Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:49
RSS

Chủ quan khi bị cảm cúm thông thường, người đàn ông cụt hết tay chân

Thứ ba, 24/04/2018, 10:46 (GMT+7)

Tưởng chỉ bị cảm cúm thông thường, người đàn ông phải cắt bỏ chân tay và một phần gương mặt để giữ mạng sống vì gặp biến chứng.

Vào năm 2013, chàng trai trẻ Alex Lewis, 32 tuổi người Mỹ gặp phải một cơn cúm tai quái; thế nhưng vì nghĩ đây chỉ là một cơn bệnh bình thường nên anh cho rằng mình sẽ ổn cả thôi. Và cay đắng thay cho chàng trai trẻ tuổi, chỉ 2 tuần sau đó anh đã phải nằm trong viện với tình trạng nguy kịch, dẫn tới việc bị cắt mất tứ chi và cả một phần gương mặt.

 Khi được hỏi về những ngày nằm viện dài đằng đẵng trong năm 2013 - 2014, Alexx Lewis nói rằng anh vẫn không thể tin rằng căn bệnh "cảm cúm" của mình lại tai quái tới mức ấy. Ngay cả vợ anh cũng không nghĩ rằng căn bệnh đó đã hoàn toàn hủy hoại cuộc đời chồng mình.

"Khoảng thời gian anh ấy mắc bệnh là tháng 11, là mùa cúm ở Anh. Anh ấy vẫn ăn uống bình thường, vẫn đi làm và sinh hoạt bình thường. Đó về cơ bản chỉ là bệnh cúm người." - vợ của Alex Lewis nói.

bị cảm cúm thông thường, người đàn ông cụt hết tay chân
Alex Lewis chịu nhiều hậu quả đau đớn sau khi mắc bệnh cúm. Ảnh: Daily Echo

Tuy nhiên, đó không phải là một cơn cảm cúm thông thường. Alex sau đó đã được chẩn đoán nhiễm trùng liên cầu gây ra nhiễm trùng máu và suy giảm chức năng nhiều cơ quan, đồng thời đẩy anh vào tình trạng thập tử nhất sinh. Chỉ 10 ngày sau khi bắt đầu có cơn cúm, Alex bỗng thấy mình nằm trong bệnh viện với tứ chi và một phần gương mặt đã bị cắt bỏ.

Hay như trường hợp của anh Brian Herndon (Mỹ) phải cắt cả hai bàn chân cùng chín ngón tay cũng do biến chứng của cúm. 

Theo Star Telegram, ngày 4/1, Brian sốt cao và được chẩn đoán viêm phổi. Chỉ 24 giờ sau, bác sĩ thông báo với gia đình bệnh nhân rằng viêm phổi còn đi kèm cúm và người đàn ông 51 tuổi đã rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn. 

Do hội chứng đông máu rải rác nội mạch, cơ thể Brian xuất hiện các cục máu đông khiến lưu thông máu bị cản trở. Vài tuần trôi qua, không thể làm gì khác, đội ngũ y tế phải cắt bỏ hai bàn chân cùng chín ngón tay của bệnh nhân.

"Cúm thực sự rất nguy hiểm", vợ Brain là Jaye cảnh báo. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ước tính trong mùa cúm năm nay, nước này có khoảng 710.000 ca bệnh và 56.000 trường hợp tử vong. 

Hiện Brian vẫn nằm tại phòng chăm sóc đặc biệt và sẽ được gắn tay giả. "Anh ấy là người có đức tin. Tất cả chúng tôi đều tin rằng Chúa sẽ giúp Brian vượt qua và mang tới những điều tốt đẹp", Jaye tâm sự. 

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan nhanh theo đường hô hấp. Một ngày trước khi có triệu chứng cho đến bảy hôm sau đó, bệnh nhân có thể lây cho hàng trăm người khác khi ho, hắt hơi.

Đa số các ca nhiễm cúm ở thể nhẹ, tự khỏi mà không cần điều trị, song vẫn có một số biến thể nguy hiểm. Đại dịch cúm Tây Ban Nha (H1N1) từng cướp đi sinh mạng 40 triệu người trong hai năm 1918-1920, tức 5% dân số thế giới Cúm châu Á (H2N2) năm 1957, cúm HongKong (H3N2) năm 1968... cũng khiến hàng triệu người chết, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho nhiều quốc gia mỗi khi chúng càn quét qua.

Các chủng cúm thông thường cũng gây nguy hiểm nếu cư trú trên cơ địa người mắc bệnh mạn tính (tiểu đường, tim mạch, hen, các bệnh suy giảm miễn dịch) hoặc cấp tính. Người già, trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ suy dinh dưỡng… thường bệnh nặng và lâu khỏi hơn. Họ có nguy cơ cao gặp biến chứng viêm phổi, xoang, thanh - khí - phế quản, tai giữa, thậm chí tử vong.

Biến chứng hô hấp khác hiếm gặp hơn nhưng nghiêm trọng là tràn dịch màng phổi, viêm mủ màng phổi. Trẻ em dùng nhóm thuốc salicylat (ví dụ aspirin) để điều trị cúm có thể mắc hội chứng Reye với biểu hiện buồn nôn, nôn, lơ mơ, mê sảng, co giật, hôn mê.


Xem thêm: Người Sài Gòn thận trọng hơn khi uống cà phê sau vụ cà phê pin

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN