Chủ nhật, 08/12/2024 | 16:37
RSS

Liên tiếp các ca người lớn mắc sởi phải nhập viện trong đó có cả mẹ bầu, chuyên gia cảnh báo nguy hiểm

Thứ sáu, 11/01/2019, 09:30 (GMT+7)

Khi nói đến sởi người ta hay nghĩ đến trẻ con nhưng các chuyên gia cảnh báo rất nhiều người lớn cũng mắc sởi. Tuy là bệnh truyền nhiễm lành tính song nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách thì có thể có biến chứng và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Nhiều phụ nữ mang thai mắc sởi

Liên tiếp các ca người lớn mắc sởi nhập viện trong đó có cả mẹ bầu
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai.

Chia sẻ với PV Đời sống Plus, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ những tháng cuối năm 2018 đến nay, khoa tiếp nhận nhiều các trường hợp mắc sởi đến khám, nhập viện. Nếu vài tháng trước, trung bình mỗi tháng, khoa Truyền nhiễm có khoảng 10 trường hợp điều trị thì chỉ trong hai ngày gần đây (9-10/1), khoa đã có 8 ca.

Một số ca trong tình trạng mắc sởi trên nền cơ địa đặc biệt như có thai, mắc các bệnh tim, phổi, thận,... mãn tính. Trong số 8 bệnh nhân sởi đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm thì có 2 sản phụ, một sản phụ đang mang thai tuần thứ 36 và một sản phụ đang mang thai tuần thứ 24.

Sản phụ 30 tuổi đến từ Từ Sơn, Bắc Ninh cho biết cách đây khoảng hơn 1 tuần chị thấy sốt cao, sau đó xuất hiện nốt ban đỏ. Lo lắng khi đang mang thai tuần thứ 24, chị đi khám chuyên khoa sản thì được bác sĩ chỉ định đến khám chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai. Với các dấu hiệu điển hình của bệnh sởi: sốt cao, có ho, phát ban từ sau tai, lên mặt, lan xuống thân mình, ngực, lưng; ban đỏ sẩn, đau mắt, chảy nước mắt nhiều, các bác sĩ đã chỉ định chị phải nhập viện để điều trị và theo dõi.

Với các trường hợp bệnh nhân mắc sởi khi đang mang thai , PGS. Cường cảnh báo cần hết sức thận trọng và lưu ý vì thái phụ có nguy cơ dễ sảy thai, đẻ non do sốt rất cao, dễ bội nhiễm do suy giảm miễn dịch hơn người khác.

Những ai có nguy cơ mắc sởi

Liên tiếp các ca người lớn mắc sởi nhập viện trong đó có cả mẹ bầu 2
PGS. Đỗ Duy Cường đang thăm khám cho một thai phụ.

Theo PGS. Đỗ Duy Cường, không chỉ trẻ em và phụ nữ có thai mà bất cứ ai không có miễn dịch (người chưa được tiêm phòng hoặc đã được tiêm phòng nhưng không tạo được miễn dịch) đều có thể mắc sởi.
Các triệu chứng của sởi là sốt nhẹ hoặc sốt cao từ 39 - 40 độ C, sốt liên tục. Người bệnh thường bị hắt hơi, chảy nước mũi, nước mắt, viêm kết mạc, dử mắt, phù nhẹ mi, ho (có thể ho khan hoặc có đờm), tiêu chảy,..

Sau khi sốt 3 - 4 ngày, người bệnh bị phát ban đầu tiên mọc từ sau tai, lan dần hai bên má, cổ, ngực, chi trên, sau lưng, chi dưới, đến toàn thân. Ban màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào thì biến mất. Thể nhẹ thì ban rải rác, thể nặng thì ban dày gần như che kín da, cả gan bàn tay, chân,...

Sau đó ban bắt đầu bay, nơi nào mọc trước thì sẽ bay trước và để lại vết thâm trên da, khoảng một tuần sau thì không còn dấu vết gì. Cần phân biệt bệnh sởi với ban do dị ứng (phát ban từng mảng, dạng mề đay, ngứa) và phát ban trong các bệnh khác (như tinh hồng nhiệt, nhiễm trùng...). Một số trường hợp kết mạc mắt đỏ, khám họng thấy có chấm trắng trong niêm mạc miệng. Người bệnh thường ăn kém, mệt mỏi, trẻ em quấy khóc,...

Sởi thường diễn biến tự khỏi, tuy nhiên có thể có khoảng 30% trẻ em và 5% người lớn sẽ có biến chứng như viêm phế quản- phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy, viêm loét giác mạc, viêm não, suy dinh dưỡng,... Cần phát hiện sớm các biến chứng sau khi mắc sởi, đặc biệt là sau khi ban bay hết mà người bệnh vẫn còn sốt.

Về điều trị bệnh sởi, chủ yếu là các biện pháp điều trị hỗ trợ, giảm triệu chứng. Dùng các thuốc hạ sốt, bù dịch, ăn uống dinh dưỡng đầy đủ, vệ sinh thân thể. Sau khoảng 1-2 tuần bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn.


Xem thêm clip: Lo ngại 'kịch bản' dịch sởi có thể quay lại như năm 2014

Mai Thanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN