Thứ hai, 25/11/2024 | 05:00
RSS

Cắt cả chân giường để đưa bé 3 tuổi đến bệnh viện cấp cứu

Thứ ba, 15/09/2020, 16:17 (GMT+7)

Bé N. đút tay vào chân giường sắt để chơi nhưng không rút ra được và la hét thất thanh. Người nhà cắt luôn chân giường đem bé đến bệnh viện cấp cứu.

Sự kiện:
Tai nạn

Giải cứu cánh tay trái của bé gái bị kẹt trong chân giường sắt

Cánh tay trái bị mắc kẹt trong chân giường sắt. Ảnh: Tiền Phong

Chiều ngày 15/9, ThS.BS Huỳnh Cao Nhân - Trưởng khoa Ngoại niệu, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho PN Online biết, bệnh viện này vừa giải cứu thành công cánh tay trái bị mắc kẹt trong chân giường sắt ra cho bé P.H.M.N. (3 tuổi, nhà ở Tân Nhựt, huyện Bình Chánh). 

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhi, do giường bằng sắt thấp nên khi đang ngồi trên giường, bé N. đút tay từ trên xuống rồi không rút ra được và la hét thất thanh. Người nhà nhanh trí cắt luôn chân giường rồi đem bé đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cấp cứu. 

Ngay sau khi nhập viện, bệnh nhi được đưa lên phòng mổ. Sau khi tiến hành gây mê, bôi trơn chân giường sắt, bác sĩ dùng thủ thuật rút tay bé ra nhẹ nhàng. Hiện sức khỏe và tâm lý bệnh nhi đã ổn định.

Giải cứu cánh tay trái của bé gái bị kẹt trong chân giường sắt

Cánh tay của bé gái được rút ra khỏi chân giường sắt. Ảnh: Tiền Phong

Trao đổi với Tiền Phong, BS Nhân cho hay, thường cha mẹ sẽ chỉ nhận ra sự cố khi nghe bé khóc thét lên. Trong trường hợp trẻ bị kẹt tay, trước khi đưa con đi khám bác sĩ, phụ huynh có thể thực hiện một số động tác sơ cứu đơn giản mà hiệu quả như nâng cao vùng bị tổn thương để giảm đau và phù nề, chườm đá...

Cụ thể, ngay sau khi phát hiện bé bị dập, kẹt tay chân, hãy đặt bé ngồi ở tư thế thuận tiện, trên ghế hay ngồi lòng người lớn. Dùng chăn hoặc gối kê cao bàn tay hoặc bàn chân bị thương của bé. Đây là việc quan trọng nhất cần làm trong vòng 48h đầu. Những giờ sau đó, thường xuyên cho bé ngồi hoặc nằm ở tư thế bàn tay, bàn chân bị thương cao hơn tầm trái tim.

Các bạc phụ khuynh cũng có thể dùng túi nylon đựng đá lạnh (hoặc một túi rau quả đông lạnh sạch có sẵn trong ngăn đá) chườm lên vùng tổn thương. Bọc túi đá lạnh trong một chiếc khăn bông mỏng. Giữ túi chườm trên vùng tổn thương trong vòng 20 phút. Thực hiện điều này đều đặn mỗi 1-2 giờ trong vòng 24 giờ đầu, sau đó làm 3-4 lần trong ngày thứ hai.

Ngoài ra, việc dập kẹt tứ chi khiến trẻ sẽ khiến trẻ rất đau đớn, do khu vực này tập trung rất nhiều đầu mút dây thần kinh và các cơ quan cảm thụ. Do đó, người lớn nên cho bé uống thuốc giảm đau theo đúng chỉ dẫn. 

Thuốc không những giúp bé bớt đau mà còn làm giảm tình trạng viêm. Trên đường đưa trẻ đến bệnh viện, cha mẹ cho bé nghe nhạc hoặc xem bộ phim hoạt hình yêu thích giúp con cảm thấy dễ chịu hơn. Với những trẻ đã lớn, cha mẹ khuyên trẻ tập trung ý nghĩ, hít thở sâu và đều sẽ tốt hơn cho vết thương.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN