và cho con người cơ hội mang lại điều gì đó ý nghĩa, chúng ta sẽ được thế giới biết đến nhiều hơn và có thể làm cuộc chơi thú vị hơn.

Cuối cùng sếp Thanh quyết định lựa chọn con đường đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường.

Điều này cũng được Phương đề cập trong cuốn sách với nội dung “Lý do tại sao đưa ra quyết định đã không quá khó nữa”


Không đồng ý bắt tay với Coca Cola, gia đình Phương và Tân Hiệp Phát đã vượt qua người khổng lồ như thế nào?

Mục tiêu của Tân Hiệp Phát là phục vụ khách hàng một cách tốt nhất và làm cho doanh nghiệp trở nên tốt hơn để có thể phục vụ được người tiêu dùng.

Để phục vụ người tiêu dùng tốt chỉ có một cách là làm sao phải hiểu họ và cung cấp được sản phẩm cho họ mà các công ty khác không muốn cung cấp, hoặc là vẫn còn thấy đó là những rủi ro mà họ không muốn tham gia vào.

Thực tế, Tân Hiệp Phát tạo riêng sân chơi, tạo ra thị trường mới như thị trường nước đóng chai, trà thanh nhiệt, không phải công nghệ chiết nóng mà là công nghệ chiết lạnh.

Sau khi Tân Hiệp Phát từ chối thương vụ 2,5 tỷ USD, Coca Cola đã tuyên bố bỏ ra 300 triệu USD có thể nói là để đối đầu.

Đến nay, Tân Hiệp Phát đã đi qua rất nhiều những khủng hoảng và đối đầu, cũng đã lớn hơn, cứng cáp hơn và thấy tự tin hơn để bước ra thị trường quốc tế Thị trường quốc tế chắc chắn sẽ khốc liệt và thách thức hơn vì có quá nhiều doanh nghiệp lớn, mạnh cũng như thách thức về bất đồng ngôn ngữ, văn hóa khác.

Nếu bây giờ Coca Cola hay một đối tác khác đưa ra giá cao hơn 10 lần con số 2,5 tỷ USD mà Coca Cola từng đưa ra, liệu gia đình Uyên Phương có suy nghĩ việc bán Tân Hiệp Phát?

Nếu họ quay trở lại đàm phán thì điều kiện 2 bên có thể gặp nhau được, đó là phải đảm bảo được yếu tố quan trọng là sự phát triển của Tân Hiệp Phát. Nếu những điều kiện đưa ra giúp cho hai bên nhìn được mục tiêu xa hơn, như kiểu anh có thể giúp tôi đạt mục tiêu đưa thương hiệu Việt ra thế giới thì đó là cái mà Tân Hiệp Phát sẽ cân nhắc.

Còn quay lại mà trả giá cao hơn 10 lần nhưng vẫn đi kèm những điều kiện khiến Tân Hiệp Phát không thể phát triển thì sẽ rất khó. Nhưng sự thật, con số gấp 10 lần 2,5 tỷ USD quả là rất khủng và họ sẽ phải cân nhắc các điều kiện khác hơn là đưa ra con số cao như vậy để đàm phán.


"Làm để tạo ra giá trị chứ không nghĩ một ngày trở thành tỷ phú"

Tân Hiệp Phát hiện vẫn đang là mô hình công ty gia đình và hiện đang có những vấn đề mà công ty gia đình đang gặp phải hiện nay, điển hình là Trung Nguyên. Uyên Phương nghĩ gì về mô hình doanh nghiệp gia đình, nhất là trong bối cảnh áp lực cạnh tranh rất lớn và vấn đề quản trị doanh nghiệp đang đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết?

Hiện có tới trên 65% số doanh nghiệp trên thế giới là doanh nghiệp gia đình. Ngạc nhiên chưa? Thật sự Phương rất ngạc nhiên khi biết đến con số này. Nhiều doanh nghiệp lớn như thế nhưng họ vẫn không lên sàn chứng 

Con số 65% có ý nghĩa như thế nào? Nghĩa là là mô hình quản trị theo hình thức gia đình họ vẫn đang là mô hình chiếm ưu thế trên thế giới. Tại sao những ông chủ, gia đình đó vẫn duy trì để doanh nghiệp gia đình ngày càng lớn mạnh? Thực tiễn đã cho thấy, các doanh nghiệp giữ được truyền thống của gia đình vẫn tạo ra giá trị tốt hơn đối với doanh nghiệp lên sàn.

Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề khi nói về doanh nghiệp gia đình, đó là sự đan xen giữa yếu tố gia đình và doanh nghiệp. Cho nên yếu tố gia đình cần phải được đào tạo để chính bản thân cá nhân trong gia đình đó hiểu được doanh nghiệp là độc lập với gia đình.

Khát vọng của Tân Hiệp Phát là vươn ra thế giới nên tìm kiếm nguồn lực là khó tránh khỏi. Nếu có đối tác đầu tư, gia đình Uyên Phương có lo ngại họ sẽ lấn át được bản sắc gia đình trong Tân Hiệp Phát hay không?

Ngay từ 2009, Tân Hiệp Phát đã rất cởi mở mời doanh nghiệp đầu tư vào và nếu có được đối tác đồng hành và chung chí hướng thì chúng tôi sẵn sàng mời tham gia. Phương nghĩ rằng, người đứng đầu nếu vượt qua được những “ngưỡng” của mình thì có thể đưa doanh nghiệp lên cao hơn nữa.

Và mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp là phải làm sao để duy trì, phát triển tồn tại và kiếm lợi nhuận. Nếu như ông chủ này không làm được thì người khác sẽ làm và chuyện phá sản cũng hết sức bình thường.

Theo thống kê của Harvard, trong vòng 5 năm đầu tiên chỉ có 5% doanh nghiệp khởi nghiệp tồn tại, tức là trong 100 doanh nghiệp chúng ta gặp thì có tới 95 doanh nghiệp sẽ chết và chỉ có 5 doanh nghiệp sẽ sống tiếp sang năm thứ 6 cho đến năm thứ 10.

Chuyện năng lực không đủ, kinh doanh không tốt thì phá sản là hết sức bình thường. Sợ thì chúng ta sợ mỗi ngày, nhưng đó là thực tế xảy ra.

Có bao giờ Uyên Phương nghĩ rằng, mình phải làm “cái gì đó” của riêng mình hay đặt ra mục tiêu rằng một ngày nào đó trở thành tỷ phú?

Tôi từng muốn làm cái gì đó của riêng mình, quán cà phê cũng được miễn là của tôi. Nhất định phải làm một cái gì đó, nếu không thì cuộc đời mình chưa trọn vẹn chẳng hạn. Nhưng giờ tư duy đó không còn nữa.

Vẫn là quan điểm làm việc, nhưng là làm gì để mang lại giá trị cho công ty, công ty được đánh giá tốt và có lợi nhuận chứ không nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ phải trở thành tỷ phú.

Phương đã tiếp xúc với những tỷ phú ở nước ngoài, thật sự họ là những chuyên gia trong lĩnh vực doanh nghiệp họ làm và duy trì lợi nhuận để đảm bảo sự tồn tại của doanh nghiệp là mục tiêu cơ bản. Do vậy, họ chỉ quan trọng làm gì để công ty có thể khai thác tốt, tạo ra giá trị và lợi nhuận.

Các tỷ phú trên thế giới không đặt ra câu hỏi là “nếu làm thì sẽ được gì?” mà bắt nguồn từ việc “tôi làm một thứ ngay bây giờ để đến ngày nào đó nó sẽ mang lại kết quả cho rất nhiều người và đương nhiên sẽ mang lại giá trị tài chính cho chính họ”.

Xem thêm video: Doanh nhân Uyên Phương chia sẻ cách làm giàu thông qua cuốn sách tự truyện

Trần Giang - Lê Thúy
Theo Dân Việt