Các bệnh nhân mới được công bố khỏi bệnh tại BV Nhiệt đới Trung ương.
Vừa qua Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 11 bệnh nhân Covid-19 trong đó có 2 người tái dương tính SARS-CoV-2 là BN 74 và BN 137.
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 12 ca tái dương tính Covid-19 sau khi được công bố khỏi bệnh. Riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã điều trị cho 5 bệnh nhân tái dương tính (bệnh nhân 50, 74, 130, 137 và bệnh nhân 188). Sau khi công bố khỏi bệnh các bệnh nhân phải tiếp tục cách ly, theo dõi y tế tại nhà hoặc cơ sở y tế theo quy định.
Theo GS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, dịch Covid-19 là dịch mới nên thế giới cần nhiều thời gian để nghiên cứu thêm về sự biến đổi của virus. Các khuyến cáo bệnh nhân khỏi bệnh dựa vào tình trạng lâm sàng hết sốt 3 ngày, 2 lần xét nghiệm cách nhau 24 giờ âm tính.
Dựa theo kinh nghiệm điều trị bệnh của Trung Quốc và Hàn Quốc, những bệnh nhân được công bố khỏi bệnh sẽ được theo dõi thêm 14 ngày. Và trong quá trình theo dõi bệnh nhân thì xuất hiện một số bệnh nhân tái dương tính.
Tại Việt Nam cũng có những trường hợp tái dương tính sau khi công bố khỏi bệnh. Ở những người tái dương tính không có dấu hiệu lâm sàng nào. Bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh, ăn ngủ bình thường.
GS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam, nguyên Giám đốc bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
GS Nguyễn Văn Kính cho biết bản chất của phương pháp xét nghiệm hiện nay là làm Realtime-PCR: Lấy một đoạn mồi để phát hiện đoạn gen Y của virus. Độ nhạy của RT-PCR rất cao, lên tới 98%. Đây chỉ là xét nghiệm mật mã di truyền của virus, không phải phát hiện toàn virus.
Vì vậy, để khẳng định bệnh nhân có tái dương tính hay không thì phải nuôi cấy virus để xem có tái hoạt động hay không. Với các bệnh nhân tái dương tính ở Việt Nam, khi nuôi cấy mẫu bệnh phẩm thì virus không hoạt động. Như vậy giả thiết đặt ra đây chỉ là các phần mảnh ARN của virus (xác virus) thải loại. Những ca tái dương tính đều không lây nhiễm trong cộng đồng.
"Riêng về y tế công cộng thì chúng ta không e ngại gì với ca bệnh tái dương tính" - GS.TS Nguyễn Văn Kính khẳng định.
Thực tế, các nhà khoa học, quản lý ở Việt Nam đã nghiên cứu, theo dõi dịch tễ ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản Trung Quốc và cả Việt Nam thì không hề có sự lây nhiễm giữa người tái dương tính cho người xung quanh dù có thể bệnh nhân đã về cộng đồng hoặc khu cách ly. Những người mà những ca này tiếp xúc F1 hoàn toàn âm tính.