Thứ bảy, 27/04/2024 | 02:20
RSS

Cảnh báo tình trạng ngộ độc do uống rượu pha chế từ cồn công nghiệp

Thứ ba, 26/07/2022, 14:14 (GMT+7)

thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do uống rượu pha chế từ cồn công nghiệp, không rõ nguồn gốc xuất xứ gây hậu quả nghiêm trọng.

Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia định (TP HCM) cho biết, mới đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhiều trường hợp ngộ độc methanol sau khi mua rượu không rõ nguồn gốc về uống.

Trường hợp đầu tiên là ông V. mua rượu về uống, chừng 1 giờ sau thì cảm thấy khô, nóng rát cổ họng, nhức đầu, tối sầm mặt rồi gục ngất xỉu ngoài đường, được người dân đưa vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ.

Nghi ngờ ông V. bị ngộ độc methanol, các bác sĩ xử trí cấp cứu. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu ban đầu của bệnh nhân là 125,2 mg/dL (chỉ số người bình thường = 0). Ông V. được truyền ethanol vào dạ dày để loại bỏ độc chất, ngăn chặn chuyển hóa hấp thu ngộ độc đồng thời được lọc máu ngắt quãng. Nhờ xử trí kịp thời, ông V. qua cơn nguy kịch.

Một trường hợp khác là nam bệnh nhân (56 tuổi, ở TP HCM) cũng ngộ độc rượu, đã ngủ li bì 2 ngày trước khi được cấp cứu trong tình trạng nhìn mờ, nặng ngực. Tại cơ sở y tế tiếp nhận ban đầu, bệnh nhân được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim và chuyển viện trong tình trạng rối loạn nhịp tim, mạch nhanh, huyết áp khó đo, phải đặt nội khí quản. Sau khi xét nghiệm mới phát hiện nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là ngộ độc methanol.

Cảnh báo tình trạng ngộ độc do uống rượu pha chế từ cồn công nghiệp

Bệnh nhân ngộ độc rượu đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia định. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân Gia định

Như báo chí đưa tin, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu gây hậu quả nghiêm trọng. Gần đây nhất là vụ 3 người phụ nữ tử vong sau 2 ngày nhậu liên tiếp xảy ra tại xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Nạn nhân là bà N.T.L. (SN 1985), Đ.T.L. (SN 1978) và bà M.T.M. (SN 1968), cùng ngụ xã Tân Hưng.

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 20/7, bà N.T.L., bà Đ.T.L. cùng 3 người khác nhậu tại nhà bà M.T.M. ở xã Tân Hưng từ 19h đến 23h.  Sau đó, đến ngày 21/7, 6 người này tiếp tục nhậu từ 9h cho đến 13h. Tối ngày 22/7, bà N.T.L., bà Đ.T.L. và bà M.T.M. có biểu hiện nôn ói, khó thở… nên được người thân đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cà Mau cấp cứu. Tuy nhiên, trong quá trình di chuyển, bà M. đã tử vong; 2 người còn lại cũng tử vong sau đó. Riêng 3 người nhậu cùng nhóm với các nạn nhân hiện sức khỏe bình thường.

Theo lãnh đạo UBND xã Tân Hưng, gia đình các nạn nhân nhận định tử vong do bị ngộ độc nên không yêu cầu khám nghiệm tử thi để điều tra nguyên nhân và tổ chức mai táng.

Hay trước đó là vụ việc 2 anh em ruột ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng tử vong sau khi tham gia cuộc nhậu với 10 loại rượu khác nhau. Nạn nhân là anh Liêng Jrang Ha Hôn (26 tuổi) và em ruột là anh Liêng Jrang Ha Hải (23 tuổi), cùng ngụ thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương.

Cụ thể, vào chiều 30/6, các nạn nhâncó ăn cơm và uống bia, rượu tại nhà Ha Hôn. Rượu được mua từ cửa hàng tạp hóa và tự pha thêm rượu chuối hột đóng chai sẵn (không rõ cơ sở sản xuất và không rõ mua tại đâu). Đến trưa 2/7, Ha Hôn và Ha Hải uống rượu cùng 6 người khác. Sau khi những người khác ra về, 2 anh em này vẫn tiếp tục uống đến tối cùng ngày mới nghỉ.

ThS.BS Hoàng Tiến Nam, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, người ngộ độc methanol nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời thì do toan máu nặng, suy đa cơ quan, ngưng tim dẫn đến nguy cơ tử vong cao hoặc nếu cứu được thì để lại các biến chứng như mờ mắt.

Để tránh tình trạng ngộ độc Methanol, bác sĩ Nam khuyến cáo không nên uống rượu bia, các chất kích thích hoặc sử dụng các loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được cấp phép lưu hành.

Methanol thường được gọi là cồn công nghiệp, có công dụng làm sơn, dung môi... Chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Ngộ độc rượu từ ethanol thường nhẹ hơn, chỉ có các triệu chứng như say rượu, song ngộ độc rượu do methanol thường nặng hơn rất nhiều.

Sau khi uống rượu pha methanol, các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút nhưng có thể muộn hơn, tùy lượng uống vào. Thường có 2 giai đoạn ngộ độc: Giai đoạn kín đáo (từ vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo.

Rượu methanol ngoài tác động gây độc, ức chế hệ thần kinh, khi phân hủy còn sinh ra formaldehyde, có thể hủy hoại thần kinh mắt, gây mù. Chưa hết, rượu methanol khi phân hủy còn tạo ra axít formic, formate gây toan chuyển hóa, giảm ôxy trong máu và các rối loạn khác. Điều này làm cho bệnh nhân nhanh chóng hôn mê, dẫn tới tử vong.

Biểu hiện ngộ độc ở giai đoạn nặng thường gặp gồm: thần kinh (giai đoạn đầu tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có biểu hiện bồn chồn, hưng cảm rồi dần ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật); mắt (lúc đầu bình thường, sau nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, đau mắt, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị); tiêu hóa (đau bụng, nôn, tiêu chảy); hô hấp (thở nhanh, sâu rồi dần thở yếu, ngừng thở); tim mạch (giãn mạch, tụt huyết áp, suy tim); có thể đau lưng, cứng gáy, cứng cơ, da lạnh, vã mồ hôi.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại