Thứ năm, 25/04/2024 | 17:21
RSS

Cảnh báo tình trạng mắc sởi ở người lớn ngày càng nhiều, biến chứng phức tạp

Thứ sáu, 21/06/2019, 19:34 (GMT+7)

Có nhiều ca mắc sởi rất nặng, có biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, biến chứng viêm não mới đến viện thăm khám và điều trị.

Liên tiếp các ca mắc sởi bị biến chứng trong đó có cả mẹ bầu
TS.BS Đoàn Thu Trà thăm khám cho bệnh nhân sởi đang điều trị tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai.

Theo TS.BS Đoàn Thu Trà - Phó giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai trước tình trạng bệnh sởi người lớn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp thì người lớn cũng cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Hiện Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho khoảng chục ca sởi người lớn có biến chứng. Có thời điểm Trung tâm tiếp nhận tới 10 ca sởi một ngày, trong đó có ca trường hợp là phụ nữ có thai, người suy giảm miễn dịch... Trước đó theo thống kê, trong tháng 5/2019, số ca mắc sởi điều trị tại trung tâm là 70 ca, trong đó phổ biến là trong độ tuổi 25-35, hầu hết các bệnh nhân đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi.

Đang điều trị bệnh sởi ngày thứ 5 tại Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai, anh N.A (29 tuổi, ở Bắc Giang) cho biết: anh vào viện do bị sốt cao khoảng 1 tuần, sau đó xuất hiện các nốt ban trên da. Tuy nhiên anh chỉ nghĩ mình bị sốt virut thông thường và dùng thuốc hạ sốt, không nghĩ người lớn có thể mắc sởi. Chỉ đến khi có những biến chứng sốt cao không dứt, ho và đau rát họng nhiều anh N.A mới đi khám và được chuẩn đoán anh đã mắc bệnh sởi biến chứng viêm đường hô hấp.


Phụ nữ trưởng thành cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng để phòng bệnh cho chính mình, giúp thai kỳ khỏe mạnh.

TS.BS Đoàn Thu Trà cho biết: Tỷ lệ mắc sởi ở người lớn khá cao tuy nhiên bệnh nhân lại thường chủ quan và không nghĩ mình có thể mắc sởi, chỉ đến khi rất nặng, hoặc có biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có ca bị sởi biến chứng viêm não, viêm màng não rất nặng mới đến viện thăm khám và điều trị.

Các chuyên gia cho biết sởi bùng phát ở người lớn có thể là nguồn lây dễ dàng cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng. “Phòng bệnh là vô cùng quan trọng và biện pháp đặc hiệu là tiêm vắc xin. Bất kỳ người lớn nào chưa từng mắc sởi hay chưa tiêm phòng cần bổ sung mũi tiêm này càng sớm càng tốt”, TS. Đoàn Thu Trà nhấn mạnh.

Theo khuyến cáo của Chương trình Tiêm chủng mở rộng, để phòng bệnh sởi và bệnh rubella, cần tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch như sau: Tiêm vắc xin sởi khi trẻ 9 tháng tuổi và tiêm vắc xin sởi - rubella khi trẻ 18 tháng tuổi. Trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm chủng miễn phí vắc xin sởi, sởi - rubella trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại các trạm y tế xã phường trên toàn quốc.

Tất cả những người chưa có miễn dịch với vi rút sởi, rubella (chưa từng mắc bệnh, chưa được tiêm vắc xin) đều có nguy cơ mắc bệnh. Nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ nhỏ chưa đến tuổi tiêm chủng không có miễn dịch từ mẹ truyền sang hoặc miễn dịch phòng bệnh của người mẹ truyền không đủ để phòng bệnh cho trẻ; trẻ chưa được tiêm vắc xin. Nơi có mật độ dân số quá đông cũng là yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc bệnh.

Đặc biệt những bạn nữ vị thành niên, nữ tuổi sinh đẻ sinh sống, học tập và làm việc ở nơi tập trung đông người như sinh viên, công nhân, nhân viên văn phòng... nên chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và bệnh rubella. Cần tiêm vắc xin phòng bệnh sởi và rubella trước khi mang thai ít nhất 3 tháng để phòng bệnh cho chính mình, giúp thai kỳ khỏe mạnh, trẻ sinh ra không bị mắc hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật.


Xem thêm clip: Dịch sởi biến chứng nguy hiểm: Học ngay cách phòng bệnh cho con trong 2 phút!

Mai Thanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN