Thứ tư, 24/04/2024 | 13:36
RSS

Chuột rút khi mang thai: Nguyên nhân và cách xử trí khi gặp phải

Thứ năm, 26/11/2020, 10:20 (GMT+7)

Chuột rút là hiện tượng rất thường gặp khi mang thai. Tuy nhiên, trong vài trường hợp hiếm hoi, chuột rút gây ra đau đớn dữ dội do cục máu đông gây tắc nghẽn mạch.

Chuột rút (hay còn gọi là vọp bẻ) là cơn co mạnh và thắt chặt các cơ, gây đau đột ngột và dữ dội ở một bắp thịt, khiến người bị chuột rút không tiếp tục cử động được. Chuột rút thường kéo dài trong khoảng vài giây đến vài phút.

Chuột rút khi mang thai, nguyên nhân và cách xử trí khi gặp phải

Nguyên nhân gây chuột rút khi mang thai

Hiện nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào về nguyên nhân vì sao phụ nữ thường bị chuột rút trong quá trình mang thai. Nguyên nhân thường không rõ ràng. Trong lĩnh vực sản khoa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút khi mang thai bao gồm các nguyên nhân chủ yếu sau:

- Trọng lượng cơ thể của mẹ bầu ngày càng tăng trong thai kỳ, gây áp lực nhiều hơn tới các cơ bắp ở chân.

- Tử cung ngày càng to làm tăng áp lực lên các mạch máu chính đưa máu từ chân lên tim và các dây thần kinh từ tủy sống đến chân các tĩnh mạch cung cấp máu cho tử cung cũng bị chèn ép gây cảm giác nặng nề, khó chịu.

- Mất nước khiến cơ thể bị rối loạn điện giải gây ra tình trạng chuột rút.

- Thiếu canxi, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể càng tăng cao để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Khi lượng canxi không được cung ứng đầy đủ, cơ thể của mẹ bầu sẽ cung cấp canxi để truyền cho bé khiến mẹ bị thiếu canxi.

- Thiếu khoáng. Quá ít kali, canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống có thể góp phần gây ra chuột rút ở chân.

- Việc lạm dụng cơ bắp, mất nước, căng cơ hoặc đơn giản là giữ một vị trí trong một thời gian dài có thể gây ra chuột rút cơ bắp.

Chuột rút khi mang thai, nguyên nhân và cách xử trí khi gặp phải

Cách chữa chuột rút khi mang thai

- Chuột rút bất ngờ khi đang vận động làm đau bắp thịt, buộc cơ thể phải dừng lại ngay do không cử động được. Để khỏi đau nhanh có thể thực hiện các thao tác sau: ngưng vận động, thả lỏng các chi bị chuột rút để thư giãn bắp thịt đang bị co rút, nhẹ nhàng xoa bóp bắp cơ (có thể sử dụng dầu nóng để thoa lên);

- Chuột rút ở cẳng chân: Nhẹ nhàng vươn duỗi cơ theo chiều ngược bằng cách kéo đầu ngón chân và bàn chân lên cao hướng về phía đầu gối;
- Chuột rút bắp chân hoặc đùi: Nhờ một người kéo thẳng chân ra, một tay nâng cao gót chân, tay còn lại ấn đầu gối xuống, thực hiện đồng thời cả 2 tay;

- Chuột rút cơ xương sườn: Hít thở sâu để thư giãn cơ hoành, đồng thời xoa bóp nhẹ các bắp thịt xung quanh lồng ngực;

- Khi bị chuột rút có thể uống nước trà, nước đường nóng, cà phê pha ngọt, nước oresol, nước cam, nước chanh để làm giảm triệu chứng...;

- Sau khi qua cơn đau chuột rút nói chung và chuột rút bắp chân nói riêng, có thể tắm nước nóng để thư giãn các bắp thịt;

Chuột rút khi mang thai, nguyên nhân và cách xử trí khi gặp phải

Cách phòng tránh chuột rút khi mang thai

Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu ở một tư thế

Bà bầu làm việc tại văn phòng tranh thủ thời gian co duỗi bắp chân và vận động hai chân sau mỗi giờ làm việc. Bên cạnh đó, cũng không nên làm việc quá sức, uy trì thói quen vận động nhịp nhàng và điều độ.

Tắm bằng nước ấm

Phụ nữ mang thai nên duy trì thói quen ngâm chân trong nước nóng được pha với ít muối và gừng để tránh bị chuột rút vào ban đêm.

Xoa bóp, massage nhẹ nhàng

Thực hiện các động tác xoa bóp, massage nhẹ nhàng từ vùng đùi đến bắp chân, bàn chân và các ngón chân để làm tăng quá trình lưu thông máu.

Chuột rút khi mang thai, nguyên nhân và cách xử trí khi gặp phải

Tập yoga, đi bộ

Tập thể dục khi mang thai với các bài tập nhẹ như yoga, đi bơi, đi bộ,... giúp lượng máu và quá trình trao đổi chất trong cơ thể mẹ diễn ra thuận lợi hơn.

Bổ sung magie 

Nghiên cứu hạn chế cho thấy việc bổ sung magiê có thể giúp ngăn ngừa chuột rút ở chân khi mang thai. Sản phụ cũng có thể cân nhắc ăn nhiều thực phẩm giàu magiê, chẳng hạn như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây khô, các loại hạt và hạt.

Bổ sung đầy đủ canxi

Một số nghiên cứu cho thấy mức canxi trong máu của bạn giảm khi mang thai có thể góp phần gây ra chuột rút ở chân. Tất cả phụ nữ, bao gồm cả phụ nữ mang thai, nên nhận được 1.000 miligam canxi mỗi ngày. Tham khảo ý kiến của bác sĩ để có thể bổ sung lượng canxi cần thiết cho cơ thể theo từng giai đoạn của thai kỳ. Trong thực đơn hàng ngày, các mẹ bầu cần chú ý bổ sung thực phẩm giàu canxi (thịt,cá, trứng, tôm, cua,...).

Bổ sung nước

Uống nhiều nước mỗi ngày, số lượng tùy thuộc vào những gì bạn ăn, giới tính, mức độ hoạt động, thời tiết sức khỏe tuổi tác và thuốc bạn dùng. Nước giúp cơ bắp của bạn co lại và thư giãn và giữ cho các tế bào cơ ngậm nước và ít bị kích thích. 

Nếu trong thai kỳ, bạn bị chuột rút một cách thường xuyên, hoặc chuột rút gây đau đớn không thể khắc phục được bằng các biện pháp tại nhà thì nên đi khám để được chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN