Thứ sáu, 26/04/2024 | 13:01
RSS

Cần chăm sóc cho trẻ thế nào trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19?

Thứ hai, 01/11/2021, 11:10 (GMT+7)

Hôm nay (1/11) bắt đầu Chiến dịch tiêm vắc xin Cvid-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trên toàn quốc. Cần phải lưu ý những gì trước - trong và sau khi tiêm là băn khoăn của rất nhiều cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm này.

Những điều cha mẹ cần lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em

Tiêm vắc xin  cho trẻ tại tỉnh Bình Dương (Ảnh: Báo Tuổi trẻ)

Những trẻ em nào đủ điều kiện và trẻ nào nên trì hoãn tiêm vắc xin phòng Covid-19

Bộ Y tế mới ban hành quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm vắc xin phòng covid-19 cho trẻ em".

Tại quyết định này, Bộ Y tế hướng dẫn có 8 yếu tố mà người khám sàng lọc cần quan tâm, đó là: Hỏi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin phòng Covid-19; 

Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển; tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào;  rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…); các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).

Trong Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ: Nếu trẻ đủ điều kiện tiêm chủng ngay khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất; chống chỉ định tiêm vắc xin cùng loại khi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin phòng Covid-19;

Trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển; thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; rối loạn tri giác, rối loạn hành vi; chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…).

Những điều cha mẹ cần lưu ý khi tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em

Cha mẹ cần chăm sóc tốt cho trẻ trước và sau tiêm vắc xin (Ảnh: Báo TN)

Chăm sóc cho trẻ em trước và sau khi tiêm vắc xin Covid-19

Chia sẻ về vấn đề này trên báo Tuổi trẻ, PGS.TS.BS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM - cho biết, nguyên tắc tạo miễn dịch bảo vệ ở trẻ em tương tự như người lớn. 

Tuy nhiên, đối với từng loại vắc xin cụ thể và lứa tuổi của trẻ, liều trong mỗi mũi tiêm hoặc số lần tiêm để đạt miễn dịch cơ bản có thể khác nhau. Theo đó, BS Dũng cũng khuyến cáo:

Trẻ cần uống nước đầy đủ trước khi tiêm vắc xin

Do chưa trưởng thành nên trẻ khi đi tiêm vắc xin cần được cha mẹ quan tâm 4 đặc điểm. 

1. Trẻ thường chưa hiểu được lợi ích của việc tiêm chủng nên có thể không tự nguyện và hợp tác để được tiêm ngừa. 

2. Trẻ không biết tự khai báo về tình trạng sức khỏe và tiền sử y tế của mình.

3. Trẻ thường có khả năng chịu đau kém hơn người lớn nên có thể khóc hoặc giãy giụa khi được tiêm. 

4. Trẻ chưa có kinh nghiệm để nhận biết các dấu hiệu của bản thân như mệt, chóng mặt, ngứa ngáy trong người, khó thở. 

Dinh dưỡng tốt là quan trọng trong việc tạo miễn dịch cho trẻ nhưng việc này cần được làm thường xuyên kể cả khi trẻ không có lịch tiêm chủng.

Theo đó, BS lưu ý trước ngày tiêm mà cha mẹ cho trẻ ăn uống thêm các loại thức ăn đặc biệt hoặc uống thuốc bổ trước ngày đi tiêm phải cân nhắc đến việc có thể làm cho trẻ cảm thấy căng thẳng hơn, không có lợi cho việc tiêm chủng. Tuy nhiên, cha mẹ cần thiết phải nhắc nhở và cho trẻ uống nước đầy đủ.

Sau khi tiêm vắc xin, cha mẹ phải chăm sóc trẻ thế nào?

Sau khi trẻ đã tiêm chủng, bác sĩ Đỗ Văn Dũng cho rằng cha mẹ cần lưu ý hai điều:

1. Gia đình phải thông cảm với sự sợ hãi hay cảm giác đau của trẻ. 

2. Phụ huynh cần phòng ngừa và phát hiện những biến chứng có thể xảy ra sau tiêm. Vì vậy, nếu trẻ khóc trong hoặc sau khi tiêm cần an ủi, ôm trẻ vào lòng. Ở trẻ nhỏ có thể có một số thủ thuật giúp trẻ vượt qua cảm giác đau. 

Ví dụ, bảo rằng con phải hít hơi sâu vào và thổi mạnh vào chỗ tiêm để "thổi bay đau". Việc hít thở sâu vừa giúp trẻ tốt hơn về hô hấp vừa tạo tác động tâm lý giúp trẻ giảm cảm giác đau. 

Ở trẻ, do cảm giác đau có thể rất mạnh hoặc do lo sợ khiến trẻ có thể bị ngất sau tiêm nên cho trẻ nằm nghỉ, ngồi nghỉ ít nhất 15 phút trong lúc theo dõi các phản ứng phản vệ. Phụ huynh cần quan sát sắc mặt của trẻ, hỏi trẻ có cảm giác gì lạ, bất thường hay không.

Sau khi tiêm trẻ có thể gặp một số triệu chứng như đau, sưng, đỏ tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn... Các triệu chứng này không được gọi là biến chứng vì thường tự khỏi trong 1 hoặc  2 ngày. 

Nếu trẻ khó chịu nhiều có thể dùng khăn mát hạ nhiệt, chườm vào chỗ tiêm, sử dụng paracetamol theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Cho trẻ uống nước đầy đủ. Không nên uống thuốc hạ sốt giảm đau trước khi tiêm hoặc khi chưa bị đau sốt.

Theo đó, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cũng chia sẻ, phản ứng sau tiêm vắc xin ở trẻ 12-17 tuổi hoàn toàn tương tự như người lớn. Sau tiêm, trẻ sẽ được theo dõi tại điểm tiêm 30 phút, tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu. Lưu ý, trong vòng 3 ngày đầu sau tiêm luôn có người hỗ trợ 24/24 (bố mẹ, người giám hộ...). Đồng thời, trẻ cần tránh vận động mạnh.

Thêm nữa, các chuyên gia cũng khuyến cáo, sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ, cha mẹ cần dặn dò con, cùng con kiểm soát, theo dõi kỹ phản ứng bất thường sau tiêm, thông báo cho y tế để được giúp đỡ, ghi nhận và đánh giá trường hợp của mình. Đặc biệt không tự điều trị, cần đến ngay viện.

H.N (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại