Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:49
RSS

Khi bị ốm, bạn nên ăn hay nhịn?

Thứ hai, 31/10/2016, 14:28 (GMT+7)

Khi bị ốm, cơ thể con người trở nên mệt mỏi, sinh ra cảm giác chán ăn. Mặc dù vậy, chúng ta lại thường cố gắng ăn nhiều hơn với hi vọng mau lành bênh. Vậy trên thực tế điều này có đúng? Khi ốm nên ăn gì và ăn như thế nào để bệnh nhanh khỏi?

Không phải tự nhiên mà cơ thể chán ăn khi bị ốm

Mới đây, một nhóm nghiên cứu của Đại học Yale do Ruslan Medzhitov - nhà miễn dịch sinh học dẫn đầu đã công bố kết quả của việc tìm hiểu tác động của chế độ nhịn ăn lên hệ thống miễn dịch và quá trình trị bệnh của cơ thể. Theo đó, ông đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm trên các con chuột bị nhiễm bệnh do virus và vi khuẩn.

Kết luận được đưa ra là “Khi động vật mắc bệnh, chúng ngừng ăn và chuyển sang một chế độ chuyển hóa trong trạng thái đói”. Như vậy, chúng ta có thể thấy được lý do vì sao mà cơ thể thường chán ăn khi bị bệnh. Đơn giản là vì cơ thể là bộ máy sinh học kì diệu nên nó sẽ tự thích nghi trong những hoàn cảnh khác nhau để duy trì sự sống.

Thức ăn tác động như thể nào tới bệnh nhiễm virus và vi khuẩn?

Một vấn đề nữa trong nghiên cứu trên mà Medzhitov cũng đặt ra là “liệu sự trao đổi chất xảy ra trong thời gian chúng nhịn đói có tác dụng bảo vệ hoặc gây hại tới cơ thể?”. Để giải đáp được điều này, họ đã cho những con chuột bị ốm ăn trở lại. Kết quả thu được rất bất ngờ khi những con chuột bị bệnh do nhiễm virus thì sống sót còn những con chuột nhiễm vi khuẩn thì lại nhanh chóng chết đi.

Khi ốm nên ăn gì

Khi bị ốm nên ăn gì để nhanh lành bệnh?

Trong khi đó, thực đơn dành cho các con chuột là như nhau, đều chứa đầy đủ các thành phần: chất đạm (protein), chất đường (glucose), chất béo (lipit). Từ đây, các nhà nghiên cứu tiếp tục phát hiện ra, chính chất đường là nguyên nhân dẫn đến kết quả đối lập giữa hai nhóm chuột trên.

Để xác định được vai trò của chất đường, các nhà khoa học đã lặp lại thí nghiệm với một số thay đổi. Họ cho hai nhóm chuột ăn thực đơn trên và kết hợp thêm một vài hóa chất để ngăn chăn sự chuyển hóa của chất đường. Ngay lập tức, kết quả bị đảo ngược: Những con chuột nhiễm vi khuẩn sống sót còn những con chuột nhiễm virus thì bị chết.

Sở dĩ như vậy là do tác động của dinh dưỡng tới các bệnh nhiễm khuẩn và nhiễm virus là khác biệt trong phản ứng miễn dịch của cơ thể. Bởi, hai loại bệnh này gây ra những loại viêm khác nhau với các tổn thương trên mô. Nên dù cùng một chế độ dinh dưỡng, có thể giúp cơ thể chống lại bệnh này nhưng cũng có khả năng cản trở quá trình chịu đựng viêm nhiễm của cơ thể đối với bệnh kia.

Kết quả nghiên cứu này được coi là rất có ý nghĩa đối với việc chăm sóc bệnh nhân. Theo đó, nếu bị nhiễm virus, một chế độ ăn cung cấp đủ chất đường sẽ rất tốt cho người bệnh. Và ngược lại, khi bị nhiễm khuẩn, việc nhịn ăn sẽ khiến cơ thể sản sinh ra xeton -  một dạng nhiên liệu giúp động vật chịu đựng được bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn.

Khi ốm nên ăn gì và ăn như thế nào?

Tùy trong từng trường hợp mắc bệnh mà bạn nên ăn hay nhịn.

Bệnh nào nên nhịn và bệnh nào nên ăn?

Điều quan trọng là bạn cần vận dụng kết quả nghiên cứu trên vào thực tế. Theo đó, nhóm đã chỉ ra một câu thành ngữ của phương tây: “Sốt thì bỏ đói, cảm lạnh thì cho ăn “ (“Starve a fever, feed a cold”) được áp dụng đúng theo nghiên cứu này.

Trong khi đó, ở Việt Nam thì lại tồn tại quan điểm khác. Khi người bệnh ốm, chúng ta thường đến thăm với cân đường, hộp sữa để họ ăn nhiều cho mau khỏe. Cách làm này không hề đúng khoa học, nhất là trong trường hợp người đó mắc bệnh nhiễm khuẩn.

Chính vì vậy, chúng ta cần biết cách vận dụng kết quả nghiên cứu trên, cụ thể như sau: Nếu người bệnh bị cảm cúm, bạn nên nấu cháo hành cho họ ăn. Còn trong các trường hợp người bệnh bị sốt (triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn) thì không nên ép họ ăn và khẩu phần ăn dành cho họ nên giảm chất bột đường (cơm, cháo, phở), tăng cường chất đạm, chất béo (thịt, cá, trứng,...).

 

Hoàng Thúy (T/h)
Theo Đời sống Plus