Thứ năm, 21/11/2024 | 22:10
RSS

CĐV đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy: Pháo sáng nguy hiểm thế nào?

Thứ năm, 12/09/2019, 13:46 (GMT+7)

Pháo sáng có thể cháy tới nhiệt độ 1600 độ C, có loại lên đến 3000 độ C. Khói từ pháo sáng cũng rất nguy hiểm khi hít phải. Tuy nhiên rất nhiều người không lường hết được sự nguy hiểm của loại pháo này.

Theo các chuyên gia khoa Hóa - ĐH Bách Khoa Hà Nội pháo sáng chủ yếu có các chất tạo nhiệt như phốt pho, lưu huỳnh,…Khi cháy, chúng có thể gây ra hỏa hoạn bỏng và đặc biệt là nguy cơ bỏng nhiệt. 

Pháo sáng rất khó dập tắt vì được thiết kế để thích ứng với môi trường nước. Không những thế, loại pháo này có thể cháy tới nhiệt độ 1600 độ C (nhiệt độ nóng chảy của thép), có loại lên đến 3000 độ C. 

CĐV đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy: Pháo sáng nguy hại thế nào với sức khỏe?
Hình ảnh CĐV đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy vào tối qua 11/9

Bỏng nhiệt do pháo sáng có thể làm rối loạn chức năng vùng bị tổn thương, để lại sẹo trên da, nghiêm trọng hơn là gây tử vong hoặc tàn phế suốt đời. 

Pháo sáng trúng vào mắt có thể gây mù rất cao. Chưa dừng lại ở đó, khói được tạo ra từ pháo sáng cũng rất nguy hiểm và không nên hít vào, với những người bị hen suyễn, khói từ pháo sáng sẽ khiến họ trở nên khó thở nhanh chóng.

Trong nhiều giải đấu lớn trong đó có V.League không hiếm trường hợp các cổ động viên đốt pháo sáng trên khán đài. Những người này coi pháo sáng như một hình thức cổ vũ mà không lường trước được sự nguy hiểm của loại vật liệu này.

Mới tối qua 11/9, khi trận đấu giữa Hà Nội FC và Nam Định đang diễn ra trên sân Hàng Đẫy, một quả pháo sáng bất ngờ được bắn sang từ khán đài của nhóm CĐV Nam Định khiến một cổ động viên (CĐV) nữ của CLB Hà Nội ở khán đài A bị trọng thương.

Nạn nhân được xác định là chị T.H.A. (34 tuổi) phóng viên của báo Nhi Đồng. Chị A nhập viện vào BV Xanh Pôn với tổn thương mặt ngoài đùi trái kích thước 15 x 30 cm. 

CĐV đốt pháo sáng trên sân Hàng Đẫy: Pháo sáng nguy hại thế nào với sức khỏe?
Một nữ CĐV bị thương nặng sau hành vi đốt pháo sáng trái quy định.

Chị nhanh chóng được các bác sĩ cấp cứu ngoại tiến hành hồi sức và mổ cấp cứu, được cắt bỏ tổ chức dập nát và cầm máu... Đến khoảng 2 giờ sáng, ngày 12/9, bệnh nhân được chuyển lên khoa Bỏng điều trị tiếp.

"Hiện tình trạng bệnh nhân ổn định, chấn thương phần mềm, không có tổn thương xương, không có tổn thương mạch máu". Ths. Nguyễn Nam Giang, trưởng khoa Bỏng chia sẻ.

Bác sĩ Giang cho rằng, vết thương của bệnh nhân không phải do bỏng, mà do công phá từ sức nổ của pháo. “Với vết thương do hỏa khí việc điều trị rất khó khăn, nếu bệnh nhân đề kháng kém thì việc điều trị sẽ rất lâu dài. Với bệnh nhân H.A. dự kiến quá trình điều trị mất khoảng 15 ngày. Thời gian tới bệnh nhân tiếp tục được ghép da mỏng tự thân, đồng thời điều trị theo phác đồ”.

Đối với những trường hợp không may bị tổn thương như bệnh nhân H.A., ngay khi xảy ra sự việc cần phải cẩm máu cho bệnh nhân, nếu có tổn thương xương thì phải sơ cứu cố định bằng nẹp cứng sau đó chuyển vào viện.

"Mặc dù hành vi đốt pháo nổ, pháo cháy đã bị nhà nước cấm và được tuyên truyền rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn có những người không có ý thức sử dụng các loại pháo có sức công phá mạnh ở nơi đông người như sân vận động là không thể chấp nhận được. Tình trạng này cần phải chấm dứt ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho cộng đồng.", chuyên gia cấp cứu BV Xanh Pôn khuyến cáo.

Lê Minh
Theo Đời sống Plus/GĐVN