Mới đây, nhiều phụ huynh ở Hà Nội đã được nhà trường tổ chức lấy ý kiến về việc có đăng ký cho con tiêm vaccine hay không.
Chị Hoàng Thị Thủy, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, giáo viên chủ nhiệm lớp 7 của con gái chị gửi bảng thăm dò ý kiến trong về việc tiêm vaccine cho con. Chị Thủy cho hay, hầu hết các phụ huynh đều đồng ý cho con được tiêm.
Giáo viên gửi bảng thăm dò ý kiến phụ huynh. Ảnh: CMH
Chị Thủy cho biết: "Tôi hoàn toàn đồng ý cho con tiêm vaccine để phòng chống dịch covid-19 Chỉ khi nào học sinh được tiêm mới có thể yên tâm cho các con đến trường đi học".
Chị Nguyễn Ngọc Diệp, quận Bắc Từ Liêm có 2 con học tiểu học và trung học đều được giáo viên gửi bảng thăm dò lấy ý kiến tiên vaccine. Đồng tình với ý kiến của chị Thủy, chị Diệp cho hay: "Tôi đã chọn đồng ý tiêm. Tôi nghĩ việc tiêm vaccine sẽ là cách bảo vệ cho học sinh tốt nhất.
Mặc dù vậy, chị Diệp cũng băn khoăn: "Đang có nhiều tranh cãi về việc có cho trẻ tiêm vaccine hay không và tiêm loại nào an toàn. Tôi rất quan tâm về việc này, mong các cơ quan chức năng xem xét và chọn được loại vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ".
Chị Ngô Thanh Hà, phụ huynh có con học lớp 1 và lớp 5 ở huyện Thanh Trì, Hà Nội cũng được tham gia lấy ý kiến. Chị Hà cho hay, mặc dù con chưa nằm trong độ tuổi tiêm vaccine lần này nhưng chị quan tâm về việc tiêm loại vaccine nào an toàn cho học sinh.
Đa số phụ huynh đồng ý cho con tiêm phòng nhưng cũng có một số người chọn không tiêm vì còn nhiều băn khoăn về mức độ an toàn của trẻ. Chị Ngọc Diệp cho hay, phụ huynh lớp 8 - lớp con lớn của chị thì 100% đồng ý, lớp 4 của con nhỏ có 3 phụ huynh không đồng ý tiêm. Phụ huynh lớp con chị Hà thì có 1 người không đồng ý tiêm.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Phạm Văn Ngát, Trưởng Phòng GDĐT huyện Thanh Trì cho biết: "Phòng đã triển khai khảo sát về việc tiêm vaccine tới phụ huynh có con từ Mầm non trở lên. Tính đến ngày 29/10, có khoảng 70% số phụ huynh tham gia khảo sát đã đồng ý cho con tiêm phòng khi có điều kiện".
Ông Ngát cho biết thêm: "Để chuẩn bị các điều kiện cho năm học 2021-2022 và đón học sinh trở lại trường học sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19, ngày 16/9, Phòng GDĐT đã tham mưu với UBND huyện Thanh Trì về việc chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất dạy và học, bảo đảm an ninh an toàn trường học sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học, đồng thời Phòng GDĐT đã tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất và các điều kiện phục vụ dạy học, đảm bảo sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học.
Năm học này, toàn huyện có 84 trường (gồm 72 trường Công lập, 12 trường ngoài công lập) và 134 lớp mầm non độc lập tư thục. Tổng số học sinh 64.004 em/1.561 lớp trong đó, Mầm non công lập có 32 trường với 15.876 trẻ/441 lớp (chưa tính các trường ngoài công lập và lớp mầm non độc lập tư thục), Tiểu học có 23 trường với 30.138 học sinh/663 lớp và THCS có 17 trường với 17.990 học sinh/457 lớp.
Chia sẻ với PV, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GDĐT Hà Đông cho hay: "Phòng đang cho lấy ý kiến của phụ huynh có con học THCS trở lên về việc có mong muốn tiêm vaccine hay không theo văn bản từ Sở GDĐT Hà Nội.
Hiện tại Phòng đang cho các trường dọn dẹp vệ sinh, lau chùi đồ dùng trang thiết bị, chuẩn bị thiết bị, phòng cách ly, phòng y tế... Phòng cũng lên kế hoạch các phương án cho học sinh những khối nào đi học trực tuyến, khối nào đi học trực tiếp và đang chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố".
Bà Hằng bày tỏ: "Tâm tư phụ huynh nào cũng muốn cho con đi nhưng phải phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh của khu vực đó. Chúng tôi có thể chỉ bố trí một vài khối lớp đầu cấp, cuối cấp đi học trực tiếp còn lại phải học trực tuyến để đảm bảo cho học sinh tách lớp, đảm bảo an toàn vì dịch diễn biến khôn lường. Các trường đều lên phương án theo dõi hàng ngày có F0 hay không".
Tại quận Tây Hồ, bà Trần Thị Hương, Phó trưởng Phòng GDĐT quận Tây Hồ, Hà Nội cũng cho biết, Phòng đã tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc tiêm vaccine cho học sinh và sẽ sớm có kết quả khảo sát.
16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trường học ở Hà Nội vừa được công bố hôm qua. Ảnh: Sở GDĐT HN
Chiều 29/10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em". Theo Bộ Y tế, chống chỉ định tiêm vaccine cùng loại khi tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine Covid-19 lần trước hoặc các thành phần của vaccine Covid-19. Trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển. Thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào, rối loạn tri giác, rối loạn hành vi. Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hoá, tiết niệu, máu; nghe tim, phổi bất thường; phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…). PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: "Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, rất cần sự phối hợp của các thầy cô giáo, cha mẹ. Cha mẹ, người giám hộ cần ký Phiếu đồng ý tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ, đồng thời chuẩn bị tâm lý, sức khỏe tốt cho trẻ trước khi tiêm chủng và phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng theo hướng dẫn của cán bộ tiêm chủng". |