Thứ bảy, 18/01/2025 | 06:23
RSS

Chuyên gia tâm lý kêu gọi ngừng chia sẻ clip nam sinh Hà Nội nhảy lầu

Thứ bảy, 02/04/2022, 14:15 (GMT+7)

Từ tối ngày 1/4, đoạn clip ghi lại cảnh nam sinh ở Hà Nội nhảy lầu tự tử được lan truyền trên mạng xã hội gây xôn xao dư luận. Có rất nhiều người đã kêu gọi hãy ngừng chia sẻ clip này vì đây như vết cứa vào những tổn thương của gia đình.

Sự kiện:
Hà Nội

Như báo chí đã đưa tin, rạng sáng 1/4, một nam sinh L.N.N.M. (SN 2006), là học chuyên Sinh tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã trèo qua ban công căn hộ tầng 28 tòa chung cư Văn Phú Victoria (phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) nhảy xuống tự tử. Trước đó, nam sinh có để lại thư tuyệt mệnh chia sẻ về những áp lực của mình.

Sự việc khiến dư luận bàng hoàng, xót xa, đặc biệt là những bậc phụ huynh đang có con trong độ tuổi thay đổi về tâm sinh lý tuổi mới lớn. Trong tối ngày 1/4, đoạn clip ghi lại khoảnh khắc nam sinh nhảy lầu cùng những dòng thư tuyệt mệnh được "bung" ra và mọi người truyền nhau với tốc độ chóng mặt.

Giữa "cơn bão" bình luận liên quan sự việc, có ý kiến cho rằng, nếu hành động chia sẻ clip khoảnh khắc cuối của nam sinh mà giúp thức tỉnh được các bậc làm cha mẹ không nên vì điểm số, thành tích mà tạo áp lực cho con, dẫn đến hậu quả đau lòng, thì cũng nên chia sẻ.

Tuy nhiên quan điểm trên đã vấp phải sự phản đối của nhiều người. Phần lớn cho rằng sự việc xảy ra gia đình và người thân của nạn nhân là người đau khổ nhất, hành động chia sẻ đoạn clip và bức thư tuyệt mệnh giống như “thêm dầu vào lửa”, khiến cho nỗi đau của họ nhân lên gấp nhiều lần. Nhiều người đã phải lên tiếng "van xin" cư dân mạng dừng chia sẻ clip đó.

Ngày 2/4, trao đổi với PV Thanh niên về vụ việc này, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, chúng ta không nên chia sẻ trên mạng xã hội về những thông tin liên quan vụ việc (trong đó có đoạn clip và bức thư tuyệt mệnh) và dư luận cũng không nên chú ý quá nhiều.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, việc chia sẻ sẽ làm những bạn đang có ý định tự tử cảm thấy hành động tự sát sẽ thu hút được rất nhiều sự chú ý, làm cho cha mẹ hối hận, nhận ra mình đã sai. Và nếu mình tự tử thì mình cũng được chú ý như thế, bố mẹ sẽ nhận ra họ đã vô cảm với mình thế nào, họ cũng sẽ hối hận như thế.

Việc bấm nút chia sẻ hay nút đăng clip đã vô tình gây thêm tổn thương tâm lý cho gia đình nạn nhân - những người đang rất hối hận. Ngoài ra, việc vô tâm lan truyền clip có thể dẫn đến những mối nguy khác; những ý tưởng tự sát từ chính phụ huynh đang hối hận và tổn thương nghiêm trọng sau cái chết của con hay không.

Chuyên gia tâm lý kêu gọi ngừng chia sẻ clip nam sinh Hà Nội nhảy lầu

Công an quận Hà Đông đang làm rõ nguyên nhân khiến nam sinh cấp 3 nhảy lầu chung cư Văn Phú Victoria tự tử. Ảnh: Dân trí

Trong khi đó, chia sẻ trên Dân trí, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho rằng đây là một sự việc đau lòng, gây ám ảnh cho tất cả, đặc biệt là những người thân trong gia đình cháu bé. Mọi người nên nhận thấy đây là một lời cảnh tỉnh, một bài học đau lòng chứ không nên tiếp cận sự việc dưới góc độ một vụ việc giật gân, hút view.

Theo luật sư Lực, ứng xử của rất nhiều người hiện nay là tuyên truyền bằng cách đưa hình ảnh, video về vụ việc đau lòng này kèm theo những bình xét, vô hình trung sẽ khiến cho người thân của cháu bé thêm đau lòng, khắc sâu thiệt hại mất mát, thương tổn của gia đình.

Những gì truyền đưa trên mạng xã hội sẽ "lưu vết" mãi mãi, trừ khi không còn kết nối internet nữa. Trong vụ việc này, clip ghi lại toàn bộ diễn tiến của việc nam sinh nhảy lầu, thái độ phản ứng của người cha... được xác định là các bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

Hành động chia sẻ video, lá thư tuyệt mệnh được xác định là: Thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; Tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi vi phạm này được quy định tại khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Đối với những người sử dụng mạng xã hội mà có hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn"; Được xác định là hành vi vi phạm điểm c, khoản 1 điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại