Thứ sáu, 26/04/2024 | 23:01
RSS

Cảnh báo tình trạng ngộ độc, hôn mê do hút thuốc lá điện tử

Thứ tư, 17/08/2022, 11:56 (GMT+7)

Thời gian vừa qua, các bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp ngộ độc, hôn mê sâu sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Theo Báo VTV News, sáng 17/8, thông tin từ Bệnh viện 199 (Bộ Công an) cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa tiếp nhận cấp cứu nam thanh niên (18 tuổi) bị ngộ độc thuốc lá điện tử.

Người nhà bệnh nhân cho hay, sau khi hút thuốc lá điện tử, bệnh nhân bị hoa mắt chóng mặt, hồi hộp, tay chân run sau đó hôn mê nên gia đình đã nhanh chóng đưa vào Bệnh viện 199 để cấp cứu.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc khi hút thuốc lá điện tử bơm tinh dầu nhưng không rõ tinh dầu và chất được bơm bên trong là gì. Bệnh nhân được điều trị theo phác đồ ngộ độc. Sau 1 ngày điều trị, hiện tại bệnh nhân đã ổn định sức khỏe

Cảnh báo tình trạng ngộ độc, hôn mê do hút thuốc lá điện tử

Ảnh minh hoạ

Như báo chí đã đưa tin, trước đó cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc, hôn mê do sử dụng thuốc lá điện tử. Mới đây nhất là trường hợp cô gái trẻ cô gái 20 tuổi (Hà Nội), được đưa vào Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) vào rạng sáng ngày 26/7 trong tình trạng rất nặng nề: hôn mê sâu, phù não, suy đa tạng.

Trao đổi với Báo Sức khoẻ & Đời sống, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, khi vào Trung tâm bệnh nhân đã trong tình trạng hôn mê sâu, huyết áp xuống thấp, tổn thương đa cơ quan rất nặng (suy tim, suy thận, thiếu máu tất cả các vị trí vùng đồi trên, thấp của não, phù não nặng nề)…

Khai thác qua người nhà được biết, bệnh nhân chưa hút thuốc bao giờ. Ngày 25/7, bệnh nhân có đi chơi với bạn và hút thuốc lá điện tử. Sau khi hút thì từ khoảng 18h đến 22h ngày 25/7, bệnh nhân bất tỉnh. Bạn bè đưa bệnh nhân vào bệnh viện tuyến cơ sở nhưng do bệnh nhân hôn mê sâu, tụt huyết áp nên 1h sáng ngày 27/7, bệnh nhân được bệnh viện chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Gia đình đã mang mẫu lọ dung dịch thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút đến để các bác sĩ của Trung tâm Chống độc xác định độc chất. Kết quả xét nghiệm mẫu từ Viện Pháp y Quốc gia tìm thấy chất cần sa tổng hợp ADB-BUTINACA trong lọ dung dịch. Vì vậy, có thể xác định, bệnh nhân bị ngộ độc do chất cần sa tổng hợp có trong thuốc lá điện tử. Đây là loại ma túy thế hệ mới, là chất độc.

Theo TS. Nguyễn Trung Nguyên, trước bệnh nhân này, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc khác sau khi sử dụng thuốc lá điện tử như kích thích tăng cường ảo giác, tăng huyết áp, tụt huyết áp, yếu cơ, suy tim, suy thận, suy gan…

Từ thực tế điều trị các bệnh nhân ngộ độc sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định, các loại thuốc lá điện tử hiện nay chứa rất nhiều hợp chất phức tạp và độc hại, thậm chí nhiều loại thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống.

Theo TS Nguyên trong thuốc lá điện tử có chất nicotine, theo nhiều nghiên cứu cho thấy liều lượng nicotine trong thuốc lá điện tử còn cao hơn các loại thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, còn  có rất nhiều các thành phần chất tạo mùi, tạo khói, tạo hơi…. Các tạp chất này khi đốt cháy có thể gây ung thư tổn thương phổi… Các chất này sẽ thay đổi theo thời gian, theo mục đích sử dụng, thị hiếu, nhu cầu của người dùng… do vậy rất khó kiểm soát.

Không những thế, trong nhiều loại thuốc lá điện tử có chứa các chất ma túy, phổ biến nhất là cần sa. Thực tế đã có nhiều trường hợp nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử với tình trạng rất nặng nề, qua xét nghiệm mẫu dung dịch thuốc lá sử dụng có phát hiện nhiều chất ma túy thế hệ mới, cần sa tổng hợp (như trường hợp của bệnh nhân trên).

Bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc lá điện tử, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên để tránh những nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Nếu thấy người bệnh sau khi hút thuốc lá điện tử có cử động chậm chạp, ở trạng thái lơ mơ, có dấu hiệu ngộ độc hoặc các dấu hiệu bất thường về sức khỏe... cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm để được cấp cứu và điều trị kịp thời.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại