Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:16
RSS

Mang bệnh "xã hội xa lánh", hai cụ bà sống côi cút, thèm hơi người trong rừng vắng

Thứ năm, 21/09/2017, 07:03 (GMT+7)

Sau khi Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội, trại phong được di dời đi nơi khác. Cũng kể từ đó, trại phong Đá Bạc bị bỏ hoang, chỉ còn lại 9 bệnh nhân xin được ở lại, chấp nhận cuộc sống không có sự trợ cấp của nhà nước.

Hoang tàn nơi trại phong Đá Bạc

Chỉ cách trung tâm TP. Hà Nội hơn 50km nhưng tôi phải mất đến 3 tiếng đồng hồ mới tìm đến được trại phong Đá Bạc (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội).

trại phong Đá Bạc

Vẻ hoang lạnh, đáng sợ của trại phong Đá Bạc. Ảnh: Tuấn Khang

Giữa cái hoang sơ của núi rừng, trại phong Đá Bạc nằm lẩn khuất phía sau những ngọn đồi heo hút. Đây chính là nơi ăn, chốn ở của 9 cụ già đang mang trong mình căn bệnh vạn người khiếp sợ - bệnh phong.

Trại phong Đá Bạc là một trong 2 trại phong của huyện Sóc Sơn, nơi đây từng là nơi sinh hoạt của hơn 100 người, chủ yếu là những cụ già không có nơi nương tựa hoặc bị con cháu và người đời hắt hủi.

Trại phong Đá Bạc nằm ẩn khuất phía sau những ngọn đồi heo hút

Trại phong Đá Bạc nằm ẩn khuất phía sau những ngọn đồi heo hút. Ảnh: Tuấn Khang

Trại Đá Bạc được xây dựng từ những năm 50 của thế kỷ trước. Trải qua quãng thời gian hơn nửa thế kỷ hoạt động, nhiều hạng mục của trại đã bị xuống cấp trầm trọng.

Sau khi tỉnh Hà Tây cũ được sáp nhập vào TP. Hà Nội, nơi cư trú của các bệnh nhân mắc bệnh phong được di dời đến nơi khác để hoạt động.

Những dấu ấn kỷ niệm còn để lại của các bệnh nhân phong ngày còn sinh sống và điều trị in hằn trên những vách tường

Những dấu ấn kỷ niệm còn để lại của các bệnh nhân phong ngày còn sinh sống và điều trị in hằn trên những vách tường. Ảnh: Tuấn Khang

Cũng kể từ đó, trại phong Đá Bạc bị bỏng hoang, vắng bóng người qua lại. Tuy nhiên, vẫn còn 9 cụ già do đã quá gắn bó với không khí, cuộc sống nơi đây nên đã tình nguyện ở lại, chấp nhận cuộc sống ở nơi hoang vu, heo hút này.

Trại phong Đá Bạc sau nhiều năm bỏ hoang trở nên cổ kính, u tịch, những căn phòng trước đây từng là nơi lưu trú của những bệnh nhân giờ đã hoang tàn, đổ nát.

Một số gian phòng được người dân tận dụng làm nơi nhốt bò

Một số gian phòng được người dân tận dụng làm nơi nhốt bò. Ảnh: Tuấn Khang

Nhiều đồ đạc, dụng cụ sinh hoạt vẫn còn ở trong phòng nhưng đã phần đã mục rỗng, mạng nhện giăng đầy, từng mảng trần nhà rơi xuống nền tạo nên một không gian hỗn độn, hôi hám.

Nhiều phòng trước đây là nơi sinh hoạt, sinh sống của những bệnh nhân mắc căn bệnh phong giờ được một số người dân sinh sống gần đó tận dụng làm nơi nhốt trâu bò hay nơi để nuôi trồng nấm.

Đồ đạc cũ kĩ, rêu phong, tơ nhện giăng đầy

Đồ đạc cũ kĩ, rêu phong, tơ nhện giăng đầy. Ảnh: Tuấn Khang

Phía ngoài, cỏ đã xâm chiếm gần hết lối đi, những mảng tường bao cũng đã bị đập bỏ và được thay bằng những sợi dây thép để ngăn vật nuôi nhốt trong đó không phá ra ngoài.

Ở phía đầu của dãy nhà có một căn phòng vẫn còn sáng đèn điện, những tiếng vật nuôi như chó, gà kêu ồn ã khiến cho không khí bớt đi cái vẻ u tịch bao phủ quanh trại phong.

