Thứ năm, 25/04/2024 | 21:47
RSS

Chữa ung thư vú bằng 'thỉnh vong' ở chùa Ba Vàng: Bác sĩ bức xúc vì phản khoa học

Thứ sáu, 22/03/2019, 14:27 (GMT+7)

Theo bà Yến chùa Ba Vàng, bị ung thư vú, xương khớp là do kiếp trước, muốn khỏi bệnh phải 'thỉnh vong', giải nghiệp.

Chữa ung thư vú xương khớp bằng 'thỉnh vong' ở chùa Ba Vàng: Bác sĩ bức xúc cảnh báo
Hình ảnh được cho là hoạt động gọi vong được báo chí ghi được tại chùa Ba Vàng (Ảnh: Lao Động)

Những ngày qua, thông tin về cách chữa bệnh nhờ giải nghiệp, tiễn vong hồn được bà Phạm Thị Yến tại chùa Ba Vàng rao giảng đã khiến nhiều người bất ngờ, băn khoăn.

Theo đó, trên các mạng xã hội website cá nhân của đại đức Thích Trúc Thái Minh trụ trì chùa Ba Vàng (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) và bà Phạm Thị Yến, một cư sĩ tại chùa thường truyền bá các thông tin cho rằng có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh tật từ mãn tính đến nan y như ung thư viêm họng, đau lưng, dị ứng... nhờ "thỉnh vong". Chi phí để tiễn vong, trừ tà ma chữa bệnh có thể từ vài triệu đến vài chục, thậm chí vài trăm triệu dưới hình thức công đức.

Cụ thể, theo báo Lao động, một phụ nữ đau xương khớp, do 4 kiếp trước hay giết mèo nên kiếp này bị vong mèo theo báo oán cho đau nhức toàn thân. Muốn khỏi thì phải tu tập ít nhất 49 ngày kèm công đức 3 triệu đồng.

Bị ung thư vú, 42 kiếp trước không chăm sóc em gái, lại làm nhiều việc ác như cướp đất nên kiếp này, vong về oán cho phải bệnh. Muốn khỏi, phải đóng vào chùa 7,1 triệu đồng. 

Chữa ung thư vú xương khớp bằng 'thỉnh vong' ở chùa Ba Vàng: Bác sĩ bức xúc cảnh báo
Bà Phạm Thị Yến đang truyền bá vong báo oán tại chính điện chùa Ba Vàng

Tuy nhiên, khi được hỏi về phương pháp chữa bệnh này, GS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội) vô cùng bất ngờ và khẳng định là phương pháp hoàn toàn phản khoa học. 

"Thỉnh vong không những không chữa được bệnh mà còn có nguy cơ khiến những người mắc bệnh bỏ qua giai đoạn sớm mà nhẽ ra y học, khoa học có thể chữa được. Nhất là với bệnh nhân ung thư, phương pháp này đẩy người bệnh đến giai đoạn muộn màng, tước đi cơ hội may mắn để có thể chữa bệnh. Có thể nói, "thỉnh vong" đòi tiền là lừa gạt, mang tính chất trục lợi trên niềm tin và cơ thể của người bệnh" - GS.TS Bá Đức nêu quan điểm trên báo Lao Động.

GS Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam - nguyên Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cũng bức xúc cảnh báo: “Tuyệt đối người dân không được nghe theo các biện pháp mê tín dị đoan. Họ có thể phải trả giá bằng cả mạng sống của mình”.

Đồng quan điểm nêu trên, các chuyên gia về xương khớp cũng cho rằng đây là cách chữa bệnh phản khoa học, chỉ là cách lợi dụng sự cả tin của người dân bởi đây căn bệnh mạn tính, dai dẳng, đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, tuân theo phác đồ điều trị.

Trả lời Zing.vn sáng 21/3 về việc chữa bệnh bằng phương pháp này, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ y tế), khẳng định: “Chữa bệnh theo các phương pháp mê tín dị đoan là trái pháp luật”.

Cụ thể, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh quy định rõ người sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 320 Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2015. Mức phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng. 

Trong trường hơp phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, bị phạt tù 3-10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền 10-50 triệu đồng.

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN