Đến sáng 5/5, nước ta ghi nhận 271 trường hợp mắc Covid-19, 131 trường hợp trong đó là người nhập cảnh được cách ly ngay, không ảnh hưởng tới cộng đồng. Chúng ta đã có 19 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.
Mới đây, Việt Nam có thêm 3 ca mắc mới, nhưng đều là ca bệnh xâm nhập, người từ nước ngoài về được cách ly ngay khi nhập cảnh.
So với SARS (năm 2003 - cũng là loại bệnh do một chủng của virus corona gây ra) với những ca bệnh diễn biến rất nặng, Covid-19 lại có rất nhiều ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh sốt nhẹ, ho chỉ như cúm. Nó có thể tồn tại trong cộng đồng, lây lan và khó kiểm soát. Sự khó kiểm soát này khiến dịch bệnh có tác động lâu dài.
PGS.TS Trần Đắc Phu
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cấp cao Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng thuộc Bộ Y tế, một trong những điều kiện để công bố hết dịch theo quy định là không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với Covid-19 là 28 ngày, được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế.
Theo ông Phu, trong bối cảnh người nhập cảnh vẫn còn về Việt Nam thời gian tới, nguy cơ trong cộng đồng vẫn còn nên "chưa thể xác định được điều gì". Để công bố hết dịch hay không, Chính phủ còn phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng trên mọi khía cạnh.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên - Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia - cũng cho hay chúng ta không thể chủ quan trong khi số ca mắc mới ghi nhận trên thế giới vẫn còn cao.
Chuyên gia cũng cho biết dịch Covid-19 có thể kéo dài, nhiều nước xác định dịch có thể kéo dài từ 18-24 tháng. Điều quan trọng là bệnh chưa có vaccine, chưa có thuốc đặc trị, do đó, không biết được dịch sẽ kéo dài đến bao giờ. Hiện nay chưa có nước nào, chuyên gia nào "dám" khẳng định Covid-19 sẽ trở thành như cúm mùa hay nặng lên như SARS.
Khi những hiểu biết về SARS-CoV-2 còn ở mức nhất định và các nhà khoa học hàng ngày vẫn tiếp tục tìm hiểu thì theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn cần kiên trì với nguyên tắc chống dịch đã được kiên định ngay từ đầu: Ngăn chặn, phát hiện, cách ly khoanh vùng, dập dịch và điều trị.
Ngày 26/2, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 07/2020/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm.
Cụ thể, bệnh Covid-19 thuộc nhóm A, thời gian ủ bệnh trung bình 14 ngày, thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới là 28 ngày (thời gian được tính từ ngày trường hợp mắc bệnh gần nhất được cách ly tại cơ sở y tế).
Việt Nam được đánh giá là mẫu hình chống dịch, kiểm soát dịch bệnh rất tốt trong khu vực, châu lục và trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia và nhà quản lý xác định nguy cơ dịch ở Việt Nam vẫn còn cao.
Khu cách ly bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hình minh họa.
Thời gian qua, dù đã tiến hành giãn cách xã hội ngăn chặn tối đa để không cho dịch bùng phát lây lan trong cộng đồng nhưng nguy cơ vẫn còn cao do chúng ta không để đảm bảo 100% không còn ca bệnh trong cộng đồng. Lý do được đưa ra là nhiều ca bệnh không hề có biểu hiện triệu chứng, không được phát hiện. Điều này không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước cũng vậy.
"Chúng ta không biết trong cộng đồng ai còn đang mầm bệnh. Có thể còn mầm bệnh thì còn lây lan. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh vẫn còn có thể xảy ra", TS Phu nhấn mạnh.
Tình hình dịch trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, nguy cơ xâm nhập dịch Covid-19 theo đường nhập cảnh, theo ông Phu, là hiện hữu. Thực tế, dù 18 ngày qua chúng ta không có ca mắc mới trong cộng đồng nhưng lại phát hiện 3 ca qua đường nhập cảnh, được cách ly ngay.
Người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh gồm: Đeo khẩu trang; Không tụ tập đông người; Không đi ra ngoài khi không cần thiết đặc biệt là người già, người có bệnh nền; Tránh tiếp xúc gần; Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; Khai báo y tế…