Theo thống kể của Hội phòng chống ung thư Việt Nam hiện tỷ lệ mắc ung thư đang không ngừng gia tăng ở phần lớn các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ước tính mỗi năm, toàn cầu có hơn 14 triệu người mắc mới ung thư và 8,2 triệu người chết vì căn bệnh này.
Theo số liệu năm 2010 thì tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam thuộc tốp 2 trong bản đồ ung thư thế giới, tức là đứng thứ 78 trong 172 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, mỗi năm, nước ta phát hiện mới khoảng 160.000 người mắc bệnh ung thư và khoảng 115.000 người tử vong vì căn bệnh này.
Tỷ lệ chết vì ung thư ở Việt Nam là 110 ca/100.000 người. Các tỉnh thành phố có số người mắc ung thư nhiều nhất là Hà Nội thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ.
Chỉ có 33% nam và 40% bệnh nhân nữ mắc ung thư ở Việt Nam được chữa khỏi
PGS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K Trung ương cho biết, có tới 70% bệnh nhân được phát hiện ung thư khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, điều này gây khó khăn rất lớn trong quá trình điều trị.
“Trong khi tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở các nước phát triển trên thế giới là 80%; còn tại Việt Nam tỷ lệ chữa khỏi ung thư ở nam giới chỉ là 33% và nữ giới là 40%...”, PGS Thuấn nói.
Theo các chuyên gia đầu ngành về ung thư, việc phát hiện ung thư ở giai đoạn muộn cũng làm cho người bệnh phải gánh chịu hệ lụy tài chính nặng nề từ việc điều trị.
Các nghiên cứu cho thấy, khoảng 1/3 người bệnh ung thư ở nước ta không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh, 22% không thể thanh toán chi phí đi lại, 24,37% gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, phải vay mượn, thậm chí gần 9% gia đình phải bán đất đai, chuyển nhà.
Trung bình một bệnh nhân ung thư phải bỏ tiền túi ra gần 85 triệu đồng để điều trị. Chỉ tính riêng chi phí chữa 6 loại bệnh ung thư vú, cổ tử cung, gan, đại tràng, khoang miệng và dạ dày đã lên đến gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP cả nước. Đây là số liệu từ năm 2010, còn trên thực tế những con số vừa nêu đã tăng sau hơn 5 năm thống kê.