Thứ sáu, 26/04/2024 | 05:12
RSS

Cô gái trẻ bị suy tim, hôn mê sâu sau khi sử dụng thuốc lá điện tử

Thứ tư, 27/07/2022, 16:58 (GMT+7)

Sau khi hút thuốc lá điện tử, cô gái bất tỉnh, được đưa đến y tế cơ sở trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, sau đó phải chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Sự kiện:
Hà Nội

Theo Báo VietNamNet, ngày 26/7, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân (nữ, 20 tuổi, Hà Nội) hôn mê sâu sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.

Gia đình cho biết, chiều 25/7, cô gái xin đi chơi với bạn nhưng sau đó gia đình nhận được tin cô gái bất tỉnh sau khi hút thuốc lá điện tử, được đưa đến y tế cơ sở trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, sau đó phải chuyển đến Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Được biết, trước đó sức khỏe cô gái hoàn toàn bình thường, gia đình cũng chưa từng nhìn thấy cô gái sử dụng thuốc lá hay thuốc lá điện tử.

Cô gái trẻ bị suy tim, hôn mê sâu sau khi sử dụng thuốc lá điện tử

Hiện cô gái đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Báo VietNamNet

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho hay, qua kiểm tra đánh giá, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân có tổn thương đa cơ quan nặng nề, suy tim, não có tổn thương lan tỏa, xung huyết não. Ngoài ra, còn ghi nhận có tổn thương ở cơ quan khác như gan, thận. Tình trạng bệnh nhân rất nặng, tiên lượng xấu.

Mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng đã được gửi đi xét nghiệm ở Viện Pháp y Quốc gia. Các chuyên gia tìm thấy một chất cần sa tổng hợp (ADB- BUTINACA) là loại ma túy thế hệ mới. Điều này cho thấy bệnh nhân ngộ độc cần sa tổng hợp.

Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng thông tin thêm, đây không phải trường hợp duy nhất, trước đó bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thuốc lá điện tử, đa phần là người trẻ. Nhiều trường hợp bị tổn thương não, kích thích hoang tưởng, ảo giác, tụt huyết áp, nguy cơ về tim mạch.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cảnh báo thuốc lá điện tử rất phức tạp. Mặc dù nhiều hãng quảng cáo không có nicotine nhưng trong nhiều loại thuốc lá điện tử, nicotine còn nhiều hơn thuốc lá bình thường, gây nghiện. Ngoài nicotine, trong thuốc lá điện tử có thể còn các thành phần khác, không ít loại được cho các chất ma túy vào để làm tăng cảm giác phê và nghiện. Những chất này gây ảnh hưởng đến rối loạn tâm thần, chính là cảm giác “phê”. Sau đó, gây hàng loạt ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh và nhiều cơ quan trong cơ thể.

Cô gái trẻ bị suy tim, hôn mê sâu sau khi sử dụng thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử chứa nhiều chất gây ảnh hưởng đến tim mạch, thần kinh và nhiều cơ quan trong cơ thể. Ảnh minh họa

Liên quan đến thuốc lá điện tử, nguồn tin trên Báo Sức khỏe & Đời sống cho biết, tại Hội thảo chuyên đề về Tác hại của thuốc lá mới - Các vấn đề thực tiễn và pháp lý diễn ra ngày 26/7, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Bộ Y tế cho biết, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nước ta chưa cao nhưng bắt đầu có sự gia tăng ở giới trẻ.

Cụ thể, một nghiên cứu tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế tiến hành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ đang sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh lớp 8-12 là 8,35% (nữ là 4,8%, nam là 12,39%), ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Tỷ lệ nữ giới hút thuốc lá điện tử cũng tăng cao hơn so với hút thuốc lá điếu thông thường. Có tới 8% trẻ em gái và phụ nữ hút thuốc lá điện tử (trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ là 1,2%).

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, thuốc lá điện tử đang được kinh doanh bất hợp pháp nhưng tỷ lệ sử dụng đã có xu hướng gia tăng. Nếu cho phép kinh doanh thì sẽ có nguy cơ tăng mạnh, thu hút giới trẻ nhiều hơn và tạo ra một thế hệ nghiện nicotin mới. Từ năm 2020-2021, Bộ Y tế đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cấm hoàn toàn đối với thuốc lá điện tử.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam nhấn mạnh, thuốc lá điện tử chứa nhiều chất độc giống như thuốc lá truyền thống, gây hại cho cả người hút và người xung quanh.

Theo bác sĩ Lâm, nguy cơ gây nghiện nicotine, gây ra các bệnh như ung thư, nhất là ung thư phổi (thông qua tăng sinh tế bào, mất cân bằng oxy, gây chết tế bào và đột biến DNA), vòm họng, phổi tắc nghẽn, tăng nguy cơ huyết khối… Nghiêm trọng hơn thuốc lá thông thường, thuốc lá điện tử còn gây nhồi máu cơ tim, liên quan đến hội chứng tổn thương phổi cấp…

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại

CÙNG CHUYÊN MỤC