Thứ năm, 25/04/2024 | 20:34
RSS

Hôm nay, trẻ em trên toàn quốc bắt đầu được tiêm vắc xin Covid-19

Thứ hai, 01/11/2021, 07:22 (GMT+7)

Hôm nay (1/11), bắt đầu Chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi trên toàn quốc.Dự tính có khoảng 8,1 triệu trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi sẽ được tiêm vaccine Covid-19 trong đợt này.

Hôm nay, trẻ em trên toàn quốc bắt đầu được tiêm vắc xin Covid-19, chuyên gia khuyến cáo gì?

 Hình ảnh tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em tại TP.HCM. Ảnh HCDC

Đã có 3 tỉnh, TP tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em 

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, hôm nay (1/11), Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi được tiến hành trên toàn quốc. Tuy nhiên, từ ngày 27/10 đến nay, đã có 3 tỉnh, thành phố tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, bao gồm TP.HCM, Bình Dương, Ninh Bình.

Thông tin trên báo Dân Việt, theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, sau 4 ngày triển khai, tính đến chiều 31/10 đã có hơn 352.000 trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm. Nhiều quận, huyện dự kiến hoàn thành theo đúng kế hoạch.

Còn tại Bình Dương, sáng 31/10 cũng bắt đầu tiến hành tiêm vắc xin Covid-19 cho 42.000 học sinh ở độ tuổi 15-17 tuổi ở các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch, Bình Dương sẽ tiến hành tiêm cho hơn 58.500 trẻ trong vòng 2 ngày (31/10 và 1/11) và tiêm vét trong ngày 2/11.  

Ngày 31/10, tại Ninh Bình cũng đã tiến hành tiêm đồng loạt cho học sinh từ 15 đến 18 tuổi tại các trường THPT và Trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh. Hiện đã có hơn 32.000 học sinh ở Binh Bình đã được tiêm vắc xin Covid-19 an toàn.

Trước đó, tại buổi triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em trên toàn quốc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã nhấn mạnh việc tiêm chủng cho trẻ em phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu.

Vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ là vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em.

Những phản ứng có thể gặp khi trẻ tiêm vắc xin Covid-19

Theo thông tin trên Dân Việt, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, các phản ứng xảy ra khi trẻ em tiêm vắc xin Covid-19 cũng hoàn toàn tương tự như ở người lớn.

Các phản ứng phổ biến là đau đầu, đau khớp, đau cơ, đau tại vị trí tiêm. Trẻ cũng có thể bị ớn lạnh, sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên chuyên gia lưu ý đối với vaccine Pfizer, thường sau tiêm mũi vaccine thứ 2 sẽ xảy ra phản ứng nhiều hơn mũi 1.

Các phản ứng có thể xảy ra các phản ứng khác gặp trên tỷ lệ 1/10 trẻ hoặc 1/100 trẻ sau tiêm là buồn nôn, mẩn đỏ tại chỗ tiêm. Các phản ứng không phổ biến khác dưới 1/1.000 trường hợp là nổi hạch, mất ngủ, đau tứ chi, khó chịu, ngứa tại chỗ tiêm.

Những phản ứng tiếp theo rất hiếm gặp là viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.

"Trẻ sau khi tiêm được theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút và tiếp tục theo dõi 28 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng. Việc theo dõi sau tiêm áp dụng như với người lớn", PGS Hồng cho biết.

PGS Hồng cũng nhấn mạnh, trẻ em trong lứa tuổi vị thành niên này thường có phản ứng lây chuyền. Do đó khi 1 trẻ nào có biểu hiện lo sợ hay e ngại tiêm thì sẽ dễ gây ra phản ứng lan chuyền cho nhiều trẻ khác. Vì vậy nên sắp xếp các phòng tiêm, theo dõi sau tiêm thật hợp lý, có những khoảng cách nhất định.

Chuyên gia khẳng định vắc xin Covid-19 tiêm cho trẻ em không gây vô sinh

Thông tin đăng trên báo Thanh Niên cho biết, trước thông tin lan truyền trên mạng xã hội bày tỏ lo ngại về việc tiêm vắc xin Covid-19 ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ, trong đó có lo lắng về nguy cơ gây vô sinh, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, nhấn mạnh: “Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng 2 vắc xin Covid-19 tiêm phòng cho trẻ là vắc xin Pfizer và Moderna. Hai vắc xin này có thành phần mRNA của vi rút nhưng khi vào cơ thể hoàn toàn không có tương tác với ADN của người, do đó không có nguy cơ gây ra rối loạn biến đổi gien, hay ảnh hưởng về lâu dài đến sức khỏe sinh sản (rối loạn vô sinh) hoặc ung thư… như các phụ huynh đang lo lắng”.

“Hiện nay chúng tôi chưa thấy có mối liên quan giữa việc sử dụng vắc xin của hai nhà sản xuất này với các tác động xấu đến sức khỏe”, PGS-TS Dương Thị Hồng khẳng định.

Giải thích thêm về cơ chế của vắc xin mRNA, một chuyên gia về vắc xin cho hay, vắc xin mRNA sử dụng mRNA (vật liệu di truyền) được tạo ra trong phòng thí nghiệm. Khi vào cơ thể người, “vật liệu” này giúp các tế bào tạo ra protein kích hoạt phản ứng miễn dịch bên trong cơ thể. Phản ứng miễn dịch đó sẽ tạo ra các kháng nguyên để bảo vệ chúng ta không nhiễm bệnh khi có vi rút thực sự xâm nhập cơ thể. Vắc xin mRNA không thay đổi ADN của cơ thể người.

“Vắc xin tiêm cho trẻ em ở nước ta đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo dùng, được sử dụng tiêm ở nhiều quốc gia khác nhau. Do đó các bậc phụ huynh yên tâm đưa con em mình đi tiêm chủng để phòng ngừa Covid-19”, TS Hồng chia sẻ.

Theo TS Hồng, trên thế giới hiện đã có hơn 36 quốc gia tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em, là loại vắc xin tương tự loại VN cho phép sử dụng để tiêm cho trẻ em.

H.N (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại