Theo trang Hồng Tinh Tân Văn của Trung Quốc thông tin một nạn nhân thứ 9 trong vụ ngộ độc thực phẩm ở thành phố Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc được xác nhận đã qua đời hôm nay 19/10 sau khi chữa trị tại bệnh viện. Trước đó, 8 người trong cùng gia đình với người này đã tử vong sau khi ăn mì tự làm từ bột bắp.
Cụ thể, sáng 5/10, Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin một gia đình có tổng cộng 12 thành viên cùng nhau ăn sáng bằng mì bắp tại nhà ở TP Kê Tây, tỉnh Hắc Long Giang, trong đó 9 người lớn tuổi đều ăn mì, còn 3 trẻ nhỏ không ăn vì không thích mùi vị.
Sau khi ăn đến tầm 10 giờ cùng ngày, 9 người bắt đầu đau bụng và có các triệu chứng khó chịu khác, phải đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, 7 người được xác nhận đã tử vong hôm 10/10, một người qua đời vào ngày 12/10. Đến ngày 19/10, người thứ 9 (một phụ nữ họ Lý 47 tuổi) cũng đã tử vong tại bệnh viện sau 2 tuần chống chọi.
Bà Lý, 47 tuổi, đã được điều trị nhưng không thể qua khỏi. Ảnh: Nguồn Hồng Tinh Tân Văn
Trong một cuộc phỏng vấn, Trương Nam (con trai 25 tuổi của người phụ nữ họ Lý) nói rằng món mì là do mẹ anh nấu, vì tủ lạnh không thể chứa đủ nên món mì được lấy ra khỏi tủ lạnh và đặt ở ngoài trong vài ngày trước khi xảy ra vụ ngộ độc.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra cho thấy nguyên liệu nấu món ăn này đã để đông lạnh trong tủ lạnh 1 năm, người ta nghi ngờ chính nguyên liệu đó đã gây ngộ độc thực phẩm cho cả gia đình.
Cùng với đó, sau khi bộ phận công nghệ hình sự thuộc cơ quan công an địa phương kiểm tra chiết xuất tại chỗ, không phát hiện có xyanua, organophosphorus (thuốc trừ sâu), carbofuran (thuốc trừ sâu). Đồng thời, tại phòng thí nghiệm, chất aflatoxin phát hiện trong món suantangzi vượt ngưỡng nghiêm trọng.
Đến ngày 12/10, chính quyền địa phương xác nhận nguyên nhân tử vong là do độc tố axit bongkrekic có trong mì và loại trừ nguyên nhân bị đầu độc. Được biết, nồng độ cao của độc tố axit bongkrekic được sản sinh bởi vi khuẩn Pseudomonas cocovenenans, phát hiện trong mì bắp và cả trong dịch dạ dày của các nạn nhân.
Mì bắp đã được trữ đông trong tủ lạnh của gia đình gần 1 năm. Ngoài ra, Phó giáo sư Phạm Chí Hoành của Trường ĐH Nông nghiệp Trung Quốc cho biết axit bongkrekic cực kỳ độc và không thể loại bỏ được ngay cả khi đã nấu chín kỹ.