Thứ năm, 25/04/2024 | 22:27
RSS

Cảnh báo những “cạm bẫy” trên không gian mạng khi học trực tuyến

Thứ hai, 25/10/2021, 07:24 (GMT+7)

Trong quá trình học online, phụ huynh khó có thể kiểm soát trẻ tiếp cận các thông tin xấu, độc hại. Thậm chí, nhiều trẻ còn xem "web đen" khi sử dụng máy tính, hoặc có trẻ là nạn nhân của bạo lực trên mạng.

Học sinh xem  "web đen" ngay trong máy tính tại trường

Theo thông tin trên báo Dân Trí, tại hội thảo bảo vệ trẻ em và phụ nữ trên môi trường mạng, bà Phan Thị Cẩm Giang, giảng viên Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, tình trạng nghiện điện thoại, nghiện internet trong giới trẻ đang ngày càng nghiêm trọng. Nhất là khi các em học online trong giai đoạn bị ảnh hưởng Covid-19, thời gian tiếp xúc điện thoại, máy tính càng nhiều nên xu hướng này càng gia tăng.

"Có em mở laptop để học online mà bên cạnh lại mở điện thoại để chơi game, xem phim người lớn. Thậm chí,có em còn xem các trang web đen ngay trên máy tính trường học bị nhân viên IT phát hiện", thạc sĩ Cẩm Giang cho biết.

Cảnh báo những “cạm bẫy” trên không gian mạng khi học trực tuyến

Có nhiều trường hợp học sinh xem "web đen" ngay trên máy tính của nhà trường. (Ảnh: Báo DT)

Theo cô Cẩm Giang, những vấn đề tâm lý, lối sống lệch lạc của các em nghiêm trọng đến mức nhiều phụ huynh khổ sở tìm đủ cách khuyên nhủ cũng không được, lúng túng không biết cách xử lý, phải nhờ đến giáo viên tâm lý tư vấn. Thậm chí, nhiều phụ huynh phải mời chuyên viên tâm lý tư vấn cho con mình định kỳ đến 1 - 2 giờ đồng hồ mỗi tuần.

Chị Đỗ Phương Trang (có con học lớp 9 một trường THCS tại quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ trên báo Tiền Phong, thời gian con dùng máy học trực tuyến khoảng 8 tiếng/ngày, chưa kể buổi tối, nhưng rất khó giám sát, vì con ở phòng riêng, chốt cửa, bố mẹ muốn vào phải gõ cửa. Do đó, nếu con giả vờ tắt đèn đi ngủ và lén chơi game, chát chít với nhóm bạn đến khuya bố mẹ cũng khó có thể kiểm soát.

“Mới đây, tôi rất sốc khi tình cờ phát hiện con chát với nhóm bạn với từ ngữ khó tin liên quan đến sex. Hoá ra, con có bạn gái và nhóm bạn đề nghị chụp ảnh hai đứa hôn nhau gửi vào nhóm và con cũng đồng ý. Đây là chuyện tế nhị, tôi không biết phải nói với con thế nào nên trằn trọc mất ngủ mấy đêm”, chị Trang nói. 

Nguy cơ học sinh bị bắt nạt trực tuyến

Từ Cổng thông tin điện tử Phụ Thọ cho biết, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ (GD&ĐT) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Phòng chống bạo lực trên không gian mạng”. Hơn 20.000 giáo viên, học sinh, cán bộ quản lí đến từ 21 quốc gia trên thế giới tham gia hội thảo.

Cô giáo  Hà Ánh Phượng - Giáo viên Trường THPT Hương Cần, Trưởng nhóm Dự án “Hợp tác Giáo dục - Thanh thiếu niên giữa Thái Lan và Việt Nam” cho biết: Bắt nạt, lừa đảo, bạo lực trên không gian mạng đang là một trong những thách thức lớn trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, việc học trực tuyến đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết, kéo theo đó là những thách thức mà nó đem lại trong đó có bạo lực mạng. Vì vậy việc giáo dục và định hướng học sinh, sinh viên tránh khỏi những “cạm bẫy” mạng và nâng cao nhận thức an ninh mạng là một điều hết sức cần thiết trong các nhà trường.

Cảnh báo những “cạm bẫy” trên không gian mạng khi học trực tuyến

Phụ huynh cần hướng dẫn, giám sát để giảm thời gian trẻ sử dụng Internet, tránh bị bắt nạt. (Ảnh: Báo TP)

Cũng theo nguồn báo Tiền Phong,  Mới đây, PGS.TS Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, tham gia nhiều hoạt động trực tuyến có nguy cơ đối mặt tình trạng bắt nạt trực tuyến. Một khảo sát của nhóm chuyên gia với gần 1.000 học sinh tiểu học và THCS tham gia cho thấy, có 0,5-1,6% học sinh báo cáo thường xuyên bị bắt nạt trực tuyến bởi các hình thức khác nhau như: gửi tin nhắn đe doạ; đăng tin nhắn, ảnh bí mật lên mạng; tẩy chay; viết không đúng sự thật; bình luận tiêu cực về cá nhân…

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội) cũng cho hay, bạo lực học đường bao gồm trêu ghẹo, cô lập, bắt nạt, lời đồn và đánh nhau tập thể. Trên mạng cũng xuất hiện hiện tượng băng nhóm bắt nạt nhau bằng lời đồn và cô lập nhóm. Theo ông Sơn, để con tránh bị bắt nạt trực tuyến, cha mẹ khi cho con dùng mạng cần chú ý các vấn đề bắt nạt trên mạng, ham game, mê thần tượng vì thích nổi trội và các nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Về tâm lý, bản chất của kẻ bắt nạt theo lứa tuổi mạnh nhất là 9-16 tuổi, vì tuổi này trẻ nổi loạn cực điểm do muốn tự do, đi tìm cái tôi, muốn khẳng định mình.

Theo các chuyên gia nhận định vai trò của các cơ sở giáo dục đào tạo trong công tác này rất quan trọng. Vì vậy, với hệ thống rộng khắp, các cơ sở giáo dục có thể hướng dẫn trẻ em kiến thức bảo vệ mình trên môi trường mạng như chương trình giáo dục cảm xúc mà nhiều trường quốc tế đang áp dụng. Đồng thời, phụ huynh cũng cần theo sát con nhiều hơn trong khi học trực tuyến để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

 

Anh Thư (t/h)
Theo Giáo dục & Thời đại