Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:00
RSS

Ở nơi cháu không dám sang nhà bà vì sợ thối, người dân quanh năm chỉ lo đối phó với... ruồi

Thứ ba, 19/09/2017, 06:07 (GMT+7)

Cháu không dám sang nhà bà vì mùi hôi thối, ngày cũng như đêm đều phải mắc màn…là những hệ lụy mà người dân phải gánh chịu đằng sau hoạt động của nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa.

“Nhà bà thối lắm, cháu không sang đâu!”

Liên quan đến vụ việc nhà máy xử lý rác thải của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (gọi tắt là Công ty Tâm Sinh Nghĩa) đầu độc người dân bằng mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ bãi rác cao như ngọn núi ngay cạnh khu dân cư, chiều ngày 18/9, PV Đời sống Plus tiếp tục nhận được những cầu cứu của người dân sống quanh nhà máy.

Bà Mát chia sẻ với PV những ảnh hưởng do bãi rác khổng ồ của Công ty Tâm Sinh Nghĩa gây nên. Clip: Tuấn Khang

Gia đình bà Dương Thị Mát (54 tuổi, thôn Đinh Nội, xã Bạch Thượng, Duy Tiên, Hà Nam) là 1 trong 7 hộ gia đình ảnh hưởng quả nặng nề nhất do việc xử lý rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa.

Bà Mát bức xúc: “Gia đình tôi ở đây đã được 32 năm, khoảng 4 năm trước nhà máy xử lý rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa được xây dựng và hoạt động ngay đối diện với nhà tôi, chỉ cách nhau có con đường.

Nhà máy xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường

Ống khói của nhà máy xử lý rác thải nhả khói vào giữa trưa ngày 18/9.

Ống khói của nhà máy xử lý rác thải nhả khói vào giữa trưa ngày 18/9. Ảnh: Tuấn Khang

Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, việc xử lý rác thải của nhà máy cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của người dân nhưng thời gian khoảng 2 năm trở lại đây, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ khi rác bị ùn ứ, bốc mùi hôi thối”.

Cũng theo thông tin từ bà Mát, những ngày hè nóng bức, đổi gió, mùi hôi thối thốc thẳng vào nhà bà ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình. Trước kia, gia đình bà rất ít khi có ruồi muỗi nhưng bây giờ tự nhiên xuất hiện rất nhiều, chủ yếu là loại ruồi xanh, to bằng đầu đũa.

Mỗi tháng, gia đình bà Mát tốn đến 2 triệu đồng để mua các loại thuốc đuổi ruồi và khử mùi hôi

Mỗi tháng, gia đình bà Mát tốn đến 2 triệu đồng để mua các loại thuốc đuổi ruồi và khử mùi hôi. Ảnh: Tuấn Khang

Để khắc phục tạm thời mùi hôi thối và ruồi muỗi gia đình bà Mát phải sử dụng biện pháp phun thuốc cách ngày 1 lần với giá thành rất cao và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe

“Riêng việc phun muỗi, gia đình tôi phải nhờ người mua loại thuốc đặc trị với giá 600 ngàn đồng/hộp. Tuy nhiên cũng không ăn thua, cứ đều đặn tối nào cũng phải phun, thuốc này ruồi muỗi không chết mà chỉ bay đi, hết mùi thuốc chúng lại xuất hiện.

Tường nhà cũng được gia đình bà Mát ốp gạch men để ngăn mùi hôi thối

Tường nhà cũng được gia đình bà Mát ốp gạch men để ngăn mùi hôi thối. Ảnh: Tuấn Khang

Còn đối với việc mùi xú uế xộc vào nhà, chúng tôi cũng đều mua nước thơm để xịt át mùi hôi đi chứ không có phương thức gì để khắc phục triệt để được”, bà Mát thông tin.

Bên cạnh phương pháp đối phó với mùi hôi thối bằng nước thơm, gia đình bà Mát phải thuê nhân công lát lại toàn bộ phần mặt trong của ngôi nhà bằng gạch men, lắp toàn bộ cửa khung nhôm và mua thêm quạt trần bật 24/24 để xua mùi hôi thối.

Một loại thuốc đuổi ruồi bà Mát đặt mua với giá hơn 600 ngàn đồng

Một loại thuốc đuổi ruồi bà Mát đặt mua với giá hơn 600 ngàn đồng. Ảnh: Tuấn Khang

Không những thế, 2 chiếc cửa sổ nhìn ra đường để hứng gió vào mùa hè và các lỗ thông gió giờ đây cũng đã được bịt kín. Muôn vàn kiểu chống mùi hôi được vợ chồng bà làm ra nhưng đều không mang lại kết quả.

“Sửa các thứ thế nhưng thối vẫn hoàn thối, những lúc đổi gió là gia đình tôi khổ sở. Hàng tháng, gia đình tôi đều đặn tốn cả 2 triệu tiền mua thuốc về phun ruồi muỗi và xịt phòng”, bà Mát chua chát.

Cửa sổ cũng được bà gia cố thêm một lớp cửa tôn bên trong để ngăn không khí hôi thối bay vào phòng

Cửa sổ cũng được bà gia cố thêm một lớp cửa tôn bên trong để ngăn không khí hôi thối bay vào phòng. Ảnh: Tuấn Khang

Bà Mát cho biết, việc bãi rác bốc mùi hôi thối còn ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự của gia đình bà. “Nói ra thì chú nghe hơi vô lý nhưng quả thật có chuyện đó.

Đám cưới thằng con trai tôi, sau khi đã bày biện mâm bát, cỗ bàn đầy đủ, khách cũng đã ngồi hết cả vào mâm thì trời đổi gió, mùi rác rưởi hôi thối xộc thẳng vào nhà. Khách khứa từ nơi khác đến vừa bịt mũi vừa ăn cỗ, nhiều người lợm giọng còn bỏ bát đũa đứng dậy.

Quạt trần luôn ở chế độ bật 24/24 để xua mùi hôi

Quạt trần luôn ở chế độ bật 24/24. Ảnh: Tuấn Khang

Vì giữ thể diện cho gia đình nên nhiều khách không ý kiến gì, cố gắng ăn hết bữa rồi đứng dậy. Nhưng sau đó về nhà họ bàn ra tán vào, bảo rằng nhà tôi bẩn để mùi hôi ộc từ nhà vệ sinh ra ngoài. Những lúc như vậy chỉ muốn có một chỗ để chui xuống”, bà Mát chua chát.

Khốn khổ hơn nữa là cảnh đứa cháu ngoại không dám đến chơi nhà bà vì “nhà bà thối lắm”. Mỗi lần nhớ cháu, muốn cháu sang chơi nhà, ông bà đều mua đủ thứ để dụ cháu nhưng cháu nhất quyết không sang. Thế nên khi nào nhớ cháu quá, ông bà lại đi xe sang nhà thông gia để gặp cháu.

Ăn, ngủ với…ruồi

Cùng chung bức xúc như gia đình bà Mát, gia đình anh K. tại thôn Đinh Nội, Bạch Thượng (Duy Tiên, Hà Nam) cũng cho thời gian vài năm trở lại đây, gia đình anh khốn khổ vì bãi rác khổng lồ bốc mùi hôi thối, phát sinh ruồi nhặng.

Khi PV tìm đến nơi, người này đang phải chui trong màn để ngủ trưa. Hỏi ra mới biết, chính vì ruồi muỗi quá nhiều nên bắt buộc gia đình phải buông màn 24/24.

Ruồi xanh đậu kín cành cây

Ruồi xanh đậu kín cành cây. Ảnh: Tuấn Khang

“Không có màn không ngủ được. Ruồi xanh bay vo ve, rồi đậu đầy lên mặt, lên người. Mặc dù rất nóng nhưng tôi vẫn phải buông màn”, anh K. thông tin.

Như để minh chứng cho câu nói của mình, anh K. chỉ tay lên nhánh cây đang rủ xuống đậu chi chít những con ruồi xanh. “Giống ruồi này không hiểu sao cứ thấy mùi một tý là nó bâu kín ngay”.

Cũng theo thông tin từ anh K. trước khi ăn cơm, anh đều phải sử dụng thuốc phun để xua đuổi ruồi muỗi. “Nhiều hôm chưa mua được thuốc, không phun được là y như rằng hôm đó phải ăn cơm cùng với ruồi”, anh K. chia sẻ.

Từ ngày nhà máy xử lý chất thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa hoạt động, cuộc sống của gia đình anh K. đã bị đảo lộn

Từ ngày nhà máy xử lý chất thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa hoạt động, cuộc sống của gia đình anh K. đã bị đảo lộn. Ảnh: Tuấn Khang

Việc ruồi muỗi quá nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gia đình anh. “Cháu còn nhỏ, nhiều khi chỉ cần ngồi bô đi vệ sinh ở thềm vài phút thôi là muỗi đã đốt đỏ hết cả chân. Thương con nên vợ chồng tôi đều phải ngồi dùng vợt điện để bắt muỗi”.

Không những bị ảnh hưởng bởi ruồi muỗi, cũng như những hộ dân sinh sống quanh bãi rác khổng lồ của Công ty Tâm Sinh Nghĩa, gia đình anh K. bị ảnh hưởng trực tiếp bởi mùi khó chịu bốc lên từ bãi rác.

Để tránh ruồi muỗi, màn được buông 24/24.

Để tránh ruồi muỗi, màn được buông 24/24. Ảnh: Tuấn Khang

“Hôm nọ bão số 10 về gây mưa mùi còn đỡ, đến hôm nay nắng lên, mùi xú uế lại bốc lên không sao chịu được. Vì sợ ảnh hưởng đến con nên mỗi khi cháu đi học về, vợ chồng tôi lại gửi cháu về nhà ông bà ngoại”, anh K. tâm sự.

Gia đình ông Đoàn Văn Ước (Châu Can, Phú Xuyên, Hà Nội) có diện tích ao hồ rộng lớn để phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, ông Ước lại thấy cá chết nổi trắng mặt ao.

Nước thải của nhà máy xử lý chất thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra ao hồ

Nước thải của nhà máy xử lý chất thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra ao hồ. Ảnh: Tuấn Khang

Kiểm tra, ông phát hiện mương nước mà gia đình ông vẫn dùng để bơm nước vào ao cá bị ô nhiễm nặng bởi thứ nước đen sì chảy ra từ phía khu chế biến rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa.

“Nước đó cứ trời nắng thì không sao chứ khi trời mưa, lượng nước tồn đọng ở các bãi rác được công ty xả trực tiếp ra con mương gần đó. Chúng tôi bơm nước vào ao là y như rằng cá chết nổi trắng ao”, ông Ước cho hay.

Vỉ bẫy ruồi kín mít những con ruồi xanh

Vỉ bẫy ruồi kín mít những con ruồi xanh. Ảnh: Tuấn Khang

“Nhiều khi không xử lý hết, rác ùn ứ, họ lại thuê máy ủi ủi trực tiếp rác sống xuống ao hồ. Chỗ đầm nước gần đó cũng bị họ ủi rác xuống giờ còn chất đầy ở dưới lòng hồ”, vợ ông Ước chia sẻ.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, mùi hôi thối từ bãi rác khổng lồ của nhà máy xử lý rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa còn ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều công ty nằm trong khu Công nghiệp Đồng Văn II.

Công ty Tâm Sinh Nghĩa gây ô nhiễm môi trường

Đơn cầu cứu của Công ty TNHH Shikoku Cable Việt Nam. Ảnh: Tuấn Khang

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Tuấn, Ban quản lý dự án Khu CN Đồng Văn II, cho biết: “Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa không đóng trên địa phận của Khu CN Đồng Văn II nhưng lại nằm giáp ranh với đất của Khu CN.

Thời gian qua đơn vị đã nhận được rất nhiều phản ánh của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong thời gian gần đây, các nhà đầu tư rất bức xúc vì mùi hôi thối, khói bụi của nhà máy rác ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của họ.

Điều này không chỉ gây bức xúc cho các nhà đầu tư mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình sản xuất của các doanh nghiệp tại Khu CN Đồng Văn II”.

 

Thanh tra bãi rác bốc mùi hôi thối của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa

Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đang tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong bảo vệ môi trường của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa trong việc xử lý rác thải tại nhà máy đóng trên địa bàn huyện Duy Tiên, Hà Nam.

Thời gian diễn ra trong 60 ngày, nội dung làm rõ việc chấp hành pháp luật của công ty này trong việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải. Các vấn đề về môi trường liên quan cũng sẽ được đánh giá toàn diện.

Tổng cục Môi trường cũng đang theo dõi việc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kiểm tra việc Công ty Tâm Sinh Nghĩa chôn rác thải tại công trình thanh niên của Ban Quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TPHCM.

Công ty Tâm Sinh Nghĩa là đơn vị chỉ được TPHCM giao rác để đốt, tái chế, làm phân với giá 20 USD/tấn, và không được chôn lấp rác. Tuy nhiên báo chí đã phát hiện hàng đoàn xe chở rác từ trong Công ty Tâm Sinh Nghĩa rồi đem ra ngoài bãi đất chôn lấp.

Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an đã vào cuộc, làm việc với một số đơn vị liên quan và đến hiện trường để thực hiện quy trình điều tra.

 

Tuấn Khang
Theo Đời sống Plus/GĐVN