Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:24
RSS

Bà cụ 79 tuổi ở Bắc Giang nguy kịch do bị mò đốt

Thứ năm, 26/11/2020, 09:43 (GMT+7)

Bà cụ nhập viện trong tình trạng sốt rét kéo dài 5 ngày, viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, nguy cơ tử vong cao do bị con mò đốt.

Ngày 26/11, bác sĩ Trần Quốc Hưng, Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang cho VNExpress biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bệnh nhân nguy kịch do bị mò đốt. Cụ thể, bệnh nhân là cụ bà 79 tuổi, được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Yên Thế trong tình trạng sốt rét kéo dài 5 ngày, diễn biến viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn.

Qua thăm khám, các bác sĩ phát hiện bà bị xung huyết vùng mặt, trên cơ thể có một vết châm nhỏ, nghi do con mò đốt. Theo lời kể của gia đình người bệnh, nhà bệnh nhân làm ruộng, sống trong môi trường có vườn bãi rộng, do đó bác sĩ chỉ định xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi khuẩn gây bệnh sốt mò.

Theo bác sĩ Hưng, bệnh nhân nhập viện ở giai đoạn nặng, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển nặng hơn, nguy cơ tử vong cao. Bệnh nhân được chỉ định lọc máu liên tục, điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu. Sau thời gian lọc máu và điều trị tích cực, tình trạng sốt của bệnh nhân được kiểm soát, sức khỏe cải thiện nhiều, thoát sốc nhiễm khuẩn.

Bà cụ 79 tuổi ở Bắc Giang nguy kịch do bị mò đốt

Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia orientalis gây nên

Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Rickettsia orientalis gây nên. Bệnh không lây truyền từ người sang người nhưng có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. 

Thời gian ủ bệnh kéo dài 6-21 ngày. Bệnh nhân sốt cao liên tục, kèm theo rét run, đau đầu, đau mỏi cơ thể, da xung huyết (phù nhẹ vùng mặt, mu chân). Với biểu hiện đa dạng, bệnh sốt mò dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Bác sĩ Hưng khuyến cáo để tránh ấu trùng mò đốt, khi đi vào nương rẫy, đồi núi, người dân cần mặc quần áo kín, quần áo có tẩm hóa chất chống côn trùng như benzyl benzoate, bôi hóa chất xua côn trùng lên các vùng da hở. Bên cạnh đó, tránh ngồi, nằm, phơi quần áo, đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN