Theo phản ánh của người dân 2 xã Châu Can (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) và xã Duy Minh (Duy Tiên, Hà Nam), nhiều năm nay, người dân nơi đây phải hứng chịu mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ núi rác thải khổng lồ của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (đóng trên đại bàn xã Duy Minh, Duy Tiên, Hà Nam).
Nước thải chưa được xử lý được đưa thẳng ra bên ngoài. Clip: Tuấn Khang
Mặc dù đã rất nhiều lần người dân tập trung kiến nghị lên chính quyền địa phương để yêu cầu xử lý dứt điểm, trả lại bầu không khí nhưng tình trạng trên vẫn không được giải quyết. Cuộc sống của người dân cũng vì thế mà đảo lộn hoàn toàn.
Ông Đoàn Văn Chung, người dân xã Châu Can bức xúc: “Ảnh hưởng đầu tiên phải kể đến là mùi hôi thối nồng nặc. Mỗi khi có gió đổi chiều là mùi hôi bay vào tận trong nhà. Mặc dù thời gian gần đây, công ty đã cho phun thuốc nhưng mùi hôi thối vẫn còn khiến cuộc sống của chúng tôi rất khổ.
Bãi rác khổng lồ khiến người dân 2 xã Duy Minh và Châu Can khốn khổ bao năm qua. Ảnh: Tuấn Khang
Thứ nữa phải kể đến là việc xảy thải bừa bãi, nhà tôi có nuôi một ao cá, thông thường, tôi sẽ bơm nước từ mương máng vào để thay trực tiếp cho nước ở ao nhưng vài năm trở lại đây, công ty xả thải ra mương máng khiến mỗi khi thay nước được 1 hôm thì cá thường chết rải rác”.
Cùng chung nỗi bức xúc, chị Hằng (xã Duy Minh) nhà ở đối diện với bãi rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa thông tin: “Quá khủng khiếp. Chúng tôi đã phải chịu đựng mùi hôi thối này mấy năm nay rồi nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Công ty xử lý rác thải chỉ cách khu dân cư đúng 1 chiều ngang con đường. Ảnh: Tuấn Khang
Hôm nay trời còn gió lạnh nên ruồi bớt đi chứ như những ngày nắng nóng, ruồi bay vo ve khắp nhà, mà toàn là loại ruồi xanh, to và lớn hơn bình thường rất nhiều”.
Chủ một quán cơm tại xã Duy Minh cũng ngán ngẩm: “Quán cơm chúng tôi mở được mấy năm nay, ngày trước khi chưa có bãi rác, lượng lái xe dừng đỗ để dùng cơm rất đông. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, mùi hôi thối từ bãi rác theo gió bay lại đây khiến khách không muốn dừng tại quán. Việc kinh doanh buôn bán trở nên đình trệ. Để cứu vãn tình hình, chúng tôi cũng đã có nhiều lần kiến nghị nhờ chính quyền trợ giúp nhưng đều không có kết quả. Thối vẫn hoàn thối".
Những ngày nắng nóng, ruồi bay vo ve khắp nhà. Ảnh: Tuấn Khang
Theo tìm hiểu của PV, được biết, không chỉ có người dân 2 xã Châu Can và Duy Minh phải chịu hậu quả nặng nề từ bãi rác khổng lồ của Công ty Tâm Sinh Nghĩa mà một số công ty thuộc khu công nghiệp Đồng Văn II cũng liên tục rơi vào tình trạng phải đóng kín cửa để tránh mùi hôi thối.
Theo quan sát của PV, bãi rác khổng lồ của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa nằm ngay sát với khu dân cư và khu công nghiệp Đồng Văn II.
Nhìn từ bên ngoài, bãi rác thải còn cao hơn cả trụ sở của công ty, bao quanh công ty đều là rác thải bốc mùi khó chịu.
Nước thải đổ trực tiếp ra khiến ao hồ rộng không thể nuôi trồng thủy sản được. Clip: Tuấn Khang
Để hạn chế việc rác thải bay khắp nơi mỗi khi có gió, công ty đã cho căn bạt che chắn, bao phủ tuy nhiên chỉ được một phần. Phần không được che chắn mỗi khi có gió thường bị cuốn sang khu dân cư nằm gần đó cộng thêm mùi hôi thối.
Bãi rác thải của Công ty Tam Sinh Nghĩa 3 mặt đều được bao quanh là ao hồ. Trong đó, con mương ở mặt sau bãi rác và một hồ nước nằm cạnh đó đã chuyển sang màu đen.
Rác thải từ trong ra đến bên ngoài công ty. Ảnh: Tuấn Khang
Quá trình quan sát, PV nhận thấy thỉnh thoảng ở bờ tường bao của công ty lại được khéo léo đục một lỗ nhỏ để nước thải có thể thoát ra bên ngoài.
Phía bên tay trái của bãi rác là một hồ nước rộng nhưng theo người dân sinh sống gần đó, hồ nước này vài năm nay cũng đã được tạm dừng việc nuôi trồng thủy sản do nguồn nước thải chưa được xử lý của công ty chảy ra.
Nước ở nhiều ao hồ giáp với nhà máy xử lý chất thải có màu đen kịt, sủi bọt. Ảnh: Tuấn Khang
Tại thời điểm quan sát, PV tận mắt chứng kiến cảnh nước thải đen ngòm từ bãi rác chảy qua một đường ống nhỏ và chảy thẳng ra con hồ này.
Chỉ còn đầm nước phía bên tay phải của bãi rác thuộc quyền sở hữu của ông Đoàn Văn Ước dùng để chăn nuôi hải sản nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy hiện tượng cá chết bất thường nổi trên mặt ao.
Tường bao được đục khoét thành lỗ nhỏ để cho nước thải chảy xuống ao. Ảnh: Tuấn Khang
Qua tìm hiểu của PV được biết cả tỉnh Hà Nam có 2 nhà máy xử lý rác thải là nhà máy của Công ty Tâm Sinh Nghĩa (xã Duy Minh, Duy Tiên) và nhà máy Ba An (Thanh Thủy, Thanh Liêm).
Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12/2012 với công suất lò đốt 20 tấn/ngày đêm. Đến tháng 6/2016, nhà máy Ba An tạm thời đóng cửa, nên toàn bộ số rác của nhà máy được chuyển sang nhà máy xử lý rác thải Tâm Sinh Nghĩa. Trung bình hiện nay, mỗi ngày nhà máy này phải xử lý khối lượng rác 180 – 200 tấn/ ngày đêm
Dòng nước có màu đen kịt...
Ông Vũ Văn Khâm, Chủ tịch UBND xã Duy Minh xác nhận hiện trạng nhà máy xử lý rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa gây ô nhiễm môi trường là có thật.
“Hiện tại để giảm bớt tác hại của rác thải tới đời sống người dân, phía Công ty Tâm Sinh Nghĩa đã thực hiện việc phun chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi thối bay vào các khu dân cư”, ông Khâm thông tin.
...nước chảy thẳng ra ao mà không cần qua một bước xử lý nào. Ảnh: Tuấn Khang
Để thông tin rõ hơn về vụ việc này, PV đã liên hệ làm việc với Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tâm Sinh Nghĩa nhưng được bảo vệ cho biết hiện quản lý nhà máy đã đi vắng và hẹn khi khác sẽ làm việc.
Đến bao giờ, tình trạng người dân sống chung với mùi hôi thối tại bãi rác thải của Công ty Tâm Sinh Nghĩa mới chấm dứt? Trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong vụ việc này đến đâu?
Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.