Khi đi khám bệnh, dù là tại bệnh viện hay các phòng khám chuyên khoa, bệnh nhân đều được bác sĩ kê những đơn thuốc phù hợp với căn bệnh hiện tại của mình.
Theo chia sẻ của DS. Lê Thị Quỳnh trên sức khỏe & Đời sống, các đơn thuốc ngắn ngày thường được kê trong các trường hợp bệnh cấp tính hoặc giai đoạn đầu cần theo dõi bệnh và điều chỉnh liều theo đáp ứng của các căn bệnh mạn tính. Với các trường hợp này, bác sĩ thường kê đơn đủ dùng trong không quá 2 tuần, kèm theo lời dặn tái khám để theo dõi tình trạng bệnh.
Không ít người bệnh tái sử dụng đơn thuốc cũ có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Ảnh minh họa
Trường hợp không đáp ứng thuốc: Ví dụ trong các trường hợp nhiễm khuẩn và bác sĩ chỉ định kháng sinh để điều trị, có thể bệnh nhân đã kháng thuốc do đó thuốc không đạt hiệu quả. Trong trường hợp này, nếu không tái khám để được chỉ định thuốc mới mà dùng lại đơn thuốc cũ, có thể dẫn đến sự biến chuyển xấu của bệnh, bệnh nặng hơn.
Trường hợp cần điều chỉnh liều thuốc theo giai đoạn: Một số bệnh, trong giai đoạn cấp tính, bác sĩ cần kê liều thuốc cao dùng điều trị khởi đầu ngắn ngày, sau đó sẽ giảm liều để điều trị duy trì sau khi bệnh đã biến chuyển tốt. Liều cao thuốc sử dụng dài ngày có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng cho bệnh nhân, nếu không tái khám mà tự ý dùng đơn thuốc cũ có thể dẫn đến nhiều tai biến nguy hiểm.
Một trường hợp ngược lại, bác sĩ sẽ cho liều khởi đầu điều trị thấp, ngắn ngày để theo dõi đáp ứng thuốc hoặc sự dung nạp thuốc của bệnh nhân, sau đó mới tăng liều dần để đạt được hiệu quả mong muốn. Trong trường hợp này, việc dùng lại thuốc cũ sẽ khiến cho bệnh tình kéo dài mà không nhận được sự điều trị đầy đủ.
Các đơn thuốc dài ngày, tối đa 30 ngày, thường được kê trong các trường hợp bệnh mạn tính, điều trị duy trì để ổn định bệnh. Bệnh nhân có thể nhận được các đơn thuốc giống nhau trong nhiều tháng, dẫn đến chủ quan và dùng lại đơn thuốc cũ mà không tái khám.
Trường hợp bệnh diễn biến xấu đi, thuốc cũ không còn kiểm soát được bệnh: Các căn bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường thường có diễn biến âm thầm, bệnh có thể xấu đi mà bệnh nhân không hề nhận biết được, thuốc được sử dụng ban đầu có thể không còn đủ hiệu quả kiểm soát bệnh.
Điều trị dài ngày cũng có thể dẫn đến việc quen thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc. Những sự thay đổi này cần có sự xem xét và đánh giá của bác sĩ, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như tăng liều thuốc, đổi thuốc hoặc phối hợp thêm thuốc để điều trị bệnh.
Trường hợp mắc thêm bệnh mới: Các căn bệnh tim mạch - chuyển hóa thường có mối liên quan chặt chẽ với nhau, bệnh này có thể là yếu tố nguy cơ hoặc biến chứng của bệnh kia. Bệnh nhân có thể mắc thêm một căn bệnh mới có liên quan đến căn bệnh đang điều trị. Lúc đó, sự điều chỉnh đơn thuốc là vô cùng cần thiết, vì có thể những thuốc đang dùng đã không còn phù hợp và có thể làm nặng hơn căn bệnh mới mà bệnh nhân mắc phải.
Mới đây tại Lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc do Tổ chức y tế thế giới (WHO) phát động đã được Bộ Y tế tổ chức,
Mặc dù kiểm soát số thuốc/đơn trong đợt điều trị có ý nghĩa quan trọng với việc giảm nguy cơ tương tác có hại của thuốc cũng như liên quan đến sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả, nhưng GS Ngô Quý Châu, Phó giám đốc phụ trách Bệnh viện Bạch Mai, cho biết đã lâu, bệnh viện này không có thống kê về số thuốc được kê/đơn.
Giáo sư Châu cho rằng, để ngăn chặn kháng thuốc, bệnh nhân cần tuân thủ dùng thuốc đúng liều, đúng thời gian. “Đáng ra liều dùng là 3 gam thì lại chỉ 1 gam; hoặc 2-3 ngày đỡ bệnh thì dừng thuốc trong khi liều phải dùng đủ là 5-7 ngày; hoặc kháng sinh dùng cho nhiễm trùng phổi thì lại dùng cho bệnh khác. Thậm chí, đơn thuốc cũ do bác sĩ kê từ 1-2 năm trước đem ra mua mà không đi khám là rất nguy hiểm, khiến dùng thuốc không đúng với bệnh mắc phải”, GS Châu dẫn thực tế, và khuyến cáo việc tùy tiện mua và sử dụng kháng sinh như vậy dễ dàng gây kháng thuốc và còn nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt ở người có bệnh lý về thận, gan.
Lời khuyên cho người dùng thuốc
Người bệnh nên tái khám đúng hạn theo như dặn dò của bác sĩ để có được sự theo dõi và điều trị tối ưu.
Những căn bệnh cấp tính nếu điều trị chưa khỏi cũng không nên vội vàng tìm thầy thuốc mới, mà nên đến khám lại ở thầy thuốc cũ - người đã nắm được tình hình bệnh trước đó sẽ có những thay đổi trong đơn thuốc phù hợp hơn.
Trường hợp bệnh mạn tính, đừng thấy đơn thuốc không thay đổi gì mà lơ là việc tái khám, các căn bệnh có thể diễn biến bất thường, hay đã đến thời điểm giảm liều thuốc để điều trị duy trì, thậm chí ngừng thuốc... Chỉ có bác sĩ của bạn mới biết được điều này.
Vì lợi ích sức khỏe của bản thân, bệnh nhân cần nhớ rằng: Không dùng lại đơn thuốc cũ, không dùng đơn thuốc của người khác hay cho người khác mượn đơn thuốc của mình, cũng như không tự ý thêm hay bớt thuốc trong đơn.