Một gian phòng được tận dụng trở thành nơi nuôi trồng nấm

Một gian phòng được tận dụng trở thành nơi nuôi trồng nấm. Ănh: Tuấn Khang

Đây là nơi ở, nơi sinh hoạt của cụ Nguyễn Thị Sợi (73 tuổi, người Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Theo lời cụ Sợi, sau khi trại phong được di dời đi nơi khác, có 9 cụ tình nguyện xin được ở lại đây vì nhiều lý do nhưng đa phần đều vì đã quyến luyến, gắn bó với nơi này một thời gian khá lâu.

Về sau, trong quá trình sinh sống tại đây, có 3 cụ đã từ trần, hiện giờ chỉ còn lại 6 cụ. “Nói là còn lại 6 cụ nhưng thực chất chỉ còn có 2 người gồm tôi và cụ Liên sống ở cuối dãy.

Căn hộ của cụ Sợi nằm ở đầu của trại phong Đá Bạc

Căn hộ của cụ Sợi trong trại phong Đá Bạc. Ảnh: Tuấn Khang

Những người khác trước đây cũng sinh sống ở đây nhưng đều đã được con cái đưa về để chăm sóc. Các cụ này thỉnh thoảng vào những dịp cuối tuần vẫn thường lên đây để chơi, bầu bạn”, cụ Sợi tâm sự.

Từ ngày trại phong được di dời đi nơi khác, cuộc sống của những người như cụ Sợi bỗng nhiên trở thành tự cung tự cấp. Cũng may, hoàn cảnh của các cụ được nhiều nhóm thiện nguyện biết đến để ủng hộ.

Nhìn ra phía sân nơi những con gà đang nhặt thóc, cụ Sợi tâm sự: “Gà, chó cũng đều được các nhóm thiện nguyện đến tặng. Cũng chính vì thế mà cuộc sống cũng bớt tẻ nhạt”.

Cám cảnh những mảnh đời buồn

Khi tôi hỏi về cảnh ngộ, cụ Sợi không giấu được xúc động. Theo lời cụ, bệnh phong đến với cụ hoàn toàn tự nhiên. Năm lên 17 tuổi, đột nhiên, người cụ râm ran ngứa. Thế rồi ít lâu sau, cụ biết mình mắc bệnh.

Hay tin cụ bị bệnh phong – thứ bệnh kinh khủng thời bấy giờ, mọi người dần dần xa lánh, hắt hủi. “Thời bấy giờ, bệnh của tôi chẳng khác gì một thứ tà dịch, không có thuốc chữa. Tôi phải ăn bằng bát riêng, đũa riêng và ngồi riêng một mâm”, cụ Sợ cay đắng nhớ lại. 

Cụ Lê Thị Liên tâm sự về cuộc đời mình. Clip: Tuấn Khang

Phát bệnh được ít năm, cụ Sợi được đưa đi lên trại phong Đá Bạc để sinh sống và chữa trị đến bây giờ ngót nghét đã 50 năm. “Trước đây trại đông vui lắm, toàn những người mang bệnh như nhau cả nên cũng dễ cảm thông, trò chuyện.

Thế rồi gần 5 năm trước, người ta thông báo chuyển trại, trong khi các cụ khác đều chuyển đi hoặc có người nhà đón về nuôi thì tôi là người đầu tiên xin ở lại đây.

Cụ Liên là một trong số những người xin được ở lại trại phong Đá Bạc

Cụ Liên là một trong số những người xin được ở lại trại phong Đá Bạc. Ảnh: Tuấn Khang

50 năm gắn bó với nơi này, ra đi sao nỡ. Ngày nhìn từng cụ chuyển đi, lòng dạ tôi như thắt lại, đã có lúc tôi có ý định chuyển đi nhưng không sao làm được. Cuộc sống của tôi sẽ gắn với cái trại này đến khi nhắm mắt xuôi tay”, cụ Sợi chia sẻ.

Giống như cụ Sợi, cụ Lê Thị Liên (81 tuổi, người huyện Gia Lâm, Hà Nội) cũng chọn cách ở lại và gắn bó với cái trại phong này đến lúc cuối đời.

Nét khó nhọc in hằn trên khuôn mặt cụ Liên

Nét khó nhọc in hằn trên khuôn mặt cụ Liên. Ảnh: Tuấn Khang

Năm 1945, nơi cụ ở bị vỡ đê, đói kém, mất mùa. Đến năm 1946, dịch bệnh hoành hành, trong vòng 6 ngày, bố mẹ cụ lần lượt ra đi vì dịch bệnh.

Cụ và người em trai được một người chú họ nhận về nuôi nấng. Đến năm 1947, người em trai cũng đột ngột qua đời, cả gia đình chỉ còn lại một mình bà. Đến năm 14 tuổi cụ mới biết mình bị bệnh phong.

Bữa cơm giản dị với đậu phụ, vừng và canh mướp của cụ Liên

Bữa cơm giản dị với đậu phụ, vừng và canh mướp của cụ Liên. Ảnh: Tuấn Khang

“Lúc đó, chân phồng rộp, không thể bước đi nổi. Lúc bấy giờ bạn bè xa lánh. Năm 19 tuổi, tôi được đưa lên Hà Bắc. Điều trị tại Hà Bắc đến năm 1959, tôi được nhà nước chuyển lên trại phong ở Quỳnh Lập (Nghệ An). Năm 1965, giặc Mỹ bắn phá Quỳnh Lập, nhà nước chuyển tôi về điều trị tại Hà Bắc”, cụ Liên tâm sự.

Trong thời gian sinh sống và điều trị tại Hà Bắc, cụ Liên kết duyên với cụ ông (quê ở Quốc Oai, Hà Tây cũ). Vợ chồng cụ lại một lần nữa được chuyển về trại phong ở Hà Tây.

Chiếc radio là người bạn không thể thiếu được với cụ Liên

Chiếc radio là người bạn không thể thiếu được với cụ Liên. Ảnh: Tuấn Khang

Điều trị tại trại phong Hà Tây cũ được 10 năm thì hai vợ chồng cụ được chuyển về trại phong Đá Bạc để điều trị. Cụ Liên sinh được 1 người con trai, đến năm 7 tuổi, 2 vợ chồng cụ quyết định cho con trai đi làm con nuôi một người dân sinh sống gần đó.

“Ít lâu sau thì ông ấy cũng qua đời, bỏ lại một mình tôi ở đây. Trước khi mất, ông ấy có tâm nguyện được chôn trên ngọn đồi gần trại phong Đá Bạc để  được gần tôi.

Sau khi sáp nhập vào Hà Nội, nhà nước cũng có ý định chuyển tôi về trại phong mới nhưng tôi đã xin ở lại để được thỉnh thoảng lên nhang khói cho ông ấy.

Cụ Liên dành riêng một căn phòng dọn dẹp sạch sẽ để làm nơi thờ cúng và tụng kinh niệm Phật

Cụ Liên dành riêng một căn phòng dọn dẹp sạch sẽ để làm nơi thờ cúng và tụng kinh niệm Phật. Ảnh: Tuấn Khang

Tôi mà đi rồi, một mình ông ấy ở đó hiu quạnh một mình, cả năm cả tháng không được một nén hương. Tôi cũng xác định sẽ ở đây đến cuối đời. Đến khi chết, tôi cũng chỉ mong được nằm cạnh ông ấy”, cụ Liên tâm sự.

Khi được hỏi về việc sinh hoạt, ăn uống hàng ngày của mình, cụ Liên buồn bã chia sẻ: “Tôi giờ già rồi nên có ăn được gì đâu, nấu 1 lần ăn cả ngày, chủ yếu là đậu phụ, muối vừng và canh mướp trồng được.

Thành kính thắp nén nhang thơm trước bàn thờ Phật

Thành kính thắp nén nhang thơm trước bàn thờ Phật. Ảnh: Tuấn Khang

Đồ ăn tôi đều phải nhờ bà Sợi mua hộ chứ chân tay tôi co quắp hết cả rồi nên không thể đi xa được”.

Để xua tan đi sự cô quạnh ở nơi heo hút này, hàng ngày, cụ Liên vẫn thường dành hàng giờ ngồi bên chiếc radio để tụng kinh niệm phật. Tuy nhiên, mỗi khi có người tìm đến, cụ có thể ngồi hàng giờ để tâm sự cho vơi bớt nỗi “thèm người”.

Mỗi ngày, cụ Liên đều dành thời gian ngồi tụng kinh, niệm Phật

Mỗi ngày, cụ Liên đều dành thời gian ngồi tụng kinh, niệm Phật. Ảnh: Tuấn Khang

“Giờ đây, bệnh tật của chúng tôi cũng ko còn bị kỳ thị như trước nữa, thỉnh thoảng vẫn có đoàn từ thiện đến trao quà, động viên tinh thần. Những lúc như vậy vui lắm. Tuy nhiên, khi họ đi rồi, tôi lại cảm thấy buồn và trống trải”, cụ Liên xót xa kể.

Khi khách ra về đến tận ngoài cổng trại phong Đá Bạc, tiếng gõ mõ, tụng kinh mới bắt đầu vang lên đều đều xóa tan sự lạnh lẽo nơi núi đồi heo hút này. 

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN